Thời tiết lạnh buốt, cúm mùa có nguy cơ bùng phát ở miền Bắc
Thời tiết ở Hà Nội và các tỉnh thành ở miền Bắc trở lạnh là thời điểm các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp có nguy cơ bùng phát, nhất là cúm mùa.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ghi nhận mức nhiệt thấp nhất ở các tỉnh miền Bắc là 1 độ C tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Mức nhiệt này thấp hơn 1 độ so với mức thấp nhất được ghi nhận trong đợt lạnh vào cuối tháng 1.2025, cũng tại Mẫu Sơn. Trong buổi sáng, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 10 - 12 độ C.
![Các bệnh viện ở Hà Nội ghi nhận số ca mắc cúm mùa gia tăng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_287_51439757/cb97df6beb25027b5b34.jpg)
Các bệnh viện ở Hà Nội ghi nhận số ca mắc cúm mùa gia tăng
Hà Nội nhiệt độ 12 độ C, rét kéo dài cả ngày lẫn đêm. Thậm chí đến giữa trưa nhiệt độ khí tượng vẫn chỉ ở mức 17 độ C. Đáng nói, do gió mùa đông bắc thổi mạnh khiến cảm nhận của nhiều người còn lạnh hơn vài độ so với thực tế. Một số người làm việc ngoài đường thậm chí thường xuyên phải đốt lửa để sưởi ấm.
Thời tiết Hà Nội đang bước vào giai đoạn chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp kèm theo không khí ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm mùa bùng phát. Gần đây một số trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi từ cúm đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ nguy hiểm của căn bệnh tưởng chừng "quen thuộc" này. Để bảo vệ sức khỏe, người dân cần hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh cúm mùa hiệu quả.
Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024 (34.442). Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân nhiễm cúm, trong đó có một số trường hợp mắc cúm A, có bệnh nhân phải can thiệp ECMO, bệnh nhân mắc bệnh cúm trên nền bệnh lý khác.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận một số ca mắc cúm nặng. Cũng trong những tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ghi nhận số ca mắc cúm mùa tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần, phòng khám khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại của Bệnh viện này tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm A (được khẳng định bằng xét nghiệm) tới khám. Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong tháng 1 cao gấp 6 lần so với tháng 12.2024.
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn mùa đông xuân, là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh như cúm mùa, sởi, sốt phát ban... Đặc biệt, số ca mắc bệnh cúm gia tại những bệnh viện lớn có khả năng liên quan tới việc di chuyển nhiều cũng như thay đổi điều kiện sinh hoạt trong giai đoạn Tết vừa qua của người dân.
Trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài, Sở Y tế Hà Nội vừa đề nghị các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tăng cường hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại.
Theo hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cho cộng đồng và người lao động của Bộ Y tế, một số vấn đề sức khỏe người dân thường gặp trong mùa lạnh như: Cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu...
Nguyên nhân chủ yếu là do người dân phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh hoặc do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm: người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng; người mắc các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp...).
Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý, các biện pháp dự phòng được đưa ra cho từng đối tượng cụ thể, trong đó có dự phòng nhiễm độc khí CO (carbon monoxide) trong nhà và bảo đảm an toàn khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm bằng điện cũng như một số chú ý các biểu hiện của cơ thể.
"Các cơ sở y tế trên địa bàn TP rà soát, đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp. Tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo quy định", Sở Y tế TP nhấn mạnh.