'Cánh cửa mới' cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và các tỉnh
Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ thời gian qua đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Hiệu quả đáng khích lệ
Sau hơn một năm ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với 9 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ (Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế), TP.HCM đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. Thỏa thuận này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội tại các tỉnh tham gia, mà còn tạo ra những cơ hội mới cho kết nối và phát triển bền vững giữa các vùng địa phương.
Theo lãnh đạo TP.HCM, Thành phố đã hợp tác với các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ trong nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, xúc tiến đầu tư, du lịch, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, và nhiều lĩnh vực khác. Những chương trình hợp tác cụ thể đã được thực hiện, từ việc quảng bá sản phẩm địa phương tại TP.HCM đến các dự án liên kết đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số, đem lại những kết quả thiết thực.
Với Hà Tĩnh, TP.HCM đã thúc đẩy nhiều dự án đầu tư lớn. Các doanh nghiệp (DN) TP.HCM đã đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng vào 22 dự án sản xuất và kinh doanh tại đây. Nổi bật trong số này là nhà máy sản xuất lâm sản, khu du lịch sân golf Xuân Thành, nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh. Đặc biệt, TP.HCM và Hà Tĩnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển cảng biển và trung tâm Logistics Vũng Áng - Sơn Dương.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã thu hút được 15 dự án đầu tư từ TP.HCM, với tổng vốn đầu tư khoảng 29.100 tỷ đồng. Trong đó, hai dự án đang được quan tâm đầu tư là xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các cụm công nghiệp, với tổng vốn đầu tư lên tới 890 tỷ đồng.
Nghệ An cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ từ hợp tác với TP.HCM. Ba dự án đầu tư lớn đã được triển khai, gồm nhà máy cơ khí công nghệ cao Siba Nghệ An, nhà máy sản xuất bột trét tường và sàn đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Vinh, với tổng vốn đầu tư 613 tỷ đồng. Hơn thế nữa, nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản, đặc sản và sản phẩm OCOP của Nghệ An đã được tiêu thụ tại TP.HCM, trong khi các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM được bán rộng rãi tại Nghệ An.
Cao Bằng là một ví dụ khác về sự hợp tác hiệu quả. Các DN của tỉnh đã ký kết ba biên bản ghi nhớ hợp tác với các DN phân phối của TP.HCM, giúp các sản phẩm đặc sản của Cao Bằng như miến dong, lạp sườn có mặt tại các siêu thị lớn và trung tâm thương mại của TP.HCM.
Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ ngày 2/10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đề xuất một số nội dung để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong tương lai. Cụ thể là cần phát huy hiệu quả các hoạt động quảng bá sản phẩm đặc trưng của các địa phương tại TP.HCM, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, liên kết quảng bá phát triển du lịch và kêu gọi đầu tư dự án ở các địa phương.
Đẩy mạnh kết nối và phát triển bền vững
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đều đánh giá cao hiệu quả của các hoạt động hợp tác đã qua và đề xuất nhiều nội dung hợp tác mới. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh bày tỏ mong muốn TP.HCM tiếp tục hỗ trợ để kết nối thương mại và tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại thị trường miền Nam. Tỉnh Cao Bằng cần TP.HCM hỗ trợ trong đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức của Cao Bằng, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, du lịch, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Cũng theo ông Bằng, tỉnh Cao Bằng đang thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, dự án điện gió, điện sinh khối, khu dân cư, khu du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, sân golf, khu nuôi và đua ngựa, khu đua xe mô tô địa hình và trung tâm thương mại.
“Tỉnh Cao Bằng rất mong TP.HCM và các tỉnh giới thiệu các DN, nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh, phát triển du lịch tại địa phương. Đặc biệt, tỉnh mong muốn kết nối thương mại và tiêu thụ các sản phẩm của Cao Bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của địa phương”, ông Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh.
Không chỉ Cao Bằng, các tỉnh Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Trị cũng đưa ra nhiều đề xuất hợp tác trong tương lai. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đề nghị TP.HCM và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV bố trí nguồn lực để khắc phục khó khăn và đầu tư tiếp giai đoạn 2 của Dự án khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể. Tỉnh mong muốn đẩy mạnh hợp tác với TP.HCM trong lĩnh vực du lịch, kết nối tour và tuyến du lịch để khai thác tiềm năng du lịch có thế mạnh tại địa phương, như du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử.
“Tỉnh Bắc Kạn mong muốn TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh hợp tác xúc tiến đầu tư, phát triển nông nghiệp, công thương, du lịch... Bắc Kạn có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và di sản văn hóa dân tộc đặc sắc, độc đáo, đa dạng; có hồ Ba Bể nổi tiếng, di tích ATK Chợ Đồn… là tiềm năng để tỉnh phát triển du lịch”, ông Nguyễn Đăng Bình đề xuất.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà đề xuất kết nối đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên, như công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép, logistics, cảng biển, du lịch biển, nông nghiệp hữu cơ và phát triển hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ông Hà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư các địa phương hợp tác và đầu tư.
Với Nghệ An, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác xúc tiến và thu hút đầu tư từ TP.HCM, đặc biệt là đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đang hoàn thiện hạ tầng quan trọng như đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, nâng cấp và mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh, và quy hoạch mở rộng các khu, cụm công nghiệp với khoảng 1.500 ha đất để thu hút đầu tư đến năm 2025.