Thông hai hầm trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vượt tiến độ nhiều tháng
Ngày 23/12/2023, hầm số 1 dài 610 m trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn chính thức được Tập đoàn Đèo Cả đào thông, vượt tiến độ hơn 2 tháng so với kế hoạch trong hợp đồng thi công.
Trước đó, hầm số 2 dài 700 m cũng đã được đào thông vượt tiến độ gần 1 tháng so với kế hoạch đề ra tại Lễ phát động ký kết thi đua 100 ngày thông hầm 2 (ngày 10/10/2023) và vượt gần 5 tháng so với yêu cầu trong hợp đồng thi công.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hưởng ứng thi đua 100 ngày thi công thông hầm số 2 và kế hoạch thi công một số hạng mục chính thuộc dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động các giải pháp thi công trong mùa mưa tại miền Trung, đồng thời áp dụng sáng kiến cải tiến thi công đẩy nhanh tiến độ bằng phương pháp đào hầm “Hệ Đèo Cả” (6 mũi thi công hầm thay vì 4 mũi), sử dụng tuần hoàn nước thi công (tiết kiệm 95% lượng nước thi công hầm).
Bằng kinh nghiệm đã được đúc rút qua nhiều lần triển khai thi công các dự án hầm xuyên núi, làm chủ công nghệ, Tập đoàn Đèo cả đã nghiên cứu cải tiến phương pháp thi công hầm, tăng mũi đào và bước đào, rút ngắn chu kỳ đào một gương hầm. Nhờ đó, tiến độ đào hầm được thúc đẩy đáng kể. Song song với việc đẩy nhanh tiến độ, công tác an toàn và chất lượng công trình luôn được kiểm soát chặt chẽ.
Sau khi đào thông, hầm số 1 và hầm số 2 sẽ được tận dụng làm đường công vụ, rút ngắn thời gian vận chuyển, điều phối vật liệu trên toàn tuyến, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công toàn dự án.
Đối với hầm 3, là hầm xuyên núi lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được xây mới, hiện nay ống hầm trái đạt 400/3.200 m, ống hầm phải đạt 410/3.200 m. Theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, hầm số 3 sẽ thông sau 42 tháng thi công, nhưng nhà thầu đang nỗ lực để thông hầm đường bộ cấp đặc biệt này sớm hơn kế hoạch.
Trên tuyến có các hạng mục đường găng khác như cầu Sông Vệ, cầu tỉnh lộ 624, các nút giao… và một số đoạn tuyến cần xử lý đất yếu. Đối với hạng mục cầu Sông Vệ, cầu lớn nhất trên tuyến với chiều dài 610 m, 134/134 cọc khoan nhồi đã hoàn thành, thi công được 13/16 bệ móng, mố trụ, 12/14 thân mố trụ, 55/105 dầm cầu, tiến độ đáp ứng kế hoạch.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, toàn tuyến huy động 44/45 mũi thi công với hơn 3.050 nhân sự và 1.161 máy móc, thiết bị tổ chức thi công 3 ca, đối với hạng mục thi công hầm, các kỹ sư, công nhân thay ca nhau làm việc liên tục (24/24h) không nghỉ.
Sản lượng thực hiện đến nay đạt hơn 12% tổng khối lượng. Dự kiến đến cuối năm 2023, dự án phấn đấu giải ngân lũy kế đạt gần 4.400 tỷ đồng, vượt kế hoạch giải ngân phần xây lắp được Bộ GTVT phê duyệt.
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 88 km, sau gần 1 năm triển khai, tuy còn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, thời tiết… tuy nhiên, với sự hỗ trợ của địa phương, chủ đầu tư, nỗ lực của nhà thầu, tư vấn giám sát… các vấn đề trên cơ bản được tháo gỡ, tiến độ thực hiện vượt kế hoạch đề ra.
Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA 2 (chủ đầu tư) đánh giá cao nhà thầu Đèo Cả đã triển khai dự án với tinh thần quyết tâm, làm việc 3 ca 4 kíp, đồng thời có nhiều sáng kiến sáng tạo trong thi công nhờ đó rút ngắn tiến độ gần 6 tháng.
“Trong thời gian tới, Ban QLDA 2 cùng nhà thầu Đèo Cả tiếp tục triển khai làm xuyên tết để đảm bảo rút ngắn tiến độ dự án, sớm đưa vào phục vụ người dân, phục vụ xã hội”, ông Thắng nói.
Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là dự án có quy mô lớn nhất trên cao tốc Bắc - Nam giao đoạn 2. Một đại công trường được tổ chức thực hiện, quản lý theo hình thức tổng thầu để quản lý, quản trị điều hành hiệu quả, tối ưu chi phí, kiểm soát tiến độ và chất lượng.
Ông Khương Văn Cương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đơn vị đã đúc rút kinh nghiệm từ thực tế ở những dự án khó, phức tạp mà Đèo Cả đã triển khai thành công như hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lâm - Vĩnh Hảo… Do vậy, trước khi bắt tay vào việc triển khai các dự án mới, hay như dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Đèo Cả đều có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn lực máy móc thiết bị, con người, tài chính… và đặc biết là cách điều phối, phối hợp với các nhà thầu khác trong liên danh.
Xác định Tập đoàn Đèo Cả là thành viên đứng đầu liên danh nên đã chủ động tổ chức đánh giá khả năng thực chiến của các nhà thầu, đưa ra các công cụ quản trị điều hành và tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ số, công bố thông tin về giá trị gói thầu, tiến độ dự án, tổ chức giám cộng đồng để cùng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của các bên
“Ngoài việc áp dụng biện pháp cải tiến thi công đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi còn tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng cho nhân sự nội nghiệp, hiện trường, lái xe lái máy, an toàn lao động… trực tiếp tại dự án. Đồng thời thực hiện ba tuyến kiểm soát tiền kiểm, hậu kiểm, phúc kiểm, sử dụng nhân sự của Công ty An ninh Đèo Cả kết hợp với lực lượng an ninh địa phương để giám sát các hoạt động trên công trường”, ông Cường cho biết.
Cũng theo ông Cường, tại Tập đoàn Đèo Cả, HĐQT cũng như Chủ tịch HĐQT sẽ định hướng chiến lược, phê duyệt các kế hoạch thực hiện, ngân sách, giao chỉ tiêu và kiểm soát các chỉ tiêu. Đối với việc triển khai các dự án, Hội đồng cố vấn sẽ cùng Văn phòng HĐQT, Ban Kiểm soát nội bộ đôn đốc, kiểm tra nếu phát hiện bất thường sẽ trực tiếp cảnh báo, yêu cầu làm rõ hoặc khắc phục.
Trường hợp có dấu hiệu vi phạm sẽ báo cáo xin ý kiến chủ tịch HĐQT để thành lập tổ công tác độc lập tiến hành đành giá và đưa ra biện pháp xử lý cụ thể như cắt giảm khối lượng đối với nhà thầu yếu kém, điều chuyển công tác hay có hình thức kỷ luật khác đối với nhân sự của Đèo Cả nếu vi phạm.