Thoái vốn nhà nước - tránh tư duy đa mục tiêu
Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM vừa ra thông báo hủy thương vụ chào bán cạnh tranh theo lô cổ phần CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco do SCIC sở hữu. Lý do hủy bỏ thương vụ chào bán cạnh tranh là không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.
Hãy nhìn lại về những điều khoản bán vốn trong thương vụ đó. Đầu tiên, SCIC bán sỉ, không phải bán lẻ - tức là họ chào bán cả lô hơn 12 triệu cổ phiếu DMC của Domesco với giá khởi điểm hơn 1.500 tỷ đồng. Thứ hai, mức giá này chia ra, mỗi cổ phiếu DMC có giá khởi điểm hơn 127.000 đồng; trong khi trên thị trường, cổ phiếu của Domesco chỉ có giá hơn 62.000 đồng. Như vậy, họ đang chào bán với mức giá khởi điểm cao hơn gấp đôi giá trên thị trường.
SCIC có lý do để chào bán giá cao và tự tin có thể thành công.
Thứ nhất, Domesco là công ty làm ăn tốt, đặc biệt là họ chia cổ tức đều đặn. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm họ trả cổ tức tiền mặt 25%, tức là mỗi cổ phiếu sẽ nhận về 2.500 đồng cổ tức. Đây là mức cổ tức đều đặn mà không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực chi trả trong nhiều năm liên tiếp.
Thứ hai, dù làm ăn tốt và cổ tức đều đặn, việc mua gom cổ phiếu Domesco trên sàn là không dễ dàng. Thanh khoản cổ phiếu DMC rất thấp. Có ba lý do chính: Lý do đầu tiên là cổ phiếu DMC hầu như không có biến động mạnh về giá; lý do thứ hai, về cơ bản đó là cổ phiếu tốt và không nhiều người bán ra; lý do thứ ba là cơ cấu sở hữu của Domesco đã quá cô đặc với hơn 85% cổ phần nằm vào tay hai cổ đông lớn và một trong hai cổ đông lớn chính là SCIC, tổ chức đang có kế hoạch thoái vốn.
Việc không có nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cho thấy, thị trường không đánh giá cao Domesco như SCIC đã nghĩ trước khi đưa ra điều khoản. Từ năm 2019 đến nay, đây là lần thứ ba SCIC thoái vốn bất thành.
SCIC có lý do, dù thất bại trong thoái vốn nhiều lần họ vẫn phải kiên định đưa ra điều khoản thoái vốn. SCIC là doanh nghiệp nhà nước. Việc thoái vốn của họ phải tuân thủ đủ quy định và quan trọng nhất là không được làm thất thoát vốn nhà nước. Thoái vốn là việc quan trọng bởi đó là kế hoạch của nhà nước, nhưng việc đảm bảo an toàn cho người ra quyết định quan trọng hơn.
Giữa tháng 3, Tổng công ty Điện lực miền Nam đăng ký chào bán toàn bộ cổ phần của Thủy điện Miền Trung và thoái vốn khỏi công ty thủy điện này. Họ chào bán nguyên lô cổ phiếu CHP với giá khởi điểm tính ra lên tới 87.284 đồng/cổ phiếu, bằng 2,4 lần giá CHP trên thị trường lúc đó. Kết quả không có nhà đầu tư nào mua.
Điện lực miền Nam cũng tương tự SCIC, là doanh nghiệp nhà nước và phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn khắt khe khi thoái vốn.
Khi chỉ định mục tiêu thoái vốn cho doanh nghiệp nhà nước như SCIC hay Điện lực miền Nam cần xác định mục tiêu nào là hàng đầu. Nhà nước cần thoái vốn hay cần kiếm lợi nhuận tối đa.
Thực ra, thoái vốn không chỉ mang lại tiền cho doanh nghiệp nhà nước mà có thể mang lại khoản lãi lớn. Thoái vốn, trao quyền sở hữu cho các tổ chức, cá nhân khác là một hình thức giúp các doanh nghiệp thoát khỏi "cái bóng" nhà nước với quá nhiều ràng buộc, để họ cạnh tranh sòng phẳng, ra quyết định nhanh chóng và qua đó lớn lên, trưởng thành.
Một khi còn tư duy đa mục tiêu, việc thoái vốn sẽ rất khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp đã mãi mắc kẹt như vậy. Điều này sinh ra lãng phí nguồn lực nếu nhìn rộng trên phương diện cả đất nước. Sự lãng phí đó đáng sợ hơn cả những thất thoát nhỏ (nếu có), khi nhà nước chịu bán vốn với mức giá hợp lý, sát với giá thị trường.