Thống nhất phương án sắp xếp BHXH Việt Nam

Bộ Tài chính thống nhất phương án sắp xếp BHXH Việt Nam theo hướng giữ mô hình 3 cấp.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và một số đơn vị liên quan đã tiến hành nhiều cuộc họp để thực hiện việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Hiện cơ cấu bộ máy của BHXH đã được các bên thống nhất.

Bổ sung thêm nhiệm vụ cho BHXH Việt Nam

Theo đó, BHXH Việt Nam vẫn được giữ nguyên tên gọi “BHXH Việt Nam” và là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính với mô hình 3 cấp là trung ương, tỉnh và cấp huyện.

Ở cấp trung ương, BHXH Việt Nam thực hiện sắp xếp từ 21 xuống còn 14 đơn vị (giảm 7 đơn vị); 63 BHXH tỉnh, thành được điều chỉnh xuống 35 BHXH khu vực; 640 BHXH cấp huyện xuống 350 BHXH liên huyện; bỏ tổ nghiệp vụ.

Như vậy, sau khi sắp xếp, BHXH Việt Nam giảm 651/1.466 đầu mối, tương đương giảm 44,4%.

 BHXH Việt Nam cấp trung ương đã giảm 7 đầu mối. Ảnh: V.LONG

BHXH Việt Nam cấp trung ương đã giảm 7 đầu mối. Ảnh: V.LONG

Sau khi sáp nhập, BHXH Việt Nam cơ bản giữ nguyên chức năng nhiệm vụ, đồng thời bổ sung thêm hai chức năng gồm: Thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm hưu trí sung; tham gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Đáng chú ý, BHXH Việt Nam tiếp tục được đề xuất giữ nguyên một cấp trưởng và năm cấp phó.

Nguyên tắc sắp xếp nhân sự

Về nhân sự, Bộ Tài chính đưa ra nguyên tắc, tiêu chí sau:

Đối với lãnh đạo cấp trưởng: Ưu tiên bố trí giữ chức danh tương đương trong trường hợp đơn vị còn vị trí cấp trưởng để bố trí (trừ trường hợp cá nhân có nguyện vọng khác).

Nếu đơn vị không có vị trí tương đương để bố trí thì xem xét bố trí vị trí cấp phó tại đơn vị, bộ phận phù hợp, được hưởng chính sách theo quy định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy và được ưu tiên xem xét bổ nhiệm cấp trưởng khi đơn vị có nhu cầu nếu đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định.

Đối với lãnh đạo cấp phó: Trong quá trình sắp xếp lại tổ chức, số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị do sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định…

Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo việc điều chuyển, cơ cấu lại phải đảm bảo phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn và vị trí công tác mà công chức và người lao động đó đang đảm nhận. Ưu tiên phương án sắp xếp nhân sự đồng bộ với sắp xếp bộ máy. Ổn định nhân sự trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày sắp xếp, sáp nhập, tránh ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Công chức, viên chức đang được quy hoạch các chức danh lãnh đạo của đơn vị trước khi sắp xếp, sáp nhập, đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền rà soát, duy trì hoặc bổ sung quy hoạch vào kỳ rà soát quy hoạch gần nhất đảm bảo đúng quy định.

Công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp, sáp nhập, thực hiện điều hòa chung trong đơn vị. Trường hợp không bố trí được việc làm khác phù hợp hoặc bố trí việc làm khác phù hợp nhưng cá nhân có đơn xin nghỉ, điều chuyển ra các đơn vị ngoài ngành và được cơ quan quản lý chấp thuận thì giải quyết tinh giản biên chế, thôi việc theo quy định.

Chức năng nhiệm vụ của BHXH Việt Nam

BHXH Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí bổ sung; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí bổ sung;

Thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của của pháp luật; tham gia với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí bổ sung.

P.PHONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thong-nhat-phuong-an-sap-xep-bhxh-viet-nam-post834710.html
Zalo