Thông tin giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chưa đến với người dân
Sáng 25/4, Cục Khí tượng Thủy văn và Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp tổ chức Tọa đàm 'Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng'.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, diễn biến thiên tai tại Việt Nam từ năm 2000 đến 2024 cho thấy xu hướng gia tăng rõ rệt.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại tọa đàm.
"Trong bối cảnh lũ quét và sạt lở đất đang trở thành mối đe dọa thường trực, đặc biệt tại các vùng miền núi, nơi sinh sống của nhiều cộng đồng, người dân, việc nâng cao năng lực cảnh báo sớm là nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là một phần. Chìa khóa nằm ở sự phối hợp chặt chẽ giữa “công nghệ thông minh” và “con người chủ động” – giữa hệ thống kỹ thuật hiện đại và khả năng sẵn sàng ứng phó của cộng đồng", ông Thành nhận định.
TS. Cao Đức Phát, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, cho rằng hoạt động cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần tăng cường giám sát và cảnh báo thiên tai tại các khu vực miền núi, trung du.
"Tuy vậy, hiệu quả của các giải pháp nêu trên chưa rõ. Thiếu thông tin cảnh báo về sạt lở đất. Thông tin giám sát, cảnh báo chưa đến với người dân, chưa biến thành các hành động cụ thể ngăn ngừa thiệt hại. Đội xung kích hoạt động kém hiệu quả, nhiều nơi hình thức", ông Phát khẳng định.
TS. Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, đã nỗ lực cải thiện chức năng cảnh báo, phát hành bản tin cảnh báo khi có mưa lớn tại khu vực miền núi, đã thiết lập hệ thống cảnh báo trực tuyến đến cấp xã qua trang web chuyên biệt và lắp đặt 843 trạm đo mưa, 16 tháp cảnh báo lũ và hỗ trợ 85 đội xung kích cấp xã. "Hệ thống được cập nhật từng giờ, khoanh vùng chi tiết đến cấp xã và có thể dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong 6 giờ", ông Khiêm thông tin.
Tuy nhiên, công tác dự báo, cảnh báo chung vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế khi hệ thống công trình phòng, chống còn thiếu và chưa hiệu quả; nhiều khu dân cư vẫn nằm trong vùng nguy hiểm nhưng chưa được di dời kịp thời. Dự báo và cảnh báo còn hạn chế về độ chi tiết và độ tin cậy; hệ thống quan trắc chưa phủ rộng, thiết bị nhiều nơi đã lạc hậu; bản đồ nguy cơ tỷ lệ nhỏ, chưa đến cấp thôn, bản, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa và ứng phó.
Trước thực trạng trên, Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đề xuất một loạt giải pháp cải thiện. Về thể chế, các cấp tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường đầu tư vào công trình phòng, chống và hệ thống cảnh báo; đồng thời kiểm soát quy hoạch xây dựng, bố trí lại dân cư gắn với sinh kế. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực dự báo mưa lớn ngắn hạn, xây dựng bản đồ rủi ro đến cấp thôn, bản, triển khai hệ thống cảm biến đo mưa, thiết bị cảnh báo kết hợp công nghệ số và AI.
Tại cộng đồng, cần tổ chức truyền thông dễ hiểu, tập huấn ứng phó cho người dân, đặc biệt nhóm dễ bị tổn thương, đồng thời nâng cao năng lực và trang bị phương tiện cho lực lượng xung kích tại chỗ. Kết hợp với việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, khuyến khích doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ phù hợp và huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính như ngân sách nhà nước, quỹ thiên tai và các chương trình mục tiêu quốc gia.