Thời tiết khắc nghiệt, người trồng chè gặp khó

Thời tiết khắc nghiệt, nhiều tháng trời không mưa và nguồn nước tưới khan hiếm đã khiến cây chè ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị chết khô, không thể phục hồi. Tại các vùng chè chủ động được nguồn nước tưới, bà con tuân thủ đúng kỹ thuật chăm sóc nhưng năng suất, sản lượng cũng giảm so với những năm trước.

Một vườn chè ở xóm Cầu Găng, xã Văn Yên, Đại Từ, chết khô do thiếu nước.

Một vườn chè ở xóm Cầu Găng, xã Văn Yên, Đại Từ, chết khô do thiếu nước.

Đi dọc đường theo dòng suối Cái trên địa bàn xã Văn Yên (Đại Từ), không khó để chúng tôi bắt gặp những bãi chè chết khô toàn bộ hoặc cháy sém nham nhở. Bà Nguyễn Thị Tân, xóm Cầu Găng, than thở: Tôi đã tưới nước nhiều lần nhưng không thấm vào đâu, nhà trồng 2 sào chè thì bị chết hơn một nửa. Năm nay hạn hán quá, tôi chưa thấy chè chết khô thế này bao giờ.

Được biết, xã Văn Yên có hơn 130ha đất trồng chè. Đây là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính của hơn 50% hộ dân trong toàn xã. Những năm qua, Văn Yên đã tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cây chè, nhất là vận động bà con liên kết thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, canh tác chè theo tiêu chuẩn VietGAP hướng hữu cơ. Tuy nhiên, năm nay thời tiết khắc nghiệt, khiến năng suất, sản lượng chè trên địa bàn giảm mạnh, làm nhiều nông dân thất thu.

Theo thống kê sơ bộ, Văn Yên có khoảng 1,5ha chè bị chết khô hoàn toàn hoặc cháy rải rác tại xóm Núi, Giữa 1 và Bầu. Theo anh Vũ Văn Thư, Chủ tịch Hội Nông dân xã: Các vườn chè này vốn là đất soi, nằm ven suối Cái, trên là đất màu, bên dưới có nhiều đá. Nếu thời tiết mưa thuận lợi như những năm trước thì chè rất tốt, nhưng hạn hán kéo dài như năm nay cây chè rất khó chống chịu.

Theo ông Vũ Văn Cậu, Trưởng xóm Cầu Găng, diện tích chè bị chết tập trung tại các hộ không chuyên sâu làm chè, vẫn canh tác hoàn toàn theo phương thức truyền thống như phun thuốc trừ sâu, bón phân vô cơ trực tiếp lên gốc chè…

Trước tình trạng này, Hội Nông dân xã đã phối hợp với cán bộ khuyến nông rà soát, hướng dẫn các hộ tiếp tục phun tưới, bổ sung dinh dưỡng cho cây, đợi thời tiết thuận lợi để trồng lại chè…

Những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 là thời gian khó khăn với người trồng chè do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và sau đó là thời gian dài không có mưa. Trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt, nhiều gia đình, đặc biệt là hợp tác xã phát triển chuyên sâu về chè, chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đã nỗ lực thích ứng bằng cách chủ động nguồn nước tưới, tăng cường chế độ dinh dưỡng cho cây bằng phân bón và chế phẩm vi sinh… Nhờ vậy, diện tích chè vẫn duy trì, phát triển, nhưng năng suất, sản lượng thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Nhờ chủ động nguồn nước tưới, giữ ẩm thường xuyên và bón phân hữu cơ vi sinh nên vườn chè của gia đình ông Nguyễn Xuân Khu (xã Khe Mo, Đồng Hỷ) vẫn phát triển, dù năng suất giảm 40% so với năm trước.

Nhờ chủ động nguồn nước tưới, giữ ẩm thường xuyên và bón phân hữu cơ vi sinh nên vườn chè của gia đình ông Nguyễn Xuân Khu (xã Khe Mo, Đồng Hỷ) vẫn phát triển, dù năng suất giảm 40% so với năm trước.

Anh Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc HTX chè an toàn Phú Đô (Phú Lương), thông tin: HTX đang sản xuất trên diện tích 15ha, do chè được phun tưới thường xuyên và bón phân hữu cơ tự ủ từ than sinh học, phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp nên vẫn phát triển. Tuy nhiên, mọi năm thời điểm này chè xuân tốt, giống chè lai LPD1 búp dày, sản lượng còn cao hơn vụ chính. Nhưng năm nay chè chậm lên, mật độ búp thưa, sản lượng giảm 60-70%. Riêng với diện tích 7.000m2 của gia đình giảm từ 250-300kg chè tươi nguyên liệu. Tuy nhiên càng khó khăn mình càng phải tìm cách khắc phục vì mình đã chọn gắn bó với cây chè rồi, anh Tuấn chia sẻ.

Còn tại HTX chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), những đồi chè được bón phân, đốn từ trước Tết nhưng thời điểm này vẫn nguyên dạng như lúc mới đốn. Chị Phạm Thị Thủy, Giám đốc HTX, cho biết: Nếu thời gian tới có mưa thì chè sẽ sớm cho thu hái, song theo dự đoán của tôi năng suất cũng giảm khoảng hơn 50% so với năm ngoái.

Thái Nguyên có 260 nghìn hội viên nông dân, trong đó hơn 91.000 hộ trồng, sản xuất chế biến chè. Năm 2024, tỉnh đã phát triển được vùng nguyên liệu sản xuất với quy mô 22.200ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 270 nghìn tấn/năm. Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, chè bị chết, hay kém phát triển tập trung ở chủ yếu là chè lai, chè trồng trên đất pha cát, đá; không chủ động được nguồn nước mà chủ yếu dựa vào nước mưa, sông suối; chè không được đầu tư, chăm sóc đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật do cơ quan chuyên môn khuyến cáo…

Sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất chè nói riêng không thể tránh khỏi tác động mạnh từ thời tiết. Điều nông dân có thể làm là thay đổi thói quen canh tác, tăng cường biện pháp sinh học; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật theo hướng phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, cân bằng hệ sinh thái cây trồng; tạo ra những vùng che bóng phù hợp cho cây chè, giúp điều chỉnh độ ẩm và tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài…

Để cây chè thích ứng được với thời tiết hạn hán kéo dài, nhiều nông dân cũng kiến nghị mong muốn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng đập chứa nước, hoặc giếng khoan công nghiệp, hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới và cung cấp nguồn điện đảm bảo để có thêm điều kiện chăm sóc chè…

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202502/thoi-tiet-khac-nghiet-nguoi-trong-che-gap-kho-ef30e6f/
Zalo