Thói quen của ba
Tôi từng nghĩ, thói quen chỉ là những điều vụn vặt, lặp lại ngày qua ngày, chẳng mấy ai để ý. Nhưng rồi, càng lớn, càng xa nhà, tôi mới thấm: chính những điều tưởng chừng vô nghĩa ấy lại là sợi dây âm thầm kết nối tôi với một người - một miền ký ức - một dáng hình mãi mãi thân thương.
Thói quen của ba tôi là dậy sớm. Bốn rưỡi sáng, khi cả nhà còn cuộn tròn trong giấc ngủ, ba đã trở mình thức dậy. Không cần báo thức. Sáng nào cũng vậy. Bất kể mùa đông lạnh tê chân hay mưa phùn rả rích, ba vẫn đều đặn khoác áo gió, đội mũ cối, xỏ giày và ra khỏi nhà đi thể dục.
Ngày trước, khi chưa có điện thoại thông minh, ba mang theo bên mình chiếc radio nhỏ. Tôi vẫn nhớ như in cái radio màu xám bạc, to bằng bàn tay người lớn, có dây đeo bằng vải dù đã sờn. Ba vừa đi bộ vừa nghe ca nhạc hoặc bản tin thời sự phát lại. Âm thanh đều đều ấy như đi theo suốt thời thơ ấu của tôi, lẫn trong tiếng gà gáy, tiếng gió lùa qua hàng cau... Vài năm trở lại đây, ba chuyển sang dùng điện thoại. Mỗi sáng, ba bật podcast, nghe các kênh chia sẻ về sức khỏe, dưỡng sinh, kỹ năng sống, hay những câu chuyện tích cực. Có hôm, trong bữa cơm, ba kể cho cả nhà nghe về bài tập thở sâu giúp phổi khỏe, về cách ăn uống cân bằng, hoặc chuyện một bác sĩ già tận tâm ở đâu đó ngoài miền Trung. Chúng tôi vừa nghe vừa bật cười vì sự say mê của ba. Nhưng trong lòng, ai cũng thấy ấm áp và thầm phục, vì ở tuổi lục tuần, ba vẫn không ngừng học hỏi và duy trì những thói quen lành mạnh.
Ba hay bảo: “Không rèn luyện thì không có sức mà sống khỏe. Mới bốn mươi đã than mỏi gối đau lưng, đến sáu mươi, bảy mươi tuổi lấy gì để mà sống vui?”. Câu nói tưởng nhẹ tênh ấy, lúc bé tôi nghe hoài mà chẳng để tâm. Chỉ đến khi đi làm, cơ thể bắt đầu “lên tiếng” mỗi khi trái gió trở trời, tôi mới giật mình nhớ lại lời ba. Sức khỏe, hóa ra không phải điều tự nhiên có, mà là thứ cần nuôi dưỡng từ lối sống chừng mực mỗi ngày.
Có lần tôi về quê, trời mưa kéo dài nhiều ngày. Sáng sớm, tôi còn co mình trong chăn thì đã thấy bóng ba thấp thoáng ngoài sân, tay che ô, chậm rãi bước ra ngõ. Tôi gọi với theo: “Mưa vậy mà cũng đi thể dục hả ba?”. Ba chỉ cười: “Càng già càng phải vận động đều. Một hôm lười, hôm sau người nó trì trệ liền”.
Nhiều khi tôi nghĩ, có lẽ thói quen ấy là cách ba yêu thương gia đình. Một tình yêu không ồn ào, không hoa mỹ nhưng bền bỉ và vững chãi. Ba không nói nhiều, không giỏi biểu lộ tình cảm. Nhưng bằng việc gìn giữ sức khỏe, sống điều độ và lạc quan, ba lặng lẽ gánh phần mình trong nhà - như một cột trụ âm thầm mà kiên định.
Có một hôm, tôi mất ngủ và thức dậy sớm. Trời chưa sáng hẳn, sân còn đọng sương. Qua cửa sổ, tôi thấy ba. Ba đang đứng giữa sân, duỗi tay, hít thở sâu, rồi thong thả đi từng bước quanh sân như thể đang bước giữa một khoảng trời riêng. Không ánh đèn. Không âm thanh. Chỉ một người đàn ông sống trọn với một buổi sớm bình yên. Tôi lặng đi. Lần đầu tiên, tôi không còn thấy đó là thói quen - mà là một vẻ đẹp. Một vẻ đẹp đến từ sự đều đặn, từ tinh thần chủ động chăm sóc chính mình và cả những người mình thương.
Từ hôm đó, tôi cũng tập dậy sớm hơn, để tự tạo cho mình một thói quen. Có khi chỉ đi bộ vài vòng, có lúc thì ngồi bên hiên đọc vài trang sách, ngắm nắng sớm loang trên tường và hít hà mùi cây cỏ sau mưa. Một thói quen nhỏ, nhưng đủ khiến tôi nhớ tới ba mỗi sớm mai.
Thói quen của ba dần lan sang những người trong nhà. Mẹ cũng dậy sớm pha trà rồi đi bộ vài vòng với ba. Tôi và chị gái bắt đầu chú ý hơn đến chuyện ăn uống, tập hít thở, ngủ sớm. Không ai bảo ai, tự cảm nhận rồi điều chỉnh. Có lẽ chính sự kiên định của ba đã truyền cảm hứng, âm thầm mà mạnh mẽ.
Một thói quen của ba duy trì suốt bao năm, bỗng trở thành ký ức lớn trong lòng con cái. Và tôi biết, mai này khi không còn nghe tiếng cửa mở khe khẽ mỗi sáng, không còn thấy bóng dáng ba bước chậm rãi ngoài sân, lòng tôi sẽ thổn thức nhớ ba đến nghẹn ngào. Nhưng ngay lúc này, khi ba còn đó với những thói quen giản dị mỗi ngày, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn vô cùng, vì ba đã dạy chúng tôi cách sống mạnh mẽ, kiên cường và tự biết yêu thương bản thân.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!