Ngành thuế hướng dẫn cách xử lý khi 1 người có 2 mã số thuế cá nhân

Theo Luật Quản lý thuế, mỗi cá nhân được cấp 1 mã số thuế (MST) duy nhất để sử dụng suốt cuộc đời. Cơ quan thuế sẽ hợp nhất các MST về một mã số thuế là mã số định danh cá nhân. Người nộp thuế không phải thực hiện thủ tục hủy MST cấp trùng.

Vì sao một người có 2 mã số thuế?

Ông Phạm Quốc Thạch (Bà Rịa – Vũng Tàu) phản ánh qua Cổng điện tử Chính phủ về việc được cơ quan thuế cấp 2 MST cá nhân. Trong đó, MST thứ nhất được cấp ngày 1/12/2009, và MST thứ hai được Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp ngày 29/11/2018.

Sở hữu 2 MST, khi đồng bộ thông tin cá nhân trên hệ thống thuế, ông Thạch không thể cập nhật được căn cước công dân theo mã định danh.

Ông Thạch đề nghị cơ quan thuế xem xét, hỗ trợ ông chấm dứt/đóng MST cá nhân đã được cấp vào ngày 29/11/2018 để ông hoàn thành các bước thay đổi thông tin cá nhân tiếp theo.

Theo ghi nhận của Báo VietNamNet, ông Thạch không phải trường hợp duy nhất được cấp 2 MST cá nhân.

Tổng cục Thuế từng rà soát và phát hiện không ít trường hợp 1 cá nhân có 2 MST, do cá nhân hoặc tổ chức chi trả thu nhập khi thực hiện nghĩa vụ thuế đã sử dụng số giấy tờ tùy thân khác số giấy tờ đã đăng ký MST, dẫn đến cá nhân được cấp thêm MST mới khác với MST đã được cấp trước đó.

Chẳng hạn, có cá nhân đã được cấp MST tại một công ty theo số chứng minh nhân dân cũ, sau đó nghỉ việc và làm tại công ty mới, khi đổi chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân lại không khai MST cũ, dẫn đến khi công ty mới kê khai, hệ thống tự tạo MST mới theo căn cước công dân.

Một người nếu có 2 MST cá nhân có thể gặp khó khăn, rắc rối khi thực hiện các thủ tục khai báo thuế, hoàn thuế, nhận các chính sách ưu đãi của nhà nước, và một số thủ tục hành chính khác.

Người nộp thuế có thể dễ dàng tra cứu mã số thuế cá nhân online bằng căn cước công dân. Ảnh: Hải Phong

Người nộp thuế có thể dễ dàng tra cứu mã số thuế cá nhân online bằng căn cước công dân. Ảnh: Hải Phong

Người nộp thuế không phải thực hiện thủ tục đóng hoặc hủy các mã số thuế cấp trùng

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 30 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14: “Cá nhân được cấp một MST duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó…”.

MST cá nhân được đăng ký dựa trên số chứng minh nhân dân/căn cước công dân. Về nguyên tắc, số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước do cơ quan công an cấp cho mỗi người là duy nhất nên MST cũng là duy nhất.

Trả lời kiến nghị của ông Thạch, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, kiểm tra dữ liệu thì thấy ông Thạch phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 2 MST cá nhân; phát sinh đăng ký người phụ thuộc trên 2 MST cá nhân.

Ông Thạch cần gửi lại công văn đề nghị chấm dứt hiệu lực MST đến cơ quan thuế sau khi đã xác định sẽ không đề nghị cơ quan thuế điều chỉnh, thay đổi đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh, hoặc đề nghị hoàn số thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ tại cơ quan chi trả thu nhập đối với MST đề nghị chấm dứt hiệu lực.

Cùng với đó, ông Thạch cần đề nghị cơ quan chi trả thu nhập thực hiện điều chỉnh MST đã kê khai khấu trừ quyết toán thuế thu nhập cá nhân, đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ MST đề nghị chấm dứt hiệu lực sang MST giữ lại.

Cũng theo Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng cục Thuế và Bộ Công an đang triển khai việc trao đổi thông tin giữa cơ sở dữ liệu thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để truy vấn thông tin về mã số định danh tương ứng với các MST, chuẩn bị cho việc chuyển đổi sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho MST.

Trong thời gian chờ Bộ Tài chính và Bộ Công an đồng bộ dữ liệu, nếu người nộp thuế có nhiều MST do cấp trùng thì cũng không phải thực hiện thủ tục đóng hoặc hủy các MST cấp trùng đang tồn tại trong hệ thống.

Cơ quan thuế sẽ căn cứ thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế để hợp nhất các MST cùng số định danh cá nhân về một MST là mã số định danh cá nhân.

Trong giai đoạn rà soát, chuẩn hóa MST cá nhân, cơ quan thuế hướng dẫn người nộp thuế tiến hành các bước sau:

+ Xác định MST giữ lại (ưu tiên giữ lại MST đã cấp trước hoặc MST đang dùng để kê khai, nộp thuế, đăng ký giảm trừ gia cảnh) để thống nhất sử dụng vào việc kê khai, nộp thuế;

+ Nếu thông tin kê khai chưa chính xác, người nộp thuế cập nhật đầy đủ, chính xác 3 thông tin (gồm: Họ và tên; số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân; ngày tháng năm sinh của cá nhân) vào mã số thuế, bảo đảm khớp đúng với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thong-tin-moi-nhat-huong-dan-cach-xu-ly-khi-1-nguoi-co-2-ma-so-thue-ca-nhan-2353128.html
Zalo