'Thông đường' cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Quá trình khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, các startup vẫn còn gặp nhiều áp lực, khó khăn xuất phát từ cơ chế chính sách cũng như thiếu vốn, kinh nghiệm… Vì vậy, việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông thoáng là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Nhiều rào cản

Trong những thập kỷ gần đây, các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng không kém phần sôi động. Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của hơn 4.000 startup, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục.

(Hình minh họa).

(Hình minh họa).

Các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không chỉ góp phần đáng kể vào GDP, các startup còn tạo ra hàng ngàn việc làm mới, thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua các sản phẩm và dịch vụ mới. Sự năng động và sáng tạo của các DN này cũng là động lực cho các ngành công nghiệp truyền thống phải đổi mới để không bị tụt hậu.

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nhờ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có sự phát triển tương đối nhanh. Hiện nay trên cả nước có khoảng 20 địa phương đã hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo với nhiều mô hình đa dạng, phong phú; gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp đã và đang hoạt động.

Trên bảng xếp hạng toàn cầu, các chỉ số về đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có cải thiện về điểm số và thứ hạng. Cụ thể, Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) năm 2023 cho thấy, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế (tăng 2 bậc so với năm 2022). Trên bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cũng được ghi nhận có những bước cải thiện, hiện Việt Nam xếp thứ 58 trên thế giới và được đánh giá là một trong những quốc gia khởi nghiệp tốt nhất Đông Nam Á.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, các nhân tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển còn chậm, thiếu tính bền vững.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) Phạm Hồng Quất nhìn nhận, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn một số rào cản, hạn chế sự phát triển. Cụ thể như, chưa có không gian cho các mô hình kinh doanh mới, các trung tâm hỗ trợ chuyên nghiệp chưa được quan tâm thích đáng, chưa có không gian làm việc...

Còn theo Chủ tịch HĐQT Intracom Group Nguyễn Thanh Việt, các startup vẫn gặp rất nhiều trở ngại, cả ở phía chủ quan và khách quan. Việc kết nối giữa quỹ đầu tư ngoại với DN khởi nghiệp còn hạn chế. Trong khi hành lang pháp lý quy định về vấn đề này còn chưa rõ ràng, chưa có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ startup tại Việt Nam, cũng như chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và ngược lại. Mặt khác, chính sách hỗ trợ pháp lý cho DN khởi nghiệp ở nước ta vẫn còn chồng chéo, chưa rõ ràng, phải qua nhiều khâu thủ tục giấy tờ. Điều này là trở ngại chính khiến các dự án khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh trong thực tiễn. Chưa có chính sách ưu đãi để khuyến khích DN đổi mới sáng tạo, ngay từ giai đoạn đầu…

Cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ

Để giải quyết những thách thức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh, khi xây dựng chính sách về khởi nghiệp sáng tạo cần thống nhất, đồng bộ hóa các cơ chế, chính sách hiện đang quy định phân tán trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Đồng thời bổ sung các quy định mới trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Đặc biệt, phải làm rõ khái niệm, nội hàm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, phân biệt khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo với các chủ thể khác.

Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Đỗ Tiến Thịnh kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần thiết phải sớm có cơ chế, chính sách chung, có trọng điểm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo theo thông lệ quốc tế, nhất là các chính sách chấp nhận mức rủi ro cao, hình thành các trung tâm về đổi mới sáng tạo, cơ chế chia sẻ và dùng chung hạ tầng nghiên cứu và phát triển.

Với nhiều năm kinh nghiệm, ông Trần Trí Dũng - cố vấn khởi nghiệp Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ góp ý, cần thúc đẩy các đơn vị trung gian, hiện nay đã có các vườn ươm, chương trình tăng tốc, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học, nhưng có một thực tế là năng lực của các tổ chức này còn nhiều mặt cần bồi dưỡng.

Cùng với đó, để tăng hiệu quả hoạt động của các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển các chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể cho các startup. Ngoài ra, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo để nâng cao trình độ nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cũng là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của các DN mới này, giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thong-duong-cho-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao.html
Zalo