Thời trang Việt ở đâu trong 'cuộc chiến' khốc liệt với thương hiệu ngoại?

Tại thị trường Việt Nam, thị phần các thương hiệu thời trang của các nhãn hiệu có tên tuổi trong và ngoài nước như Chanel, Zara, Uniqlo, H&M, Việt Tiến, Ivy, Canifa… chỉ chiếm 20%, 80% 'miếng bánh' còn lại là các nhãn hàng nhỏ lẻ hoặc không tên tuổi. Vì vậy, cơ hội cạnh tranh trong ngành hàng này còn rất lớn.

Trong tháng 8 vừa qua, nhãn hàng thời trang Uniqlo (Nhật Bản) đã mở thêm 2 cửa hàng mới tại các trung tâm thương mại Vincom Plaza Imperia (Hải Phòng) và Parc Mall (TP Hồ Chí Minh) nâng tổng số cửa hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam lên 26 cửa hàng sau gần 5 năm vận hành.

Thương hiệu ngoại "lấn sân"

Còn thương hiệu H&M sau khi ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017 đến nay đã có mặt tại 5 tỉnh, thành phố khắp cả nước với 13 cửa hàng. Mới đây, thương hiệu này chính thức ra mắt cửa hàng trực tuyến hm.com tại thị trường Việt Nam với sản phẩm dành cho mọi đối tượng khách hàng.

Các công ty như Dior, Louis Vuitton, Tiffany & Co và Berluti năm ngoái đã mở cửa hàng tại Việt Nam, trong khi nhiều thương hiệu thời trang châu Âu hợp tác với các công ty bản địa như DAFC – nhà phân phối chính của các thương hiệu cao cấp trong nước. Một số thương hiệu khác như Mango, CK, và Nike,... đã không ngừng tăng cường hiện diện của mình, mở rộng cửa hàng và các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ, qua đó tạo nên cuộc cạnh tranh gay gắt.

Sự gia nhập của nhiều thương hiệu quốc tế không chỉ mang lại cơ hội cho người tiêu dùng mà còn tạo ra sức ép lớn cho ngành thời trang Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhiều lựa chọn hơn về mặt sản phẩm, từ chất lượng đến mẫu mã bởi thị trường thời trang quốc tế đã đưa vào Việt Nam nhiều xu hướng mới, từ phong cách thiết kế, chất liệu cho đến trải nghiệm mua sắm.

Theo khảo sát gần đây của Nielsen, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sở thích tiêu dùng hàng hiệu, với gần 60% người dân sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm này, điều này không chỉ cho thấy sức hút của thời trang cao cấp mà còn tạo ra thách thức lớn cho các thương hiệu nội địa trong việc duy trì và phát triển thị phần. Dự báo quy mô thị trường thời trang Việt Nam đến năm 2028 có thể đạt 6,5 tỷ USD.

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sở thích tiêu dùng hàng hiệu, với gần 60% người dân sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm này.

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sở thích tiêu dùng hàng hiệu, với gần 60% người dân sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm này.

Ông Phùng Thanh Ngọc, đại diện Retail Hub nhìn nhận, thời trang Việt Nam luôn xuất hiện rất nhiều gương mặt mới vì đây là ngành có sự xâm nhập thị trường dễ dàng. Tuy vậy, thị trường càng đa dạng, sự cạnh tranh càng khốc liệt từ chính những nhà bán nhỏ lẻ trong nước kèm đối thủ nước ngoài.

“Để nói về xuất khẩu hàng thời trang nước ta qua các con đường khác nhau, năng lực sản xuất từ nhà máy, xưởng còn hạn chế, giá nguyên vật liệu, nguyên phụ liệu khó cạnh tranh với số lượng lớn từ các nhà bán hàng ở Trung Quốc. Những làn sóng thời trang theo xu hướng cũng bắt nguồn sớm từ Trung Quốc nên khi ta đi sau, đơn vị kinh doanh rất khó bán với giá cả hấp dẫn, mẫu mã thu hút”, ông Ngọc nhấn mạnh

Vẫn còn nhiều... 'đất diễn'

Thị trường thời trang Việt đang đối mặt với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương hiệu quốc tế. Theo thống kê, hiện tại có hơn 200 thương hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng như Chanel, Zara, H&M, và Uniqlo,... đã có mặt và không ngừng mở rộng hệ thống phân phối tại Việt Nam..

Do đó, để giành được miếng bánh thị phần trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt này, các doanh nghiệp thời trang Việt Nam cần cải thiện chất lượng sản phẩm, từ thiết kế cho đến giá cả,... để không thua kém so với hàng ngoại nhập.

Đơn cử như nhãn hiệu YODY, thành lập từ năm 2017 đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình với nhiều mẫu mã phong phú phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. YODY nổi bật với mức giá bình dân, từ 100.000 đến 600.000 đồng cho một sản phẩm, và đã mở rộng hệ thống cửa hàng lên tới hơn 270 điểm trên toàn quốc.

Một tên tuổi khác của làng thời trang Việt là Blue Exchange cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu ngoại. Xuất hiện từ năm 2001, với mạng lưới cửa hàng khủng, Blue Exchange có hơn 300 cửa hàng hiện tại trên khắp các tỉnh thành ở Việt Nam. Sở hữu một lượng khách hàng lớn, trung thành, Blue Exchange chiếm thị phần không hề nhỏ ở Việt Nam.

Với sự thiết kế đa dạng, độc đáo, Blue Exchange đã cho ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng ở Việt Nam. Đã cho ra các dòng sản phẩm cao cấp hơn về cả thiết kế và chất lượng như Blue man, Blue Lady, Vintage Blue, Premium, Redegle,.. ngoài ra hãng còn liên tục được người tiêu dùng bình luận là hàng Việt chất lượng cao trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, một câu hỏi cũng được đặt ra là các doanh nghiệp thời trang Việt Nam cần làm gì để không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong một thị trường đầy thách thức? Thực tế, sự chuyển dịch trong thói quen tiêu dùng, từ việc mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến, đã làm thay đổi cách thức kinh doanh của nhiều thương hiệu.

Do đó giới chuyên gia cho rằng, giờ là thời điểm các doanh nghiệp sẽ cần đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử, tạo ra những trải nghiệm mua sắm trực tuyến thân thiện và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng. Để cạnh tranh được với các tên tuổi lớn thế giới đang 'đổ bộ' vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp cần đổi mới phương thức quản lý và đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại. Việc chủ động trong nguồn nguyên phụ liệu và nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động cũng là những yếu tố then chốt để các thương hiệu nội địa có thể vươn lên và cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ nước ngoài.

Những phân tích trên cho thấy, sân chơi của những nhà kinh doanh thời trang Việt vẫn còn nhiều 'đất diễn' và cơ hội mở rộng thị trường ngay trong thời điểm kinh tế biến động. Tuy vậy, các thương hiệu nội địa cần tập trung tạo nên bản sắc riêng, tăng độ nhận diện thương hiệu để tránh ảnh hưởng khi bị sao chép mẫu mã, đồng thời tìm lối đi riêng trong và ngoài nước.

Với sự phát triển của nền kinh tế, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến việc mua sắm những sản phẩm thời trang chất lượng, đẹp và phong cách. Nếu như gần một thập kỷ trước, người Việt có thu nhập trên trung bình sẵn sàng chi trả cho những thương hiệu như Mango, Forever21, Zara, H&M… vì có những kiểu dáng trang phục thuận mắt, phù hợp với thị hiếu của họ thì nay họ cũng sẵn sàng trả cho các 'local brand' nếu thương hiệu Việt đáp ứng được điều đó. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhãn hàng thời trang Việt Nam phát triển và cạnh tranh trên thị trường, nhất là với các thương hiệu nhanh nhạy trong việc nắm bắt sở thích của nhóm đối tượng khách hàng mà họ đang phục vụ.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/thoi-trang-viet-o-dau-trong-cuoc-chien-khoc-liet-voi-thuong-hieu-ngoai-1102648.html
Zalo