Chuyện về 'cô Sáu cầu Ông Lãnh'
Tại TP.Tân An, tỉnh Long An có một con đường mang tên Trương Thị Sáu. Tuyến đường dài khoảng 700m, nối giữa đường Huỳnh Văn Nhứt và đường Châu Thị Kim, song song với đường Hùng Vương, như một lời nhắc nhở về một người phụ nữ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Sinh ra và lớn lên tại Cần Giuộc nhưng lúc trưởng thành, bà Trương Thị Sáu được nhiều người biết đến với biệt danh "cô Sáu cầu Ông Lãnh" bởi bà là chủ một tiệm may nức tiếng tại khu vực cầu Ông Lãnh lúc bấy giờ.
Từng trải qua một tuổi thơ không mấy êm đềm, gia đình dần khánh kiệt sau khi cha mất, khiến bà Trương Thị Sáu sớm thấm thía nỗi vất vả của cuộc sống cơ hàn. Trong hoàn cảnh đó, "cô Sáu" nuôi dưỡng khát khao thay đổi vận mệnh.
Với sự tháo vát, chịu thương chịu khó, bà học nghề may và mở một tiệm may có tiếng ở cầu Ông Lãnh. Tiếng tăm “cô Sáu cầu Ông Lãnh” được nhiều người biết đến không chỉ bởi tài năng mà còn vì sự đức hạnh, nết na, tháo vát.
Mặc dù nhận được nhiều lời ngỏ ý của những công tử gia thế, giàu có nhưng bà vẫn một mực chối từ, cho đến khi gặp gỡ và đem lòng cảm mến chàng thanh niên Nguyễn An Ninh.
Thời điểm đó, Nguyễn An Ninh được nhiều người biết đến là một thanh niên “lạ đời” vì đi học trường Tây mà lại từ chối cơ hội ra làm quan, có vợ xinh đẹp mà không bao lâu hôn nhân đổ vỡ. Ít ai biết rằng, Nguyễn An Ninh và người vợ trước không cùng lý tưởng và quan điểm sống bởi ông là người muốn lo việc lớn, không cam chịu cảnh làm nô lệ trên chính quê hương mình.
Bà Trương Thị Sáu vốn ngưỡng mộ khí phách Nguyễn An Ninh qua những bài viết “nảy lửa” của ông trên tờ báo Tiếng Chuông Rè. Chính những bài viết này đã lay động trái tim bà từ khi còn chưa gặp mặt.
Mãi đến sau này, khi có cơ hội tiếp xúc, chuyện trò với ông, bà quyết định đồng hành cùng ông “nuôi chí lớn”.
Đồng ý làm vợ ông, bà bán hết cơ nghiệp của tiệm may, theo chồng về Hóc Môn sinh sống và dùng số tiền đó để hỗ trợ hoạt động của ông.
Từ đó, bà Trương Thị Sáu lặng lẽ đứng sau hỗ trợ chồng trong mọi hoạt động, từ vận động kinh phí hỗ trợ tổ chức đến quán xuyến, chăm lo việc nhà, nuôi dạy các con.
Không chỉ vậy, bà còn nhiệt tình tham gia hoạt động, vận động quần chúng đấu tranh. Bà cũng vận động giúp chồng ra báo Trung Lập và báo La Lutte để cổ động cho Đảng viên Cộng sản,...
Bà còn là cơ sở liên lạc đắc lực của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, có quan hệ đồng chí từ rất sớm với Lý Tự Trọng, Hà Huy Tập,... Trong cuộc vận động dân chủ 1936-1939, bà tham gia lực lượng hậu bị của Lâm ủy Đại hội Đông Dương, trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban hành động làng Trung Mỹ Tây, quận Hóc Môn; sát cánh với các nữ đảng viên: Nguyễn Thị Lựu, Mai Huỳnh Hoa,... làm phụ vận và ủng hộ báo Đảng.
Khi Nguyễn An Ninh bị kết án tù tại Côn Đảo, bà kiên quyết từ chối lời dụ dỗ của kẻ thù rằng sẽ đưa bà ra Côn Đảo rước chồng về lập chính phủ bù nhìn.
Bà tiếp tục thay ông thực hiện những công việc còn dang dở: Xuất bản, giữ gìn từng quyển sách, trang viết của ông Ninh, nuôi đàn con 5 đứa còn thơ dại,...
Năm 1943, nhận tin chồng hy sinh, bà như chết lặng nhưng rồi vượt qua tất cả, bà vực dậy, tiếp tục cuộc hành trình trên con đường mà chồng đã chọn. Bà hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn, giữ nhiều vị trí quan trọng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, bà được tập kết ra miền Bắc, làm Giám đốc Trường Nhi đồng miền Nam, có công nuôi dạy hàng ngàn thiếu nhi, kể cả con của lãnh tụ cách mạng một số nước châu Phi, Lào, Campuchia,...
Bà là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa II, IV. Về hưu, bà vẫn tiếp tục hoạt động xã hội. Bà mất tại TP.HCM ngày 03/12/1983.
Cuộc đời bà Trương Thị Sáu là minh chứng cho tinh thần yêu nước bất khuất, sự kiên cường và đức hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam. Việc đặt tên đường Trương Thị Sáu là một việc làm ý nghĩa, vừa thể hiện sự tri ân sâu sắc, vừa giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của cha ông./.
Thu Lam
Tài liệu tham khảo:
- Sách Truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam Bộ thành đồng.
- Bài viết "Bóng hồng" lặng lẽ sau Nguyễn An Ninh, tác giả nhà văn Trầm Hương.
- Nguyễn An Ninh và người vợ "Cùng anh đi suốt cuộc đời", tác giả Hùng Hoàng.
- Sách Lịch sử tên đường TP.Tân An.