Thời hoa lửa trong ký ức người ở lại

Giữa hào khí hân hoan của đại lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), tôi may mắn được gặp những cựu chiến binh xã Tân Trịnh (Quang Bình) đã từng góp mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Từng câu chuyện như hiện lên cả một thời hoa lửa, khí thế sục sôi, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của những người lính năm xưa.

Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng trong tâm tưởng của cựu chiến binh Đinh Thế Khoa (sinh 1941), thôn Tân Tiến, xã Tân Trịnh, một nhân chứng sống của lịch sử, người lính đã từng bước qua làn ranh sinh tử, không bao giờ quên về những năm tháng cầm súng chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Ông xúc động kể lại: “Cũng như bao lớp thanh niên ưu tú của tỉnh Hà Giang, ngày ấy, chúng tôi mang theo lời thề sắt son và niềm tin tất thắng xung phong lên đường ra mặt trận. Tôi tham gia bộ đội từ năm 1961 - 1970 và thực hiện nhiệm vụ của người lính Pháo binh. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị đến tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Cựu chiến binh xã Tân Trịnh (Quang Bình) tích cực tham gia xây dựng quê hương phát triển giàu đẹp, văn minh.

Cựu chiến binh xã Tân Trịnh (Quang Bình) tích cực tham gia xây dựng quê hương phát triển giàu đẹp, văn minh.

Đến giờ, ông Khoa không thể nhớ hết được mình đã có mặt ở bao nhiêu trận đánh, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thì ông nhớ mãi. Sau khi chi viện lực lượng cho bộ binh đánh chiếm, chốt giữ các căn cứ trong thành phố Huế, đơn vị ông quay ra đánh trận Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị) để ngăn chặn sự tiếp tế của Mỹ bằng đường sông. Năm đó rất ác liệt, ta làm cho địch phải khiếp sợ. Việc sử dụng hỏa lực mặt đất, cùng với khả năng tác chiến độc lập, tác chiến hợp đồng quân binh chủng, lực lượng pháo binh cùng các mũi tiến công đã phá hủy rất nhiều xe cơ giới và pháo hạng nặng, kho hậu cần, tàu vận tải lớn của địch.

Sau các trận đánh, đơn vị của ông Khoa tiếp tục bám trụ rừng sâu. Có lần, trời mưa lớn liên miên, các khe suối dâng nước chặn hết đường đi lấy lương thực, anh em phải nhịn đói dài ngày, đến mức nhiều người kiệt sức. Trong hoàn cảnh đó, ông cùng đồng đội đã nỗ lực lết hết sức có thể về bệnh viện dã chiến gần biên giới Lào để được các bác sỹ chăm sóc, điều trị hồi sức. Kể đến đây, trái tim người lính già nghẹn lại khi nhắc đến những đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường: “Khó khăn, gian khổ là vậy, may mắn còn sống nhưng không ai trong chúng tôi quên được sự hy sinh, mất mát to lớn ấy. Máu, xương của đồng đội đã đổ xuống để đất nước hòa bình, thống nhất, tươi đẹp như hôm nay”.

Cựu chiến binh Đinh Thế Khoa, thôn Tân Tiến, xã Tân Trịnh (Quang Bình) xúc động kể lại ký ức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường miền Nam.

Cựu chiến binh Đinh Thế Khoa, thôn Tân Tiến, xã Tân Trịnh (Quang Bình) xúc động kể lại ký ức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường miền Nam.

Góp sức mình cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Nguyễn Thị Xuân, thôn Vén, xã Tân Trịnh nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khoác ba lô lên đường nhập ngũ khi 19 tuổi. Bà làm nhiệm vụ của người lính Quân y dọc từ tỉnh Thanh Hóa đến cầu Hiền Lương (Quảng Trị) để tiếp nhận, sơ cứu vết thương ban đầu cho các chiến sỹ bị thương, rồi chuyển ra miền Bắc điều trị. Việc cứu chữa, chăm sóc thương binh ngay tại chiến hào, dưới làn mưa bom, đạn pháo, đòi hỏi lòng dũng cảm, kiên trì, bởi vậy, bà luôn tự nhủ không bao giờ được chùn bước.

Trong một lần vận chuyển thương binh, bà Nguyễn Thị Xuân đã gặp ông Nguyễn Văn Mứ, khi đó ông cũng là một chiến sỹ bị thương. Họ tìm thấy nhau ở sự đồng cảm, sẻ chia, lý tưởng sống cao đẹp và nên duyên vợ chồng. Sau này, ông bà cùng nhau trở về quê hương xây dựng cuộc sống. Dẫu mang trong mình những vết thương trên da thịt, nhưng với tình yêu được tôi luyện qua khói lửa chiến tranh, ông bà đã nắm chặt tay nhau đi qua mọi khó khăn, nuôi dạy con, cháu trưởng thành, tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình cách mạng.

Tròn 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, ký ức về những ngày tháng lửa đạn vẫn nguyên vẹn trong lòng người lính đã từng đi qua chiến tranh. Những cựu chiến binh như ông Khoa, bà Xuân sẽ mãi là những nhân chứng sống, là tấm gương về sự kiên cường, tận tụy và lòng yêu nước, giúp mỗi chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, tự do, độc lập để ra sức thi đua học tập, lao động, cống hiến vì sự phát triển của quê hương, đất nước.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc/202505/thoi-hoa-lua-trong-ky-uc-nguoi-o-lai-5db1a79/
Zalo