Doanh nghiệp Việt Nam là nòng cốt xây dựng 'thủ phủ cao su' của Campuchia
Doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng 'thủ phủ cao su' Kampong Thom, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và làm sâu sắc quan hệ Việt Nam – Campuchia.
Những năm gần đây, cao su liên tục là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu tại Campuchia. Năm 2024 nước này thu về 700 triệu USD nhờ xuất khẩu các sản phẩm từ cao su. Trong đó, tỉnh Cam Bông Thum (Kampong Thom) được coi là “thủ phủ cao su” của Campuchia nhờ vai trò của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.
Tại khu vực tỉnh Cam Bông Thum và lân cận có 8 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, với tổng diện tích trồng cao su là hơn 52 nghìn hecta. Hiện tại 100% diện tích cao su đã đưa vào khai thác, tạo công ăn việc làm cho hơn 12.500 lao động địa phương với mức thu nhập cao và ổn định. Trung bình mỗi năm cụm doanh nghiệp cao su Việt Nam tại Cam Bông Thum thu hoạch trên 90 tấn mủ cao su, đóng góp đến 20% sản lượng cao su khai thác của Campuchia.

Đại sứ Nguyễn Minh Vũ làm việc với đại diện lãnh đạo tỉnh Kampong Thom
Ngày 25/4, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Minh Vũ đã đến thăm một số công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang đầu tư, sản xuất và kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cam Bông Thum của Campuchia. Tham quan vườn cây, cơ sở sản xuất, nơi ở và làm việc của các công ty Phước Hòa Kampong Thom, Bà Rịa Kampong Thom và Tân Biên Kampong Thom, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ đặc biệt đánh giá cao tinh thần nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp. Trong đó, hầu hết đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên nòng cốt của các công ty hiện nay đều là những người đã góp mặt từ những ngày đầu tiên khi Tập đoàn Cao su Việt Nam triển khai đầu tư đứng chân tại Campuchia năm 2007 trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Các công ty cao su Việt Nam trên địa bàn đã trao tặng chính quyền tỉnh Kampong Thom 500 cây trụ điện năng lượng mặt trời phục vụ giao thông và đảm bảo an toàn, an ninh trật tự của tỉnh.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ nói: “Những dự án rất cụ thể như thế này, đem đến công ăn việc làm, mang lại đường sá, đường dây điện, đem đến sự chăm sóc y tế và sức khỏe cho người dân Campuchia. Tôi cho rằng đây là những viên gạch dù nhỏ bé nhưng rất quan trọng, xây dựng tình cảm của người dân Campuchia đối với người Việt Nam, đối với đất nước của chúng ta. Các anh các chị là những người đóng góp trực tiếp cho một sứ mệnh rất cao cả như vậy”.
Trong chương trình làm việc cùng ngày, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cũng chào xã giao và làm việc với lãnh đạo chính quyền tỉnh Cam Bông Thum nhằm tăng cường phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Cam Bông Thum, góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước.
Tại buổi làm việc, ông Nuon Pharath, Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom đặc biệt đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp cao su Việt Nam, thể hiện qua việc các công ty đã thực hiện tốt nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước Campuchia, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động an sinh, xã hội tại địa bàn tỉnh. Ông Nuon Pharath khẳng định chủ trương của tỉnh coi trọng các nhà đầu tư Việt Nam là những người bạn, người anh em, láng giềng tốt đẹp, góp phần xây dựng mối quan hệ Việt Nam-Campuchia ngày càng phát triển. Ông Nuon Pharath khẳng định: “Chúng tôi không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các nhà công ty Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Kampong Thom, mà còn mong muốn thu hút các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhiều hơn nữa trên địa bàn”.

Đại sứ Nguyễn Minh Vũ thăm và làm việc với đại diện một số doanh nghiệp cao su Việt Nam tại Campuchia
Đặc biệt, thay mặt chính quyền tỉnh Cam Bông Thum, ông Nuon Pharath cũng đã lắng nghe và phản hồi tích cực đối với các đề xuất, vướng mắc mà Đại sứ Nguyễn Minh Vũ thay mặt doanh nghiệp đưa ra trao đổi tại hội nghị. Tỉnh cam kết bảo đảm an ninh, an toàn cho các dự án cao su Việt Nam trên địa bàn, phối hợp ngăn chặn các vấn đề tệ nạn xã hội tác động đến công nhân của các dự án.
Tỉnh đã có phương án cải tạo mạng lưới điện và đường sá, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sản xuất chế biến và vận tải, xuất khẩu mủ cao su của doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh hoàn toàn ủng hộ chủ trương triển khai phương án đầu tư giai đoạn 2 của các doanh nghiệp cao su Việt Nam trên địa bàn, với trọng tâm là tái canh cây cao su, xây dựng nhà máy chế biến gỗ cao su phục vụ xuất khẩu, qua đó tiếp tục thu hút và tạo thêm công ăn việc làm cho lực lượng lao động.
Cuối cùng, mặc dù không trực tiếp có biên giới với Việt Nam, nhưng tỉnh Kampong Thom bày tỏ mong muốn tham gia Hội nghị Hợp tác các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 13 đang được gấp rút chuẩn bị, góp phần triển khai chủ trương của lãnh đạo hai nước là ưu tiên hợp tác kinh tế, kết nối hai nền kinh tế đến năm 2030.
Nhân dịp này, các công ty cao su Việt Nam trên địa bàn đã trao tặng chính quyền tỉnh Cam Bông Thum 500 cây trụ điện năng lượng mặt trời phục vụ giao thông và đảm bảo an toàn, an ninh trật tự của tỉnh.