Chính sách 'mở cửa' của lãnh đạo lợi hay hại?
Chính sách mở cửa chỉ việc các lãnh đạo của doanh nghiệp hoặc tổ chức luôn mở cửa văn phòng để nhân viên có thể thoải mái tạt ngang và trò chuyện một cách không chính thức.
Anh có rảnh chút không?
Tôi có thể không phải là một người dẫn chương trình truyền hình, nhưng tôi hoàn toàn hiểu được vấn đề mang tên những cuộc “tạt ngang” không hẹn trước.
Câu hỏi chỉ có năm chữ này từng khiến tôi lạnh sống lưng: “Anh có rảnh chút không?”.
Tôi đang soạn kế hoạch chiến lược và ngân sách cho năm sau. Làm thế nào để công ty tôi tăng tổng doanh thu từ 5 triệu đôla lên 10 triệu đôla chỉ trong một năm? Đó là mục tiêu mà đối tác chiến lược - người sẽ đổ tiền đầu tư - đặt ra, và trách nhiệm của tôi là trình bày kế hoạch đạt được mục tiêu đó.
Xem nào... Nếu mình tăng thêm hai đại diện bán hàng vào cột X, chi phí 90.000 đô la cho mỗi người, và mỗi đại diện từ tháng thứ sáu đều tăng doanh thu thêm–
Cốc cốc cốc. “Anh có rảnh chút không?”
Tôi muốn hỗ trợ nhân viên của mình. Tôi muốn là một lãnh đạo tốt. Vậy nên...
“Có chứ, Tracy, chuyện gì thế?”
Cô ấy bước vào và trưng ra một bản vẽ 3D của gian hàng triển lãm ở hội thảo. “Tôi đang chuẩn bị duyệt thiết kế cuối cùng của gian hàng này. Họ đã sửa như chúng ta yêu cầu tuần trước. Anh thấy có ổn không?”
“Tuần trước tôi đã nói chỉ cần sửa lại là ổn mà”.
“Tôi biết, nhưng đây là thiết kế cuối cùng. Trước khi tôi chi 10.000 đô la, tôi nghĩ tôi nên kiểm tra lại với anh–”.
“Tracy, được rồi mà. Ngân sách ổn, thiết kế cũng ổn”. “Vậy tốt rồi. Cảm ơn anh”. Tôi thở dài. Được rồi, mình làm đến đâu rồi ấy nhỉ? Tác động của việc thuê thêm đại diện bán hàng. Cột số lượng đại diện bán hàng trong bảng này là cột nào? Đây - cột X. Nếu mình thêm hai đại diện-
Cốc cốc. “Anh có rảnh chút không?” Đùa nhau à?!
Vì mục tiêu giao tiếp và minh bạch
Chính sách mở cửa chỉ việc các lãnh đạo của doanh nghiệp hoặc tổ chức luôn mở cửa văn phòng để nhân viên có thể thoải mái tạt ngang và trò chuyện một cách không chính thức, hỏi ý kiến, hoặc thảo luận những vấn đề đang đè nặng lên tâm trí họ.
Ngày nay, với những văn phòng có không gian mở, các khu làm việc chung, và nhiều thành viên làm việc từ xa ở mọi nơi trên địa cầu, “chính sách mở cửa” mang nghĩa ẩn dụ hơn bao giờ hết. Ở nhiều tổ chức hiện nay, hình thức tương đương của việc bước qua một cánh cửa thật ở ngoài đời là: gửi tin nhắn điện thoại, gửi tin nhắn trực tiếp qua Facebook hoặc Slack, gửi tin nhắn nhanh trên Skype, hoặc ping một ai đó trên Basecamp.
Dù người ta xen ngang bằng cách bước qua cánh cửa thật ngoài đời hay cánh cửa kỹ thuật số, thì về lý thuyết, một tổ chức dùng chính sách mở cửa để xây dựng văn hóa tin tưởng, hợp tác, giao tiếp và tôn trọng dành cho mọi cá nhân trong tổ chức, bất kể vị trí của người đó ở đâu trong hệ thống cấp bậc. Việc có thể dễ dàng tiếp cận ban điều hành sẽ giúp hạn chế những chuyện ngồi lê đôi mách và những lời đồn đoán thường thấy nơi công sở.
Mục tiêu của chính sách mở cửa rất đáng ngưỡng mộ; ai lại không muốn thế cơ chứ?
Nhưng dù mục tiêu có cao quý thì ta cũng không thể phủ nhận những bất lợi đi kèm với chính sách đó. Khi tôi khảo sát 100.000 người đăng ký nhận bản tin e-mail của tôi và trên các cộng đồng trực tuyến, tôi như chết chìm trong hàng đống câu chuyện về thất bại của chính sách mở cửa đến từ cả quản lý và nhân viên.