Thời sự 24h ngày 21/4/2025: Tiếp tục xem xét nhiều nội dung cấp bách trong đợt 2, phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Bản tin cập nhật những vấn đề thời sự nổi bật: Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp đợt 2; Bộ Y tế yêu cầu làm rõ các vụ bạo hành trẻ em ở Bắc Ninh và Bến Tre; Tuyên án Trương Mỹ Lan và đồng phạm ở tòa phúc thẩm giai đoạn 2; Bắt đầu mở cao điểm xử lý vi phạm an toàn giao thông trên toàn quốc; Nga không gia hạn lệnh ngừng bắn sau lễ Phục sinh
· Đợt 2, phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 22 đến ngày 28/4. Trong chương trình làm việc kéo dài 7 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp tục nâng lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo và việc thực hiện các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với sắp xếp bộ máy, miễn giảm học phí. Cùng với đó là dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn và tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và địa phương sau sáp nhập tỉnh.
· Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bến Tre và Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan có liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương theo dõi, thực hiện hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo hành trong vụ việc. Xử lý kịp thời, nghiêm minh đối tượng có hành vi vi phạm quyền trẻ em. Đồng thời xem xét việc xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức chậm trễ trong việc xử lý vụ việc (nếu có). Các đơn vị báo cáo kết quả về Cục Bà mẹ và Trẻ em trước ngày 25/4.
· Thông tin từ Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tính đến ngày 18/4, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được hơn 201.650 căn. Tính từ thời điểm phát động phong trào, từ con số cả nước còn khoảng hơn 400.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng”, đến nay đã có hơn 200 nghìn căn đã được xây dựng. Hơn 153.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến nay chỉ còn hơn 34.700 căn. Đây là nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp và các địa phương trong việc kết nối nguồn lực, vận động các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ, góp công, góp của cho chương trình.
· Sáng 21/4, tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên án vụ Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm tại giai đoạn 2 của vụ án. Hội đồng xét xử phúc thẩm giai đoạn 2 giảm án tù chung thân của bị cáo Trương Mỹ Lan xuống 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.000 tỉ đồng của trái chủ; y án 12 năm tù tội rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng; y án 8 năm tù tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 106.000 tỉ đồng. Tổng hợp hình phạt mà bị cáo Lan phải lãnh ở giai đoạn 2 là 30 năm tù. Tuy nhiên, ở giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Lan đã bị tuyên án tử hình nên tòa buộc Trương Mỹ Lan chấp hành hình phạt chung là tử hình. Các bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên phạt từ 1 năm 3 tháng tù đến 15 năm tù.