Mỏi mòn chờ sửa thuế thu nhập cá nhân

Bộ Tài chính đang soạn Tờ trình đề nghị Chính phủ xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Chưa biết mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh được nâng lên ra sao, song lộ trình thông qua luật vào tháng 5-2026. Theo đó, rất có thể năm 2027 luật mới có hiệu lực thi hành, khiến người dân sẽ phải gánh những định mức lỗi thời thêm một thời gian dài nữa.

Năm 2024, ngành tài chính dự kiến số thu thuế thu nhập cá nhân khoảng 160.000 tỉ đồng. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, sau 11 tháng, khoản thu này đạt 170.000 tỉ đồng, tức vượt mức dự toán 10.000 tỉ đồng.

Thuế thu nhập cá nhân, gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và từ cá nhân kinh doanh, là một trong ba sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng. Năm 2023, số thu thuế thu nhập cá nhân đạt 147.113 tỉ đồng, chiếm 9% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2011, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 5,33%.

Đằng sau niềm vui cho ngân sách, một lần nữa, phải nhắc đến sự lỗi thời của mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người lao động, cho người phụ thuộc cũng như số bậc thuế, khoảng cách giữa các bậc. Từ tháng 7-2020 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Định mức này không còn phù hợp nữa, vì từ đó tới nay giá cả tăng liên tục. Với những gia đình có con nhỏ, chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí học tập đều tăng cao.

Ở thành phố, thật khó để nuôi một đứa trẻ ăn, học chỉ với 4,4 triệu đồng mỗi tháng! Và với định mức giảm trừ “lạc hậu” hiện nay thì phần tăng lương của Nhà nước những lần gần đây lại chuyển thành tăng nghĩa vụ đóng góp vào thuế. Sự bất hợp lý này người dân và đại biểu Quốc hội đã “kêu” suốt thời gian qua.

Từ thông tin bước đầu, có thể phán đoán rằng mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh sẽ được nâng lên song khó đạt tới mức người dân mong muốn.

Trong dự thảo Tờ trình đề nghị Chính phủ xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được công bố để lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài chính thừa nhận, các quy định về giảm trừ gia cảnh cần được rà soát, sửa đổi phù hợp với điều kiện mới, với sự biến động của giá cả và mức sống dân cư. Đồng thời, đề xuất phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Bộ cũng đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác trước khi tính thuế cho cá nhân người nộp thuế. Đây là các khoản không tính thuế mà người nộp được hưởng khi đáp ứng một số tiêu chí nhất định. Ví dụ, một số nước áp dụng cho chi tiêu y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế hoặc lãi tiền vay mua nhà trả góp.

Định hướng ban đầu như vậy khá tích cực. Song, mặt khác, Bộ Tài chính cũng lưu ý rằng: mức giảm trừ “quá cao” sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập. Điều này vô hình trung sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại chính sách thuế với người có thu nhập cao như giai đoạn trước đây.

Bộ Tài chính dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, theo đó, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng của Việt Nam năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ thu nhập cao nhất (20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân 10,86 triệu đồng mỗi tháng một người. Mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng, theo Bộ Tài chính, đang cao hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến các nước đang áp dụng (ví dụ năm 2023, tỷ lệ này ở Malaysia là 0,16 lần, Indonesia là 0,68 lần, Trung Quốc là 0,67 lần), đồng thời cũng cao hơn thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số thu nhập cao nhất.

Cũng theo Bộ Tài chính, cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã được sử dụng để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó, cần đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh sống của người nộp thuế đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội. Tương tự, các khoản giảm trừ đặc thù khác trước khi tính thuế cho cá nhân người nộp thuế cũng cần phải được cân nhắc, tính toán phù hợp để vừa đạt được mục tiêu đề ra nhưng cũng không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân dưới phương diện là một công cụ điều tiết thu nhập, thực hiện phân phối lại.

Từ thông tin bước đầu này có thể phán đoán rằng, mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh sẽ được nâng lên song khó đạt tới mức người dân mong muốn. Điều đáng nói nữa là theo lộ trình Bộ Tài chính đề xuất, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân mới sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10-2025, và xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5-2026.

Như vậy, có khả năng đến năm 2027 luật mới có hiệu lực và gánh nặng thuế sẽ chất trên vai người dân ít nhất hai năm nữa, bất chấp các chuyên gia và đại biểu Quốc hội nhiều lần cho rằng không thể trì hoãn thêm việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và sửa luật để người lao động có động lực lao động và đóng thuế tốt hơn, đồng thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội), đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân rất tốt cho việc xử lý kịp thời những quy định bất cập và đáp ứng được yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, sửa luật cần nhiều việc mang tính chất tổng thể, căn bản chứ không phải chỉ điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế hay mức giảm trừ gia cảnh.

Vì vậy, thời gian chuẩn bị không thể ngắn, phải có đánh giá, tổng kết. Nếu đã chuẩn bị, có đánh giá, tổng kết rồi thì không lý do gì mà chần chừ, không sửa ngay. Trường hợp không sửa luật ngay được thì cần điều chỉnh kịp thời mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với các biến động nhìn thấy ngay như việc tăng lương tối thiểu, sự thay đổi chỉ số giá trong nhiều năm qua.

An Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/moi-mon-cho-sua-thue-thu-nhap-ca-nhan/
Zalo