Những dòng chữ từ máu và nước mắt

Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều chiến sĩ cách mạng và người dân đã viết quyết tâm thư bằng cả trái tim, máu và nước mắt. Những dòng chữ tuy ngắn gọn nhưng thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giành hòa bình, độc lập cho dân tộc.

Chung một lời thề

Lòng yêu nước nồng nàn, sục sôi ý chí căm thù giặc... tất cả đều được gói gọn trong quyết tâm thư của các chiến sĩ cách mạng và người dân. Những dòng chữ tuy ngắn gọn nhưng tựa như ngọn lửa rực cháy, thôi thúc mỗi người mạnh mẽ đứng lên quyết chiến, quyết thắng để giành hòa bình, độc lập cho dân tộc. Quyết tâm thư được viết trên chiếc khăn tay, hay mảnh vải nhỏ chỉ đủ để viết đôi, ba chữ, và có những dòng chữ được viết bằng máu, viết trong nỗi đau tột cùng bởi chiến tranh...

Quyết tâm thư tại Đại hội Đảng bộ huyện Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ) lần thứ hai với sự tham dự của 72 đại biểu là 72 chữ ký với lời cam kết: “Chúng tôi 72 đại biểu thay mặt cho toàn đảng viên và nhân dân Đức Phổ dự Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ 2, sau khi thảo luận nhiệm vụ của Đảng trong Đông Xuân 1968 - 1969 đồng hạ quyết tâm: 1. Ra sức phát huy truyền thống quê hương đồng khởi, đánh thắng 2 mùa khô. Kiên quyết xông lên giải phóng quận lỵ, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. 2. Thề hy sinh tất cả, sẵn sàng đổi máu xương lao thẳng về phía trước, diệt ác, phá kèm, phá đồn đưa dân về chỗ cũ, giành chính quyền làm chủ toàn bộ vùng tạm kẹp”.

Học sinh tham quan Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG LÝ

Học sinh tham quan Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG LÝ

Vượt qua nhiều hy sinh, gian khổ, quân và dân Đức Phổ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Ban Thông tin truyền thông xã Phổ Văn đã viết nhiều bài ca dao vận động thanh niên địa phương tòng quân cứu nước: “Làm trai cho đáng nên trai/Hiểm nguy đâu sợ, chông gai sá gì/ Giặc còn bắn giết đồng bào/ Ra đi đòi nợ máu đào này anh”. Ban Thông tin truyền thông xã Phổ Minh nêu cao tinh thần đánh giặc qua khẩu hiệu: “Dân ta có một lời này/ Thề cùng giặc Mỹ có mày không tao/ Một lời nói tựa nhát dao/ Thề cùng giặc Mỹ có tao không mày". Hay bài thơ “Không tiếc máu xương” của chiến sĩ Trần Huệ, ở xã Phổ Văn do Ban Ấn loát Phổ Văn in: “Thanh niên không tiếc máu xương/ Lên đường nhập ngũ diệt phường sói lang/... Nhân dân chung sức chung lòng/ Quyết tâm đánh Mỹ xây đời ấm no”.

Trung đội I, đơn vị 219 bộ đội địa phương Quảng Ngãi đóng tại thôn An Trường, xã Phổ Minh (Đức Phổ) cũng có quyết tâm thư. Mở đầu, quyết tâm thư ghi rõ: “Sổ quyết tử của Trung đội I/ Ngày 24-10-1966/ Vì lợi ích của dân tộc/ Vì Tổ quốc thống nhất/ Vì ruộng đất dân cày/ Quyết tử cho dân tộc”. Trong quyết tâm thư này, chiến sĩ Văn Ngọc Chiến đã vẽ một cành hoa tô màu chì gỗ với dòng chữ “Thề quyết tử với đế quốc Mỹ”. Chiến sĩ trẻ Phan Tấn Long viết: “Tôi: Phan Tấn Long/Biệt danh: Phan Tấn Vũ/ Sinh ngày: 26/11/1945/ Tôi một người quân dân/Trong quân đội giải phóng/Tôi xin thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ngày 11/1/1967, Đảng bộ xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) có quyết tâm thư nêu rõ: "Quyết tâm sắt đá của Hội nghị Chi bộ Tịnh Sơn/ Quyết thắng kế hoạch mùa khô lần thứ hai của đế quốc Mỹ/ Tuân theo lời Bác và lời kêu gọi của Tỉnh ủy. Không có gì quý hơn độc lập tự do/ Thà hy sinh tất cả quyết không chịu làm nô lệ/ Để xứng đáng là con em Tịnh Sơn anh hùng/ Là đội xung kích xé xác rồng xanh phanh thây giặc Mỹ/ Chúng tôi xin thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Sau trận Ba Gia, Vạn Tường năm 1965, các cán bộ, chiến sĩ mừng chiến thắng. Trên tấm vải sita trắng ố vàng nhuộm màu thời gian là những dòng quyết tâm thư đầy cảm động của các chiến sĩ Trung đoàn Ba Gia - Vạn Tường gửi đến cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn I Bình Giã viết ngày 11/9/1965: “Hứa bắt tay với các đồng chí đoàn kết thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nguyện phát huy truyền thống “dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng”,... quyết giành thắng lợi to lớn hơn nữa vì sự nghiệp “giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc và các dân tộc trên thế giới”.

Quyết trả nợ nước, thù nhà

Trên chiến trường Bình Sơn và Sơn Tịnh, cuối năm 1966 - 1967, các đơn vị tinh nhuệ của Mỹ và chư hầu lần lượt kéo đến. Lữ đoàn lính thủy đánh bộ Nam Triều Tiên mang tên “Rồng Xanh” đóng tại hai cứ điểm Bình Sơn, Sơn Tịnh, đã gây ra nhiều đau thương cho nhân dân. Lá thư của những phụ nữ xã Bình Hòa (Bình Sơn) được viết bằng mực xanh, trên nền giấy caro trắng gửi các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam kêu gọi trả thù cho 400 đồng bào: “Ngày 5 và 6 tháng 12 năm 1966, tại xã Bình Hòa chúng tôi, bọn lính đánh thuê Pắc Chung Hy đã gây ra vụ tàn sát man rợ, cùng một lúc sát hại 400 người, hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em, có nhiều em bé từ 7 đến 10 tuổi. Bọn chúng đi đến đâu gieo đau thương tang tóc đến đó”.

Tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh hiện đang trưng bày chiếc khăn tang, bên trên có ghi thành tích của nhân dân xã Bình Hòa gửi Tiểu đoàn 84, Tỉnh đội Quảng Ngãi thể hiện ý chí quyết trả thù giặc đã giết hại người dân trong vụ thảm sát Bình Hòa, tháng 12/1966.

Các quyết tâm thư được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 5, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG LÝ

Các quyết tâm thư được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 5, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG LÝ

Bốn mươi chiến sĩ thuộc Đơn vị Thông tin tỉnh Quảng Ngãi đã viết quyết tâm thư bằng máu vào tháng 11/1966, quyết tâm trả thù cho đồng bào Bình Sơn, Sơn Tịnh. Quyết tâm thư đang được trưng bày tại Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh. Trong lá thư gửi cho Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh năm 2018, Thiếu tướng Lê Văn Sanh, một trong những chiến sĩ ngày ấy đã tự chích máu của mình ghi tên trên quyết tâm thư cho biết, bức quyết tâm thư bằng máu trải qua thời gian thăng trầm cùng lịch sử đất nước, xông pha trên khắp chiến trường từ Nam chí Bắc. Sau gần 30 năm, duyên kỳ ngộ, ông đã nhìn thấy bức quyết tâm thư này tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Năm 2008, kỷ vật được bàn giao cho Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh.

Ngày 25/2/1975, các chiến sĩ Tiểu đoàn 81, Tỉnh đội Quảng Ngãi đã cùng nhau may cờ đăng ký “Luyện quân lập công”. Lá cờ bằng vải trắng cũ, ố vàng ghi hai màu mực đỏ và đen ghi rõ: “Quyết tâm xây dựng tiểu đoàn mạnh, giỏi, trưởng thành toàn diện về mọi mặt/ Kiên quyết ra quân là đánh thắng trận đầu/ Thề quyết tử: GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG”. Trong bản quyết tâm thư là chữ ký của các chiến sĩ Lê Xuân Ba, Ngọc Hy, Hữu Thọ, Ánh Tuyết, Tiến Dũng, Hồng Thân, Thịnh, Dương Thị Thu Sang, Bùi Văn Thuận, Đinh Sơn, Văn Chấn...

Qua các quyết tâm thư cho thấy, mỗi chiến sĩ cách mạng, mỗi người dân Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung đều cháy bỏng khát vọng hòa bình, sục sôi ý chí căm thù giặc, quyết đánh thắng giặc Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khẩu hiệu “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã theo những người lính đi khắp các chiến trường. Quyết tâm thư được các chiến sĩ cách mạng gắn trên mũ tai bèo, băng đeo tay, trên túi áo... tất cả đều chung một ý chí, một lời hẹn thề với non sông, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

PHƯƠNG LÝ - TẠ HÀ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202505/nhung-dong-chutu-mau-va-nuoc-mat-e1a0222/
Zalo