Thơm ngon bánh củ cải
Được chế biến từ các loại nguyên liệu quen thuộc, bánh củ cải có vị ngon hấp dẫn, thường xuất hiện vào dịp đám tiệc của người dân xã Mỹ Đức (huyện Châu Phú).
Ở xã Mỹ Đức có nhiều gia đình biết làm món bánh củ cải, nhưng không ai biết món bánh độc đáo này ra đời như thế nào. Họ chỉ nhớ từ nhỏ đã được ăn món bánh này, nhìn thấy người nhà chế biến và học cách làm. Được mẹ chồng truyền lại tay nghề làm bánh củ cải, gần 1 thập kỷ qua, bà Mai Thị Ngọc Hạnh (xã Mỹ Đức) làm ra nhiều khuôn bánh dùng tại gia đình và cung cấp cho người có nhu cầu. Đối với bà Hạnh, mỗi khuôn bánh giúp quảng bá hương vị món ngon của quê mình.
“So với công thức làm bánh được mẹ chồng truyền lại, tôi điều chỉnh nguyên liệu, cách chế biến để phù hợp hơn với khẩu vị nhiều người, giảm bớt thời gian chuẩn bị nguyên liệu. Nếu trước kia bột bánh đều do tự tay mẹ làm ra, thì hiện nay tôi sử dụng bột bán sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, phải cân chỉnh lượng bột cho thật thích hợp, thì bánh làm ra mới giữ đúng hương vị” - bà Hạnh chia sẻ.

Bánh củ cải
Để làm ra được bánh củ cải thơm ngon, cần có các loại nguyên liệu, như: Bột năng, bột gạo, thịt nạc, tôm khô, củ cải trắng, cà rốt, hành, ngò rí, gia vị… Mỗi nguyên liệu đều tạo nên hương vị đặc trưng của món bánh. Quá trình làm bánh gồm nhiều công đoạn, từ khâu pha bột, làm nhân, sơ chế nguyên liệu khác đi kèm. Nhân bánh được làm từ thịt nạc băm nhuyễn, ướp gia vị xào chín cùng với hành tím, tôm khô; không thể thiếu rau cần tàu để tăng mùi thơm. Riêng phần củ cải trắng, cải đỏ được rửa sạch, bào thành sợi mỏng, vắt nước, để ráo. Đây được xem là nguyên liệu chính tạo nên vị đặc trưng cho bánh củ cải.
Công đoạn quan trọng quyết định chất lượng bánh là khâu pha bột. Bột gạo và bột năng được pha theo tỷ lệ thích hợp, điều chỉnh lượng nước vừa đủ, tránh làm bột bánh bị nhão hoặc cứng sau khi hấp. Định lượng này hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm của người làm bánh. Sau khi bột pha xong, bỏ thêm gia vị, trộn với củ cải trắng, cà rốt bào sợi, cho vào khuôn hấp. Trong thời gian hấp bánh, phải canh lửa ở mức vừa phải, thường xuyên lau sạch hơi nước đọng trên nắp đậy để bánh khô ráo.
Bà Hạnh chia sẻ: “Thoạt nhìn, bánh củ cải giống bánh ướt mặn, nhưng điểm khác biệt chính là phần bột bánh được hấp cùng củ cải trắng, cà rốt cắt sợi nhỏ tạo nên vị ngon đặc trưng. Quá trình làm khuôn bánh củ cải mất nhiều thời gian ở khâu chuẩn bị nguyên liệu, nhưng khi hấp bánh chỉ 15 - 20 phút là hoàn thành”. Bánh củ cải sau khi hấp chín, còn nóng, sẽ được trải đều phần nhân tôm thịt xào chín lên mặt, rắc thêm ngò rí.
Khi ăn, bánh được cắt từng miếng nhỏ hình chữ nhật hoặc hình thoi, ăn kèm dưa giá, nước mắm chua ngọt. Một khuôn bánh thành công là phần bột mềm, thơm, tan ngay trong miệng. Sự hòa quyện rất tinh tế từ mùi hăng nồng đặc trưng của củ cải trắng, đến vị ngọt tự nhiên của tôm, thịt, vị chua, mặn hài hòa của nước mắm, cùng vị cay của ớt... tạo thành hương vị khó quên.

Đối với người dân xã Mỹ Đức, bánh củ cải không chỉ được chế biến cho bữa ăn gia đình, mà còn dùng đãi khách như một cách giới thiệu món ngon địa phương. Một khuôn bánh củ cải trọng lượng khoảng 2,8 - 3kg, được bán với giá khoảng 150.000 đồng. Nhưng không phải lúc nào muốn mua bánh củ cải là có được, người dùng cần đặt trước. Mặc dù các loại nguyên liệu làm nên bánh không cầu kỳ, nhưng chúng mang lại hương vị vừa lạ, vừa quen.
Với người dân địa phương, bánh củ cải vừa là món ăn khoái khẩu, vừa là món ngon được truyền lại từ người đi trước, chứa đựng nhiều tình cảm. Vào dịp lễ hội và hoạt động văn hóa, ngày hội bánh dân gian do các địa phương của huyện Châu Phú tổ chức, thỉnh thoảng xuất hiện món bánh này. Hương vị thơm ngon, dễ ăn khiến chúng trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều người.