Thong dong câu chuyện văn hóa trà

Trong xu thế nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, bền vững ngày càng phát triển như hiện nay, người sản xuất không chỉ chú trọng đến chất lượng, mà còn gửi thông điệp, văn hóa bản địa thông qua sản phẩm. Với tình yêu với cây chè, khát khao đưa hương chè Thái Nguyên bay xa, nhiều chủ thể sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh đang gửi vào sản phẩm của mình nhiều câu chuyện khác nhau…

Du khách nước ngoài thích thú, khám phá, trải nghiệm quá trình sản xuất, nét văn hóa trà Thái Nguyên tại Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên).

Du khách nước ngoài thích thú, khám phá, trải nghiệm quá trình sản xuất, nét văn hóa trà Thái Nguyên tại Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên).

Trà không đơn thuần là thức uống mà còn là nét văn hóa bao đời nay của người Việt Nam. Thái Nguyên không phải là vùng chè cổ nhưng có diện tích nguyên liệu chè lớn và được thiên nhiên ưu đãi để tạo nên chè thơm ngon, riêng có. Cây chè ở Thái Nguyên có từ gần 100 năm nay, đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Thái Nguyên qua các thế hệ. Ngoài việc đem lại giá trị kinh tế to lớn, cây chè còn mang những nét văn hóa truyền thống và tiềm năng phát triển du lịch cho người dân địa phương. Điều thú vị là mỗi nơi trên mảnh đất này lại có tiểu vùng khí hậu, chất đất đặc trưng, tạo những hương vị trà riêng có, gắn với những địa danh, phong cảnh, nếp sống văn hóa từng vùng.

Những năm gần đây, các chủ thể sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn đã chuyển đổi tư duy, “thổi hồn” vào sản phẩm, vùng nguyên liệu để mang lại nhiều giá trị. Họ mong muốn truyền tải đến cộng đồng, người tiêu dùng niềm tự hào, giá trị tài nguyên bản địa, nét văn hóa, sự tâm huyết, kỳ vọng của người làm chè Thái Nguyên. Mỗi câu chuyện sản phẩm chứa những thông điệp có thể chạm đến cảm xúc, trái tim của người tiêu dùng.

Xác định sứ mệnh và con đường đi riêng đó là đưa câu chuyện văn hóa vào từng sản phẩm để trà không đơn thuần là thức uống, mà hướng tới trà đạo, văn hóa trà, sau gần 20 năm nghiên cứu, Công ty TNHH TH Hải Đăng đã xây dựng 12 dòng sản phẩm với tên gọi, câu chuyện khác nhau. Đó là Diên Hồng trà, Khổng Tước Nương trà, Nguyệt Giang trà gắn các sự kiện lịch sử hào hùng của Việt Nam cũng như mảnh đất Thái Nguyên. Cốc Sơn Giang trà, Bát Tiên trà gắn với các câu chuyện trong truyền thuyết gắn với vùng trà vẫn đang được lưu giữ kể lại. Tương ngộ trà, Tri âm trà gắn với những thông điệp về tôn trọng thiên nhiên, sự kết nối tâm hồn con người với sức sống cây chè, là thú vui tao nhã, giúp con người ta trí sáng, tâm an, muốn gắn kết với bạn tâm giao mà cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng...

Vùng chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Vùng chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Để đưa câu chuyện, văn hóa vào sản phẩm, Công ty TNHH TH Hải Đăng đã xây dựng được vùng nguyên liệu, đặc biệt là chè cổ trung du tại xã Tân Cương, áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, hữu cơ; sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO 2200:2018, một tiêu chuẩn quốc tế khắt khe trong thực hành nông nghiệp an toàn; quá trình chế biến, đóng gói, thiết kế bao bì nhận diện sản phẩm... Với cách làm đó, từ năm 2019, Công ty TNHH TH Hải Đăng vinh dự được trưng bày và mở tiệc thưởng trà trong các kỳ họp Quốc hội với sản phẩm Diên Hồng trà. Các sản phẩm trà của đơn vị này cũng được đưa vào hệ thống các siêu thị và tiêu thụ tại nước ngoài.

Nằm trong vùng chè La Bằng nơi có khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước đặc trưng dọc theo dãy nũi Tam Đảo, một trong “Tứ đại danh trà” Thái Nguyên, từ năm 2021, Công ty cổ phần chè Hà Thái đã xây dựng thương hiệu “Trà Tứ quý”. Sản phẩm là sự kết hợp tinh tế, thanh tao linh khí từ đất trời thiên nhiên của 4 mùa “Xuân, Hạ, Thu, Đông”; là bộ sản phẩm mang lại may mắn, thịnh vượng bởi khi thưởng thức vị trà êm dịu, ngát hương, sẽ có cảm giác thanh thản, thư thái, hạnh phúc.

Bộ sản phẩm bao gồm: Tứ quý - Tiền xuân được thu hái trong tiết trời đầu xuân; Tứ quý - Đoan ngọ thu hái đúng dịp Tết Đoan ngọ; Tứ quý - Tiền minh, thu hái mùa thu và Tứ quý - Đông chí, thu hoạch chế biến vào ngày Đông chí của tháng cuối năm. Mỗi sản phẩm trong bộ Trà Tứ Quý mang nét đặc trưng khác nhau. Chính những câu chuyện riêng này đã giúp sản phẩm đạt Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam; Danh hiệu Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh lần thứ 5 năm 2022...

Mỗi sản phẩm trà của Công ty TNHH TH Hải Đăng đều có những tên gọi hấp dẫn, gắn với những câu chuyện riêng về văn hóa, lịch sử, thông điệp nhân văn.

Mỗi sản phẩm trà của Công ty TNHH TH Hải Đăng đều có những tên gọi hấp dẫn, gắn với những câu chuyện riêng về văn hóa, lịch sử, thông điệp nhân văn.

Hiện nay, nhiều HTX chè vừa tập trung xây dựng sản phẩm chất lượng, lại vừa tận dụng những tài nguyên bản địa như phong cảnh, văn hóa, ẩm thực dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng. Khách đến những vùng đất này không chỉ được hít hà không khí trong lành, khoảng trời mênh mông, nương chè xanh ngát, mà còn được trải nghiệm cách chăm bón, thu hái, chế biến chè, nghe những câu chuyện từ đời sống lao động của người nông dân làm chè, lịch sử vùng chè.

Anh Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên tự hào: 10 năm nay, nhiều du khách đặc biệt là khách nước ngoài đến Thái Nguyên đều tìm đến vùng chè Tân Cương, HTX chúng tôi để trải nghiệm. Bởi vậy, bên cạnh xây dựng vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm chất lượng, chúng tôi mở đường để khách tham quan, xây dựng chòi quanh hồ, mô hình homestay để khách lưu trú, mở ra dịch vụ trải nghiệm từng công đoạn trong nghề làm chè và các “tua” trải nghiệm xứ chè...

Nói về câu chuyện sản phẩm, vị tư lệnh ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhiều lần nhấn mạnh: “Ngày nay, người ta không chỉ mua sản phẩm, mà mua cách tạo ra sản phẩm, mua cảm xúc từ những câu chuyện. Niềm tin tạo sự kết nối. Kết nối tạo ra giá trị. Giá trị tạo thu nhập. Thu nhập tạo hạnh phúc”. Những điều này cũng đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, xây dựng lộ trình “Nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên lên thành văn hóa trà”, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, trao đổi phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà tới các cơ quan, đơn vị, chủ thể sản xuất, kinh doanh chè. Để từ đó, trà không đơn thuần là sản phẩm thông thường mà con là "đại sứ" văn hóa vùng đất, con người Thái Nguyên, gia tăng giá trị, khắc phục "đồng hóa" sản phẩm.

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202501/thong-dong-cau-chuyen-van-hoa-tra-c7b1158/
Zalo