Thông qua Luật Tổ chức Quốc hội: Thêm trường hợp tạm đình chỉ đại biểu Quốc hội

Với 461/461 đại biểu có mặt tán thành, chiều 17-2 Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Chiều 17-2, với 461/461 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Đại biểu có thể bị tạm đình chỉ trước khi bị kỷ luật

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay quá trình thảo luận về dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị tại Điều 39 (về việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền đại biểu Quốc hội) cần xác định rõ cơ sở làm căn cứ quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Việc này để tránh áp dụng tùy nghi, gây ảnh hưởng đến uy tín của đại biểu Quốc hội.

Ý kiến khác đề nghị bổ sung các trường hợp cụ thể để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.

Có ý kiến đề nghị thu hẹp các trường hợp bị tạm đình chỉ trong dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị bổ sung thời hạn tạm đình chỉ và cơ chế hỗ trợ đại biểu Quốc hội phục hồi quyền lợi hợp pháp khi bị tạm đình chỉ không đúng hoặc bị oan sai.

 Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: QH

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: QH

Nêu quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cho biết quy định tại Điều 39 nhằm cụ thể hóa Quy định 148 của Bộ Chính trị về căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội có ảnh hưởng quan trọng đến đại biểu Quốc hội. Đây là lý do cơ quan có thẩm quyền phải thận trọng, cân nhắc kỹ, đúng quy trình, thủ tục, làm rõ căn cứ để xác định mức độ vi phạm của đại biểu Quốc hội trước khi có đề nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

Luật cũng quy định về việc đại biểu trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và được khôi phục lại các lợi ích hợp pháp khi có quyết định, kết luận về việc không có vi phạm, không bị xử lý kỷ luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Điều 39 Luật quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong các trường hợp:

Thứ nhất, khi đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can.

Thứ hai, trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của đại biểu Quốc hội, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu Quốc hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có văn bản đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Quốc hội đó.

Điều luật cũng quy định đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định, kết luận về việc không có vi phạm, không xử lý kỷ luật, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.

Trường hợp đại biểu Quốc hội bị xử lý kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc cho trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu hay đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.

“Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật” - điều luật quy định.

Ngoài ra, quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban và Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng, Ủy ban để thể chế hóa đầy đủ Quy định 14 của Bộ Chính trị.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung một điều quy định về nội dung nêu trên tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

 Với 461/461 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: QH

Với 461/461 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: QH

Không quy định ‘cứng’ số lượng, tên gọi các cơ quan của Quốc hội

Ngoài ra, Luật được thông qua không quy định cứng số lượng, tên gọi các cơ quan của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay điều này để phù hợp và thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hài hòa về cơ cấu tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, trong số 10 cơ quan của Quốc hội hiện nay, có tới tám cơ quan chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn và có hai cơ quan mới của Quốc hội được thành lập.

Do đó, việc quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

“Thực tế cho thấy quy mô và khối lượng công việc của các cơ quan chưa thực sự đồng đều, còn có sự chênh lệch lớn giữa các cơ quan thực hiện và không thực hiện sắp xếp” - ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng việc Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng về tổ chức các cơ quan của Quốc hội và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban trong bối cảnh hiện nay là phù hợp, bảo đảm thận trọng, đáp ứng yêu cầu của công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và bảo đảm tính ổn định, lâu dài của luật.

Sửa ‘kỳ họp bất thường’ thành ‘kỳ họp không thường lệ’

Một nội dung đáng chú ý, Luật vừa được Quốc hội thông qua đã thay cụm từ ‘Kỳ họp bất thường’ thành ‘Kỳ họp không thường lệ’ tại các điều luật có liên quan, theo đề xuất của các đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, Luật quy định Kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu việc đánh số các kỳ họp thường lệ và không thường lệ của Quốc hội cho phù hợp để thực hiện thống nhất từ nhiệm kỳ sau.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua đã sửa đổi, bổ sung 21 điều (tăng 4 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến) và bãi bỏ 17 điều của Luật hiện hành.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua, nhằm bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước đó, thảo luận tại hội trường góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) hoan nghênh việc Quốc hội tiến hành các kỳ họp không thường kỳ để kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước. Dù vậy, ông Trí cho rằng “gọi là kỳ họp bất thường nghe hơi căng” và đề xuất nên thay thế bằng “kỳ họp không thường kỳ”.

“Còn với Quốc hội, khi nào Nhân dân cần, đất nước cần thì họp. Họp hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm thời gian” - ông Nguyễn Anh Trí nói.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái cũng cho rằng nên tìm một tên gọi phù hợp hơn và đề xuất tên gọi “kỳ họp chuyên đề”.

Tương tự, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai nói “cái gì bất thường nhiều cũng thành bình thường” và đề xuất đổi tên từ “bất thường” thành “chuyên đề” cho nhẹ nhàng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết không chỉ đại biểu Quốc hội, nhiều cử tri cũng băn khoăn với tên gọi “kỳ họp bất thường”. Ông đề nghị nên giải quyết dứt điểm vấn đề tên gọi này.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thong-qua-luat-to-chuc-quoc-hoi-them-truong-hop-tam-dinh-chi-dai-bieu-quoc-hoi-post834664.html
Zalo