Thông tư 29 dừng dạy thêm, học thêm: Không còn việc 'trăm sự nhờ cô'

Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày mai 14.2. Theo các thầy cô, Thông tư 29 là một 'cú hích' đưa tư duy giáo dục quay trở lại bản chất, đó không chỉ là truyền dạy kiến thức mà còn là phát triển con người toàn diện. Sau cùng tất cả nỗ lực thay đổi đều vì lợi ích của học trò đồng thời đây cũng là cơ hội để người thầy thích nghi và phát triển.

Thay đổi mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh

Dạy thêm và học thêm trong trường học mang ý nghĩa nhất định, đặc biệt với phụ huynh có con nhỏ. Trong xã hội hiện đại với yếu tố an ninh phức tạp, phụ huynh thường tìm kiếm nơi đáng tin cậy để gửi gắm con em. Các lớp học thêm ngoài giờ là lựa chọn thích hợp, giúp trẻ củng cố kiến thức và cung cấp môi trường an toàn trong thời gian phụ huynh không thể chăm sóc.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh hiện có tư tưởng “trăm sự nhờ thầy” để rồi tự bỏ qua vai trò gia đình trong việc hình thành phẩm chất năng lực tự học cho con cái.

 Vai trò của thầy, cô giáo với học sinh và phụ huynh sẽ có nhiều thay đổi khi Thông tư 29 có hiệu lực

Vai trò của thầy, cô giáo với học sinh và phụ huynh sẽ có nhiều thay đổi khi Thông tư 29 có hiệu lực

Cô Vũ Tuyết, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội chia sẻ, dù đã đi dạy hơn 10 năm trong nghề, nhưng mỗi khi được phụ huynh gửi con kèm câu nói "trăm sự nhờ cô" cô đều thấy rất áp lực. Bố mẹ ôm hy vọng rằng việc học thêm sẽ giúp con cải thiện kết quả học tập. Tuy nhiên, con đi học về mà không có sự kèm cặp của gia đình cũng sẽ sao nhãng và lười biếng.

Theo cô Tuyết, Thông tư 29 có hiệu lực sẽ làm thay đổi mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh. Không còn lớp học thêm trong trường, trách nhiệm hỗ trợ học sinh không chỉ dồn lên vai giáo viên mà còn đặt ra yêu cầu mới cho cả phụ huynh và chính học sinh.

Thay vì phó thác hoàn toàn cho giáo viên, cha mẹ phải đồng hành với con nhiều hơn trong việc học tập. Việc kèm cặp, định hướng và tạo môi trường học tập phù hợp tại nhà trở thành yếu tố then chốt giúp học sinh tiếp thu hiệu quả.

 Học sinh sẽ cần chủ động phát huy tinh thần tự học

Học sinh sẽ cần chủ động phát huy tinh thần tự học

Lúc này một lần nữa vai trò của giáo viên lại trở nên quan trọng với phụ huynh bởi hầu hết cha, mẹ đều thiếu phương pháp giảng dạy con cái. Giáo viên, người theo sát kiến thức và nắm rõ năng lực học sinh sẽ đưa ra giải pháp phù hợp giúp gia đình quản lý con cái tự học.

Cùng quan điểm phát huy tinh thần tự học của học sinh, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho rằng, thay vì chỉ chăm chú đi học thêm, học sinh nên phát triển tinh thần tự học. Tự học không chỉ đơn thuần là việc học tập ngoài giờ lên lớp, mà còn là sự tự giác và động lực nội tại của mỗi học sinh. Tự học giúp các em phát triển kỹ năng tự quản lý thời gian, tự đặt mục tiêu và tự kiểm soát quá trình học tập. Biết cách tự học, các em không chỉ nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện tính kiên nhẫn, trách nhiệm và kỷ luật.

Thầy cô học cách thích nghi và phát triển bản thân

Thầy Dũng, giáo viên một trường công tại Hải Phòng chia sẻ, để chuẩn bị cho việc Thông tư 29 có hiệu lực, thầy đã xây dựng một kho dữ liệu gồm ảnh, video clip các bài giảng kèm giải thích và các tips ghi nhớ đối với môn Lịch sử và Địa Lý. Sau đó các nội dung này được đăng tải trên các kênh mạng xã hội do thầy cùng đồng nghiệp khởi tạo. Bên cạnh đó thầy Dũng cũng tạo các nhóm học tập để giải đáp thắc mắc của học sinh. Các nội dung được chia sẻ hoàn toàn miễn phí.

"Tôi cho rằng, bên cạnh việc chỉn chu và nâng cao chất lượng giờ học chính khóa, mình cũng cần áp dụng công nghệ vào giảng dạy. Học sinh hiện nay tiếp cận với internet từ rất sớm, các em đủ kỹ năng để tìm thông tin mình muốn, nhưng độ chính xác thì khó xác định. Chính vì vậy tôi cùng đồng nghiệp tạo nên các kênh chia sẻ kiến thức sau đó định hướng học sinh khi gặp khó có thể tìm tới những kênh này để được giải đáp." Thầy Dũng nhìn nhận.

 Thông tư 29 có hiệu lực là cơ hội để giáo viên phát triển năng lực bản thân

Thông tư 29 có hiệu lực là cơ hội để giáo viên phát triển năng lực bản thân

Cô giáo Lan Anh tại Ninh Bình chia sẻ, học sinh có thể tham khảo thêm sách giáo khoa, bài giảng trên mạng, và các nguồn tài liệu khác. Internet là một kho tàng kiến thức phong phú để mở rộng kiến thức của mình. Khi học, các em nên ghi chép lại các điểm chính, công thức, hoặc bài học quan trọng bởi việc này giúp các em nhớ lâu hơn và dễ dàng ôn tập khi cần thiết. Đồng thời, hiện nay có nhiều ứng dụng hỗ trợ học tập hiệu quả, học sinh có thể tải về và sử dụng để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Một số ứng dụng có thể hỗ trợ việc giải bài tập, luyện thi và cung cấp nhiều bài giảng hữu ích.

Cô Lan Anh cho rằng, trong bối cảnh không được dạy thêm, học thêm, giáo viên có thể giúp học sinh một số cách giúp tự học hiệu quả hơn. Như hướng dẫn các em có thể lập kế hoạch học tập, tạo một lịch học rõ ràng và chi tiết, phân chia thời gian học các môn học một cách hợp lý. Điều này giúp các em có cái nhìn tổng quan về việc học và duy trì được sự cân bằng giữa các môn học.

Theo thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng, không còn dạy thêm, học thêm trong trường học là cơ hội để mỗi giáo viên dành thêm thời gian cho bản thân, chăm sóc gia đình, nâng cao chuyên môn và phát triển nghề nghiệp bền vững.

Làm giáo dục không chỉ gói gọn trong những giờ lên lớp hay những buổi học thêm. Là người truyền đạt tri thức, mỗi giáo viên vẫn luôn tận tâm hỗ trợ học sinh, sẵn sàng giải đáp thắc mắc, đồng hành cùng các em bằng nhiều phương thức linh hoạt hơn.

"Đây là cơ hội để mỗi giáo viên trở thành tấm gương về sự thích nghi và quyết tâm, cùng nhau tạo nên một môi trường giáo dục tích cực, nơi học trò rèn luyện tinh thần tự học và giáo viên có điều kiện để cân bằng cuộc sống." Thầy giáo Nguyễn Minh Quý khẳng định.

Quốc Việt - Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thong-tu-29-dung-day-them-hoc-them-khong-con-viec-tram-su-nho-co-post404354.html
Zalo