Thời tiết chuyển mùa, cúm gia tăng, bệnh nhân tim mạch cần lưu ý gì?
Miền Bắc đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, sắp tới có thể xuất hiện tình trạng nồm ẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là cúm mùa, lây lan nhanh chóng. Đáng lo ngại hơn, số ca mắc cúm ngày càng gia tăng, trong đó những người có bệnh lý nền như tim mạch là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_204_51469491/537b2bcb1a85f3dbaa94.jpg)
Ảnh minh họa.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, cúm mùa không chỉ làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh nhân suy tim mà còn làm tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch. Khi mắc cúm, cơ thể sẽ sốt, mất nước, tăng nhu cầu oxy, khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này có thể dẫn đến suy tim cấp mất bù, rối loạn nhịp tim hoặc thậm chí viêm cơ tim cấp – một tình trạng nguy hiểm có thể gây suy tim tiến triển nhanh chóng. Ngoài ra, cúm cũng có thể kích hoạt phản ứng viêm hệ thống, làm tăng nguy cơ rối loạn đông máu, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ ở bệnh nhân tim mạch.
Những lưu ý quan trọng cho bệnh nhân tim mạch trong mùa cúm
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch trong mùa cúm, bệnh nhân cần đặc biệt chú ý đến ba vấn đề chính: chế độ thuốc, sinh hoạt và dinh dưỡng.
Về thuốc men, cần duy trì đúng liều lượng các loại thuốc tim mạch như thuốc huyết áp, chống đông, statin, không tự ý ngừng thuốc. Một số loại thuốc hạ sốt, giảm đau như nhóm NSAID (ibuprofen) hoặc corticoid có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng suy tim và tăng huyết áp, vì vậy trước khi sử dụng, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Nếu bị sốt cao hoặc mất nước, người bệnh cần theo dõi sát các triệu chứng và báo ngay cho bác sĩ tim mạch để điều chỉnh thuốc giãn mạch hoặc lợi tiểu nếu cần thiết.
Về sinh hoạt, tiêm vaccine cúm hàng năm là biện pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế biến chứng nặng. Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và hạn chế đến những nơi đông người. Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày và tránh gắng sức cũng là những điều cần thiết để bảo vệ tim mạch trong mùa dịch.
Về chế độ ăn uống, bệnh nhân tim mạch cần tăng cường hệ miễn dịch bằng cách bổ sung vitamin C (có trong cam, ổi), kẽm (có trong các loại hạt và thịt) và tỏi. Cung cấp đủ nước (1.5 - 2 lít/ngày) giúp cơ thể giữ cân bằng dịch, hạn chế tình trạng mất nước do sốt. Ngoài ra, kiểm soát huyết áp bằng cách ăn nhạt, giảm mỡ động vật, tăng cường rau xanh và cá cũng là điều quan trọng.
Cần làm gì khi bệnh nhân tim mạch mắc cúm
Nếu bệnh nhân tim mạch không may mắc cúm, cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ truyền nhiễm và đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ tim mạch về việc có cần điều chỉnh thuốc hay không. Đặc biệt, cần tái khám ngay nếu xuất hiện các triệu chứng như nhịp tim nhanh kéo dài, khó thở, đau ngực hoặc phù chân.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài nhấn mạnh rằng bệnh nhân tim mạch rất nên tiêm vaccine cúm hàng năm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêm vaccine có thể giúp giảm từ 15-45% nguy cơ biến cố tim mạch, kể cả với bệnh nhân suy tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành hay bệnh cơ tim. Tuy nhiên, trước khi tiêm, người bệnh cần được bác sĩ tim mạch kiểm tra để đảm bảo huyết áp ổn định và không có tình trạng cấp cứu về tim mạch. Những bệnh nhân có huyết áp quá cao hoặc suy tim mất bù không nên tiêm cho đến khi tình trạng sức khỏe được kiểm soát tốt hơn. Đồng thời, bệnh nhân nên lựa chọn vaccine cúm bất hoạt để đảm bảo an toàn, tránh vaccine sống giảm độc lực.