Giữ gìn nguồn lực nội sinh của các DTTS

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, Bảo Lâm còn đặc biệt quan tâm đến công tác gìn giữ nguồn lực nội sinh của các DTTS. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS nơi đây đang dần được khôi phục, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Văn hóa các DTTS ngày càng tham gia tích cực trong đời sống cộng đồng

Văn hóa các DTTS ngày càng tham gia tích cực trong đời sống cộng đồng

Ông Nguyễn Tấn Minh - Quyền Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lâm, chia sẻ: Bảo Lâm là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử và văn hóa - nơi sinh sống của 27 dân tộc anh em. Trong tổng số 122.117 người hiện tại của huyện Bảo Lâm, cộng đồng các DTTS có 39.471 người, chiếm trên 32% dân số, phân bố rải khắp 13 xã và thị trấn Lộc Thắng; trong đó người Mạ có dân số đông nhất 19.493 người (chiếm 49,3%), kế đến là dân tộc K’Ho 11.335 người (chiếm 29%), dân tộc Nùng 3.377 người (chiếm 8,6%), dân tộc Tày 2.293 người (chiếm 5,8%) và các dân tộc ít người khác chiếm 7,3%. Mỗi dân tộc có một lịch sử, nền văn hóa riêng, tạo nên sự đa sắc văn hóa.

Theo ông Nguyễn Tấn Minh, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân Bảo Lâm luôn quan tâm đến việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS trên địa bàn huyện. Từ đó mở các lớp truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên cho lớp trẻ người Mạ, ra mắt mô hình sinh hoạt văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xã Lộc Tân, khôi phục các làng nghề truyền thống của người Mạ, tổ chức các lớp truyền dạy đàn tính, hát then cho người Tày và người Nùng, trao tặng cồng chiêng và trang phục truyền thống cho các dân tộc Mạ, K’Ho, Tày, Nùng, Mông... Qua số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, Bảo Lâm đã hỗ trợ mua và sưu tầm 24 bộ cồng chiêng Tây Nguyên, 45 cây đàn tính, hỗ trợ hơn 100 bộ trang phục truyền thống cho người Mạ, người K’Ho, người Tày, người Nùng và người Mông. Bên cạnh đó, Bảo Lâm cũng đã tổ chức 4 lớp truyền dạy đàn tính, hát then cho người Tày và người Nùng ở xã Lộc Ngãi và xã B’Lá, mở 32 lớp truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên cho trên 768 lượt học viên và nghệ nhân là người Mạ, người K’Ho. "Từ những cách làm này, Bảo Lâm đã và đang góp phần tích cực cùng với các chủ nhân của những nền văn hóa ấy gìn giữ nguồn lực nội sinh của dân tộc mình”, ông Nguyễn Tấn Minh cho biết.

Sự hiện diện của các DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Tày, Nùng, Mông, Mường... trên đất Bảo Lâm đã tạo cho vùng đất Bảo Lâm có một nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Theo ông Nguyễn Tấn Minh, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng sự quyết tâm thực hiện của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, đặc biệt là chủ nhân của các chủ thể văn hóa là người DTTS, các di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã được kế thừa, gìn giữ và phát huy trong đời sống, ảnh hưởng tích cực đến đời sống cộng đồng.

TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202412/giu-gin-nguon-luc-noi-sinh-cua-cac-dtts-918306c/
Zalo