Thông tin cơ bản về Malaysia và quan hệ song phương Việt Nam - Malaysia
Quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp trên cơ sở Đối tác Chiến lược được thiết lập từ tháng 8/2015. Hai nước đang tích cực triển khai Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021-2025.
I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nước: Malaysia
2. Thủ đô: Kuala Lumpur
Trung tâm hành chính: Putrajaya
3. Vị trí địa lý: Malaysia nằm ở vùng Đông Nam Á, có diện tích 329.847 km2.
4. Khí hậu: Nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình từ 21-320C, độ ẩm cao.
5. Dân số: 33 triệu người (Quý IV/2022).
6. Dân tộc: người Mã-lai (50,4%); người Hoa (23,7%); người Ấn Độ (7,1%); thổ dân (11%), các dân tộc khác (7,8%).
7. Tôn giáo: Đạo Hồi (60,4%); Phật giáo (19,2%); Thiên chúa giáo (9,1%), Hin-đu (6,3%); các tôn giáo khác (5,0%).
8. Ngôn ngữ: Tiếng Mã-lai (quốc ngữ); tiếng Hoa; tiếng Anh (được sử dụng rộng rãi), tiếng Tamil và một số ngôn ngữ địa phương khác.
9. Ngày Quốc khánh: 31/8/1957.
10. Đơn vị tiền tệ: Ring-gít Malaysia (Ringgit Malaysia - RM).
11. Thu nhập bình quân đầu người: 10.200 USD (2020).
12. Thể chế Nhà nước: Nhà nước Malaysia là nhà nước quân chủ lập hiến, đứng đầu là Quốc Vương do Hội đồng Tiểu vương bầu ra và được lựa chọn trong số 9 Tiểu vương của 9 bang theo nhiệm kỳ 5 năm.
Các lãnh đạo chủ chốt hiện nay:
- Quốc vương Al-Sultan Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah Ibni Sultan Haji Ahmad Shah Al-Musta’in Billah là Quốc vương thứ 16 của Malaysia, lên ngôi chính thức ngày 31/01/2019.
- Thủ tướng Ngài Dato’ Seri Anwar Bin Ibrahim, được Quốc vương bổ nhiệm và chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 10 của Malaysia ngày 24/11/2022.
- Bộ trưởng Ngoại giao Dato’ Seri Diraja Dr. Zambry Abd Kadir tuyên thệ nhậm chức ngày 03/12/2022.
- Chủ tịch Thượng viện Tan Sri Dato’ Seri Utama Dr. Rais Yatim, nhậm chức ngày 02/9/2020.
- Chủ tịch Hạ viện Dato’ Johari bin Abdul nhậm chức ngày 19/12/2022.
II. TÌNH HÌNH MALAYSIA:
1. Tình hình chính trị:
Tình hình nội trị Malaysia cơ bản ổn định sau khi ông Anwar Ibrahim nhậm chức Thủ tướng thứ 10 của Malaysia (tháng 12/2022). Malaysia đang chuẩn bị tiến hành bầu cử lập pháp tại 6 bang (dự kiến tháng 8/2023), là bước thử quan trọng về uy tín đối với Liên minh Hy vọng sau hơn nửa năm cầm quyền. Thủ tướng Anwar Ibrahim tập trung củng cố uy tín cá nhân, phòng chống tham nhũng và huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội.
2. Về kinh tế, xã hội:
Theo cục Thống kê của Malaysia, GDP của Malaysia đã tăng trưởng 8,7% trong năm 2022, là mức tăng trưởng cao nhất trong 22 năm và vượt qua dự báo 6,5%-7% của chính phủ Malaysia.
Ngày 19/01/2023, Thủ tướng Anwar Ibrahim đã công bố khuôn khổ Malaysia Madani. Khuôn khổ Malaysia Madani thể hiện tầm nhìn của Thủ tướng Anwar về một xã hội văn minh, có kỹ năng và toàn diện dựa trên sáu giá trị cốt lõi: bền vững, thịnh vượng, đổi mới, tôn trọng, tin tưởng và thấu hiểu. Theo đó, khuôn khổ Malaysia Madani sẽ khôi phục Malaysia thành một đất nước thịnh vượng, kêu gọi mọi người dân Malaysia, gồm các lãnh đạo trong chính phủ đoàn kết, nhằm khôi phục và nâng cao phẩm giá của người dân dựa trên lòng tin, các giá trị và đạo đức tốt cũng như quản trị công bằng và hiệu quả.
Malaysia đã từng bước khống chế được dịch bệnh Covid-19 và chính thức dỡ bỏ phong tỏa biên giới tháng 5/2022; tuyên bố hoàn thành chương trình tiêm chủng toàn quốc quy mô lớn nhất lịch sử. Malaysia là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 cao hàng đầu thế giới và khu vực.
3. Về đối ngoại:
Chính sách đối ngoại của Malaysia về cơ bản không thay đổi nhiều so với trước đây. Malaysia vẫn tiếp tục duy trì và kế thừa các chính sách đối ngoại với các nước (ưu tiên thúc đẩy quan hệ với ASEAN, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo OIC, LHQ…), ngoài ra, thêm vào một số ưu tiên để phù hợp với bối cảnh hậu dịch bệnh, trong đó có ngoại giao y tế, ngoại giao văn hóa, thúc đẩy du lịch, kinh tế số…
Trong quan hệ với các nước lớn, Malaysia tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại truyền thống, cố gắng cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, mở rộng quan hệ với các nước lớn (Nhật Bản, Ấn Độ, Nga), ưu tiên quan hệ với ASEAN và cộng đồng Hồi giáo.
III. QUAN HỆ SONG PHƯƠNG VIỆT NAM – MALAYSIA:
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 30/3/1973.
2. Quan hệ chính trị:
Quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp trên cơ sở Đối tác Chiến lược được thiết lập từ tháng 8/2015. Hai nước đang tích cực triển khai Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban Hợp tác về Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – Malaysia (JCM 6, 15/11/2021).
Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao: chuyến thăm Việt Nam của Quốc vương Muhammad V (3/2009, 9/2013), Thủ tướng Najib Tun Razak (4/2014), Thủ tướng Mahathir Mohamad (8/2019), Thủ tướng Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob (3/2022); các chuyến thăm Malaysia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (9/2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (8/2015), Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (7/2017).
Tiếp xúc cấp cao tiếp tục được duy trì linh hoạt từ năm 2020 đến nay: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Malaysia (23/6/2020) về hợp tác đối phó dịch bệnh; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein (23/10/2020); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein nhân dịp nhậm chức (14/4/2021); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Anwar Ibrahim nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 (5/2023).
3. Các cơ chế hợp tác song phương:
Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Kinh tế, Khoa học và kỹ thuật Việt Nam – Malaysia cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 7 được tổ chức tại Việt Nam (20/7/2023) ; Đối thoại Chiến lược lần thứ 2 cấp Trợ lý Bộ trưởng tổ chức vào ngày 27/4/2021 (lần thứ 1 năm 2016, tại Việt Nam); Ủy ban hỗn hợp Thương mại Việt Nam – Malaysia (lần thứ 3 năm 2015, tại Malaysia); Ủy ban Hợp tác Khoa học Công nghệ (lần thứ 4 năm 2006, tại Malaysia).
4. Hợp tác an ninh – quốc phòng:
Quan hệ quốc phòng hai nước thời gian qua được quan tâm thúc đẩy, đạt được kết quả thiết thực. Hợp tác quốc phòng được duy trì thông qua trao đổi đoàn các cấp và giao lưu, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân, binh chủng.
Hợp tác an ninh không ngừng đẩy mạnh. Hai bên tăng cường trao đổi thông tin liên quan công tác phòng, chống khủng bố, tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia.
5. Hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư:
Về thương mại: Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan) và thứ 9 trên thế giới, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 12,5 tỷ USD năm 2021 (tăng 25,3% so với cùng kỳ 2020), và đạt 14,68 tỷ USD năm 2022 (tăng 17,4% so với năm 2021). Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn gồm sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh, phương tiện vận tải và phụ tùng, gạo. Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn gồm máy vi tính ; sản phẩm điện tử và linh kiện; xăng dầu các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; kim loại thường khác; hóa chất; dầu mỡ động thực vật; chất dẻo nguyên liệu.
Về đầu tư: Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore), đứng thứ 10/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 702 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 13 tỷ USD (chủ yếu là giáo dục đào tạo, sản xuất, phân phối điện, khí, nước, công nghiệp chế biến, chế tạo). Malaysia đã đầu tư vào 32/63 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó đứng đầu là TP Hồ Chí Minh, tiếp theo là Trà Vinh, Hà Nội và các địa phương khác. Việt Nam có 21 dự án đầu tư còn hiệu lực sang Malaysia với tổng vốn đăng ký đạt 853 triệu USD, đứng thứ 9/78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
6. Hợp tác lao động: Hiện số lao động Việt Nam đang làm việc hợp pháp tại Malaysia vào khoảng 12.000 người, chiếm gần 1% tổng số người lao động người nước ngoài làm việc tại Malaysia.
Hai bên đang triển khai Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương người lao động nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia tới Việt Nam (3/2022), thay thế Bản ghi nhớ 2015 (hết hạn tháng 8/2020).
7. Hợp tác giáo dục: Hiện đang có khoảng hơn 1000 sinh viên Việt Nam du học tại Malaysia. Hai bên đã ký MOU về hợp tác giáo dục ngày 06/3/2019 (thay cho Bản ghi nhớ ký năm 2004), và MOU về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học ngày 17/10/2013. Các chương trình học bổng do Malaysia cấp cho cán bộ ta trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Kỹ thuật Malaysia (MTCP) vẫn đang được thực hiện.
8. Hợp tác du lịch và hàng không: Hai bên đã ký kết Hiệp định hợp tác du lịch năm 1994. Kể từ khi miễn thị thực cho công dân hai nước mang hộ chiếu phổ thông (tháng 9/2001) và cải thiện kết nối hàng không, lượng du khách Malaysia đến Việt Nam tăng nhanh. Malaysia nằm trong nhóm 10 thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam. Trước đại dịch Covid-19, tổng trao đổi khách hai nước năm 2019 đạt khoảng 1 triệu lượt. Năm 2022, Việt Nam đón hơn 170.000 lượt khách Malaysia; Malaysia cũng đón khoảng 170.000 lượt khách Việt Nam.
9. Hợp tác năng lượng:
Về hợp tác dầu khí: Petro Việt Nam và Petronas Malaysia có quan hệ hợp tác từ năm 1991 trên tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp dầu khí từ tìm kiếm thăm dò đến chế biến, dịch vụ. Về hợp tác trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo: hiện hai bên có các dự án hợp tác gồm: Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Hải Dương, Dự án BOT NMNĐ Duyên Hải 2 (Trà Vinh), Dự án BOT NMNĐ Sông Hậu 2 (Hậu Giang).
10. Cộng đồng người Việt tại Malaysia: Hiện nay, số lượng người Việt Nam tại địa bàn còn khoảng 30.000 người. Cộng đồng người Việt tại địa bàn chủ yếu là người lao động giản đơn, hoặc các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, số lượng ít.
Ngày 08/3/2022, chính quyền Malaysia cấp phép thành lập “Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam” với mục đích trao đổi thông tin, hỗ trợ việc tăng cường giao lưu nhân dân, kết nối chuyên ngành (nhất là y tế, giáo dục, học thuật…) giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Malaysia.
11. Hợp tác phòng chống Covid-19: Việt Nam đã triển khai công tác viện trợ y tế cho Malaysia trị giá 50.000 USD (tương ứng 6500 bộ đồ bảo hộ PPE); ngày 13/5/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã tặng Quốc hội Malaysia 20.000 chiếc khẩu trang y tế thông qua ĐSQ Malaysia tại Hà Nội.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn