Kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên: Không còn phù hợp
Bên cạnh thay đổi chính sách về dân số, cần có chính sách khuyến sinh thiết thực để bảo đảm mức sinh thay thế
Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Bộ Y tế thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc sơ kết thực hiện Nghị quyết 21/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới và sửa đổi các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến chính sách dân số.
Trao quyền tự quyết số con
Theo đó, Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu sửa đổi quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan việc xử lý vi phạm chính sách dân số và chủ động sửa đổi Hướng dẫn số 05 ngày 22-11-2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, đồng bộ với việc sửa đổi các quy định của pháp luật; không hồi tố những trường hợp đã bị xử lý kỷ luật.

Nên trao cho các cặp vợ chồng quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh .Ảnh: HẢI YẾN
GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng việc xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên không còn phù hợp với tình hình mức sinh thấp trong nhiều năm qua. Việc trao quyền tự quyết số con cho các cặp vợ chồng là phù hợp với Hiến pháp năm 2013; điều kiện kinh tế - xã hội, thế hệ dân số mới; hội nhập quốc tế sâu rộng và bài học từ các nước có mức sinh thấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
"Việc trao cho các cặp vợ chồng quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh cũng phù hợp với Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước Cedaw) mà Việt Nam đã ký kết" - GS Cử nói thêm.
19 năm qua, Việt Nam có mức sinh thấp, trong đó có tới 15 năm mức sinh dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ). Đặc biệt, năm 2023, mức sinh bình quân toàn quốc là 1,96 con/phụ nữ; năm 2024 chỉ còn 1,91 con/phụ nữ.
Từ thực tế trên, GS Cử nhấn mạnh để nâng cao mức sinh, duy trì mức sinh thay thế, việc chỉ thay đổi chính sách về dân số (gỡ bỏ quy định sinh 1 hoặc 2 con) là chưa đủ mà cần hệ thống chính sách khuyến khích, hỗ trợ các gia đình nuôi con nhỏ, như: trợ cấp tiền, nhà ở, thời gian nghỉ sinh con và thời gian làm việc linh hoạt của cả vợ và chồng khi nuôi con nhỏ; phát triển cơ sở dịch vụ dành cho các gia đình trẻ, đặc biệt là nhà trẻ.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách dân số
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 19-2, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số - Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế đang trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025. Trong đó, nội dung duy trì mức sinh thay thế là chính sách quan trọng. "Việc này rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới" - ông Dũng nhìn nhận.
Theo ông Dũng, dự thảo Luật Dân số quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách dân số; góp phần khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng; tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, làm chậm quá trình già hóa dân số; gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát triển đất nước bền vững.
Ông NGUYỄN TRỌNG TÍNH, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn - LĐLĐ TP HCM: Cần hoạch định chính sách dân số
Việc sửa đổi quy định liên quan đến xử lý vi phạm chính sách dân số phù hợp với quy định chung hiện nay là rất hợp lý.
Trong bối cảnh mức sinh thấp, từng tỉnh, thành nên có chính sách khuyến khích hợp lý để nâng cao tỉ lệ sinh vì trong một thời gian dài cán bộ, đảng viên, người dân đã quen thuộc với câu "mỗi gia đình chỉ nên có 2 con".
Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, kết nối đồng bộ dữ liệu về con người để đánh giá chính xác biến động về dân số, phục vụ chính xác, kịp thời, hiệu quả công tác hoạch định, triển khai các chính sách dân số trong thời gian tới.
Bà TRẦN THỊ HỒNG - đảng viên, đang công tác tại TP HCM: Nới rộng nhưng cần kiểm soát
Việc sinh con thứ 3 trở lên không được xem là hành vi vi phạm kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên phù hợp với xu hướng chính sách dân số linh hoạt của nhiều quốc gia và mang lại nhiều tác động tích cực, như nâng cao tỉ lệ sinh, cân bằng cơ cấu dân số, bảo đảm nguồn lao động trong tương lai.
Tuy nhiên, chính sách mới này cũng có thể tiềm ẩn một số nguy cơ. Cụ thể, nếu không kiểm soát mức sinh hợp lý, một số khu vực đô thị hoặc vùng có mật độ dân số cao có thể đối mặt áp lực lớn hơn về cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục… Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, miền núi, tỉ lệ sinh vượt mức kiểm soát có thể gây khó khăn trong việc triển khai chính sách an sinh xã hội.
Bà TÔ THỊ NGỌC THỦY - Phó Bí thư Đảng ủy phường 1, quận 6, TP HCM: Giải tỏa áp lực cho đảng viên
Việt Nam đang đối mặt với thách thức già hóa dân số. Tỉ lệ sinh giảm thấp hơn mức thay thế, gây áp lực lớn đến hệ thống lao động và an sinh xã hội trong tương lai.
Thời gian qua, khi tham gia các buổi xử lý kỷ luật với trường hợp đảng viên sinh con thứ 3, hầu hết đều là có con ngoài ý muốn. Bản thân họ không chỉ chịu áp lực kinh tế mà còn cả tinh thần. Vì vậy, tôi đồng tình với việc bãi bỏ các quy định cấm hoặc xử lý kỷ luật việc sinh con thứ 3, nhằm tạo động lực khuyến khích người dân tăng tỉ lệ sinh, đặc biệt là trong các khu vực có tỉ lệ sinh thấp.
H.Đào - T.Nga - L.Vĩnh ghi