Thú chơi cúc cổ
Vốn là loài hoa của mùa thu, vì nhiều lý do, những năm gần đây nhiều giống cúc cổ đã mặc nhiên đứng cạnh đào, mai... trở thành một giống hoa phải có vào dịp Tết đối với nhiều tay chơi. Cúc càng cổ giá càng đắt, và cái sự quý của nó chỉ có thể so với đào Thất thốn của miền Bắc hay mai Huỳnh Tỷ của miền Nam.
Thú chơi “vang bóng một thời”
Một ngày cuối năm, tiến sĩ Ngô Quân mời chúng tôi đến nhà thưởng cúc và nếm rượu cúc do anh tự chưng cất. Quanh căn gác nhỏ nhìn ra phía tả ngạn sông Hồng bày 36 chậu cúc đủ màu đủ vẻ. “Đều là giống cổ”, một người bạn đi cùng giải thích. Lúc này tôi mới biết, thú chơi cúc cổ đã rộ lại ở Thủ đô khoảng chừng chục năm nay.
Là khách nữ duy nhất, tôi được phép chọn chỗ ngồi đầu tiên. Vốn thích những loại hoa bông nhỏ, lại bị mùi thơm hấp dẫn, tôi chọn ngồi cạnh một chậu cúc Đinh Hương. Cúc Đinh Hương cánh trắng nhị vàng trông rất giống cúc Chi đang bán đầy ngoài chợ nhưng thơm hơn. Đây là một giống cổ nhưng năng suất không cao nên không được ưa chuộng để trồng đại trà.
Chuyên nghiên cứu về văn học Trung Quốc, anh Quân giải thích lý do người xưa yêu hoa cúc vì đặc tính “diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” của nó. Câu này dịch ra là: lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân, dù héo rũ tàn khô vẫn luôn bám lấy cành như người quân tử suốt đời theo đuổi lý tưởng của mình.
Ngoài ra, chuyện “cúc ngạo hàn sương” cũng là một lý do khiến người ta thích loại hoa này. Xưa các cụ chơi cúc đa phần là quan văn, chuyện quan trường không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nay lên mai xuống là thường.
Trồng cúc, chăm cúc cần tỉ mỉ, dụng tâm, giống như việc gọt Thủy Tiên, nhãng đi một ngày là không được. Sau giải phóng, người chơi cúc ít dần, các giống cổ cũng khó tìm hơn.
Trồng một chậu cúc trong nhà, quan sát nó âm thầm trữ lực, mặc bên ngoài tuyết sương giá lạnh, đến kỳ đến độ thì đâm nụ trổ bông cũng giống như một lời nhắc nhở những người đang nản lòng thoái chí, rằng “ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây” (sông Hoàng Hà 30 năm lại đổi hướng chảy một lần, ý chỉ sự đời biến thiên vô thường, không ai đoán trước được tương lai), rằng “núi xanh còn đó lo gì không có củi đun”, chỉ cần kiên trì, nhớ rõ “sơ tâm” (lòng dạ thuần khiết lúc ban đầu) thì đều sẽ chờ được đến lúc hoa nở, xuân về.
Ở Việt Nam, cúc cổ ban đầu xuất hiện nhiều nhất ở Huế, là thú chơi tao nhã trong cung đình, chỉ dành cho vua quan. Người dân cũng sẽ chơi cúc nhưng thường là các loại cúc đại trà như là Vạn thọ, Kim tiền. Dấu vết của nhiều loài cúc cổ hiện vẫn lưu giữ trong những hoa văn khắc gỗ, pháp lam... ở nhiều di tích triều Nguyễn.
Lại nói về thú chơi cúc ở Hà Nội, ông Minh Tuấn, một cao bồi già phố cổ kể thêm: “Xưa thầy tôi còn sống, Tết nào hiên nhà cũng có vài chậu hoa Hoàng Long Trảo với Hồng Tú Kiều (tên hai loài cúc cổ), ngoài ra cũng nhất định phải có một bồn Nhất Chi Mai trong phòng khách, trên bàn trà thì là một bát Thủy Tiên.
Trồng cúc, chăm cúc cần tỉ mỉ, dụng tâm, giống như việc gọt Thủy Tiên, nhãng đi một ngày là không được. Sau giải phóng, người chơi cúc ít dần, các giống cổ cũng khó tìm hơn”.
Tính sơ sơ, Hà Nội bây giờ có khoảng hơn chục nhóm chơi cúc cổ “có số má”, fanpage của những nhóm này đều có tới cả chục nghìn thành viên. Còn những nhóm nhỏ underground (ngầm) như kiểu của tiến sĩ Ngô Quân thì không tính được.
Trong những phạm vi nhỏ này, giống cúc cổ được chia sẻ hào phóng. Có người cất công đưa được giống cúc Móng Rồng vàng từ Huế ra Hà Nội, chăm bón hai năm thì bẻ cành nhân giống chia cho khắp bạn bè.
Hay như ông Minh Tuấn, cầy cục mãi mua được một chậu cúc Cát Tường giá bằng “ba chai Beluga giắt búa” (khoảng 7 triệu đồng) ngày ngày nâng niu xong dặn một người mới thân: đừng mua nữa, chờ cây lớn tôi chiết cho!
Giống bản địa đắt hơn cúc nhập khẩu
Người chơi cúc cổ ở Hà Nội đều biết, nếu muốn chiêm ngưỡng nhiều loại cúc từng “thất truyền”, dễ nhất là đến Công viên thực vật cảnh Việt Nam (Thanh Trì, Hà Nội) vào dịp cuối năm. Ở đây, hiện có khoảng 500 - 600 gốc cúc, với nhiều giống cúc cổ quý hiếm như Hồng Tú Kiều, Bạch Lệ Mi, Cúc trà, Cúc rượu...
Nghệ nhân Đào Mạnh Hùng (Giám đốc Công viên) cho biết, ông và các cộng sự phải mất nhiều năm sưu tầm, đi khắp cả nước tìm giống cây về ươm, chiết với mục đích giữ gìn, bảo tồn và phát triển những dòng cúc cổ, cúc quý của Việt Nam. Thông thường, cây muốn lên được dáng thế đẹp, chuẩn bonsai thì phải mất hai đến ba năm tạo kiểu.
Cũng theo lời ông Hùng, hiện giá cúc cổ trên thị trường dao động từ vài trăm đến vài chục triệu đồng một gốc tùy độ quý hiếm và tuổi đời, dáng, thế... của cây. Ngoài ra, cúc cổ giống bản địa bao giờ cũng có giá đắt hơn cúc ngoại nhập. Nếu như bông cúc nhập bao giờ cũng to, dày, xum xuê thì cúc cổ Việt Nam thường có cấu tạo cánh “buông”, trông tao nhã, “ngạo khí” hơn hẳn.
Một gương mặt mới trong bảng phong thần cúc cổ hiện khá được ưa thích là giống cúc đỏ Sơn La. Nhà dân tộc học Nguyễn Duy Hiền có lần kể với tôi: cúc đỏ Sơn La có khi phải có lịch sử trăm năm vì ba bốn mươi năm trước khi anh lên Mai Sơn (Sơn La) điền dã thì đã thấy người dân trồng đầy ở hàng rào. Họ kể, cúc này lấy từ rừng, lúc lập bản đã có. Hoa “dễ tính” không cần chăm sóc, bền lâu, lại có thể làm thuốc nên bà con rất chuộng.
Hiện cúc cổ Sơn La được nhân giống bán rộng rãi, giá khoảng 500- 800 ngàn đồng một chậu cao một mét. Cúc cổ Sơn La thân gỗ, bền sức, chỉ cần chăm sóc đúng cách là năm nào cũng cho hoa.
Một tay chơi cúc cổ Sơn La tiết lộ: giống này dễ trồng, cắm xuống đất là sống, không mất công chăm sóc nên chỉ cần một cây mẹ khỏe mạnh, kiên trì nhân giống, sau một năm là có thể tạo ra được một vườn cúc đẹp với hàng trăm cây.
Bên cạnh những giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, hoa cúc còn là một loại thảo dược với nhiều công dụng, ngoài ra còn có thể dùng làm trà, ủ rượu. Vùng Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) hiện vẫn nổi tiếng với nghề nấu rượu cúc. Ông Đào Mạnh Hùng cho biết, sau khi chưng rượu, cho hoa cúc khô vào và tiếp tục chưng một lần nữa. Khi đó, hơi bốc lên, hương cúc ngấm vào từng giọt rượu. Rượu này để càng lâu càng ngon, đặc biệt mùi hoa cúc không bao giờ mất.
Những loại cúc cổ đặc trưng như Bạch Lệ Mi, Hoàng Long Trảo, Hồng Tú Kiều... đều là những loại cúc lâu niên, nghĩa là có thể chơi được qua nhiều năm. Cứ hết hoa thì cắt tỉa lại cành, chăm sóc qua một năm cây sẽ ra nụ mới. Một ưu điểm khác của cúc cổ so với đào, mai... là tuổi đời của hoa kéo dài, có khi tới 1-2 tháng, lại có mùi thơm nên ngày càng được ưa chuộng.