Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi): Hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường và sức khỏe con người
Công nghiệp hóa chất là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có vai trò thiết yếu với nhiều lĩnh vực, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát, bổ sung những nội dung thiết thực hơn để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án hóa chất
Luật Hóa chất ban hành năm 2007 là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất một cách an toàn, bền vững và phù hợp với thông lệ. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào những hạn chế trong công tác quản lý hóa chất đã thấy rõ trong thời gian qua, ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật tới đây cần chú ý đưa vào những nội dung thiết thực hơn để đáp ứng được nhu cầu bảo đảm sức khỏe, an toàn đối với người dân, môi trường và nền kinh tế.

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Hồ Long
Theo đại biểu Lê Xuân Thân, quy định tại Điều 3 về những hành vi bị nghiêm cấm vẫn "vừa chung chung, vừa thiếu". Bởi, vấn đề hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất vượt ngưỡng hóa chất nhập lậu, xuất, nhập khẩu hóa chất không đúng quy định pháp luật và nhiều vấn đề được các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm đều chưa được quy định tại Điều 3 này. Do đó, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu tách quy định về các hành vi bị nghiêm cấm thành các khoản cụ thể hơn, và các nội dung khác cũng nên cụ thể.
Để dự thảo Luật có thể đáp ứng đúng đòi hỏi của thực tế, các ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông), Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) đề nghị, cần bổ sung hóa chất nguy hiểm là hóa chất có thể gây hại cho con người, động vật, thực vật, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường và nội hàm của định nghĩa hóa chất nguy hiểm ở khoản 4 Điều 2 của dự thảo Luật.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Dương Khắc Mai lý giải, nước ta là quốc gia có ngành nông nghiệp phát triển. Vấn đề kiểm soát hóa chất trong phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... cần được quan tâm quản lý chặt chẽ, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, uy tín trong xuất khẩu hàng hóa và yêu cầu của phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn cũng cho rằng, tại Điều 4 về trách nhiệm quản lý nhà nước về hóa chất cần có quy định về nhiệm vụ của tổ chức đoàn thể trong phát hiện, phối hợp xử lý vi phạm về an toàn hóa chất; quy chế hoạt động của các cấp, các ngành trong xử lý tình huống nguy hiểm, nguy cấp về hóa chất. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất cần có hệ thống xử lý chất thải hóa chất, bảo đảm an toàn hệ sinh thái khi đầu tư hoạt động liên quan đến hóa chất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra sự cố hóa chất, quy định cụ thể lực lượng ứng phó với sự cố tại các cơ sở sản xuất.

ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Hồ Long
Ngoài ra, theo đại biểu, cần xem xét, nghiên cứu bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án hóa chất đối với người lao động và bảo đảm an toàn trong sản xuất, vận chuyển, sử dụng hóa chất. Và, tại khoản 2 Điều 7 của dự thảo Luật cần làm rõ các loại hóa chất xử lý tập trung, quy định cụ thể các loại hóa chất độc hại, tiêu chí phòng ngừa sự cố hóa chất, đặt ra tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường hậu kiểm, hạn chế những nguy hiểm liên quan đến lĩnh vực hóa chất.
Tất nhiên, do tính chất đặc biệt của hóa chất nên tại Điều 13 và Điều 19 của dự thảo Luật đã có những quy định chặt chẽ về quản lý, mua bán hóa chất cũng như việc kiểm soát mua bán bằng phiếu. Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, cần nghiên cứu làm rõ hơn giá trị pháp lý của phiếu kiểm soát mua bán hóa chất. Bởi, trong giai đoạn phát triển của xã hội hiện nay, sự bùng nổ của khoa học công nghệ sẽ cần nghiên cứu thêm phương án quản lý phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, thuận lợi bên cạnh việc kiểm soát.
Áp dụng mức phạt cao hơn với các vi phạm nghiêm trọng
Quan tâm đến các quy định về hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, xem xét các loại hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hại, nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, bổ sung áp dụng hình phạt nặng trong trường hợp vi phạm gây mất an toàn. Đồng thời, áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường hoặc gây nguy hiểm cho cộng đồng; bổ sung các biện pháp truy xuất nguồn gốc, quản lý sản xuất, vận chuyển qua hóa đơn điện tử và dấu vết sản của sản phẩm.
Lý giải cho đề nghị này, đại biểu Trần Khánh Thu nêu rõ, các quy định của dự thảo Luật liên quan đến các loại hóa chất này vẫn chưa cụ thể, thậm chí 3 dự thảo nghị định gửi kèm hồ sơ dự án Luật cũng chưa quy định cụ thể, chưa thể hiện được tính nghiêm khắc của các vi phạm trong kinh doanh; các thủ tục cấp phép kinh doanh, kể cả các loại hóa chất kinh doanh có điều kiện hay hóa chất kiểm soát đặc biệt cũng chủ yếu là các thủ tục hành chính.

ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Hồ Long
Cũng theo đại biểu, tại Điều 4 (khoản 1 điểm b) về chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất cần được bổ sung cụm từ "đồng thời bảo đảm các yếu tố an toàn về môi trường, an ninh, quốc phòng”. Theo đó, khi xây dựng trên cơ sở chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch quốc gia, chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp cũng đồng thời phải bảo đảm các yếu tố an toàn về môi trường, an ninh, quốc phòng.
Lý lẽ là bởi, trong quá trình phát triển công nghiệp hiện đại hiện nay, vấn đề về bảo đảm môi trường, sức khỏe của người dân là rất quan trọng. Ngoài ra, vấn đề vũ khí sinh học luôn tiềm ẩn nguy cơ, do đó, khi xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất cần chú ý đến các yếu tố khu vực, vị trí bảo đảm môi trường, phòng ngừa các yếu tố phức tạp có thể xảy ra liên quan đến an ninh - quốc phòng, như sản xuất các vũ khí chất nổ.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Hồ Long
Cũng liên quan đến bảo đảm an toàn hóa chất, tại khoản 2 Điều 35 của dự thảo Luật đã quy định ''tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất, có trình độ phù hợp''. ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nhận thấy, quy định này tại dự thảo Luật "đúng nhưng chưa đủ". Bởi thực tiễn cho thấy, nhiều người chịu trách nhiệm về an toàn hóa chất có trình độ chuyên môn phù hợp nhưng lại không có thẩm quyền để xử lý những trường hợp phải phạt, yêu cầu sửa đổi, thậm chí là dừng sản xuất, khi phát hiện có vi phạm trong an toàn sản xuất dẫn đến những nguy cơ mất an toàn, xảy ra sự cố khẩn cấp. Để dừng sản xuất của những cơ sở này sẽ phải chờ xin ý kiến các cơ quan hoặc những người có thẩm quyền, mất nhiều thời gian. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý lại khoản 2 Điều 35 theo hướng ''tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất, có quyền hạn và trình độ phù hợp''.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, quy định về hoạt động tư vấn và điều kiện tư vấn chuyên ngành hóa chất tại Điều 9, Điều 10 của dự thảo Luật là cần thiết với các lý do đã nêu tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp nếu được Quốc hội chấp thuận theo hướng nêu trên để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thì Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện luật theo hướng việc cấp chứng chỉ hoạt động tư vấn sẽ được thực hiện trực tuyến trên môi trường điện tử, dựa trên việc đánh giá hồ sơ do người đề nghị cung cấp mà không tổ chức sát hạch để cấp chứng chỉ.
Về chế tài xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động hóa chất, Bộ trưởng nêu rõ, sẽ được quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất.
Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ nghiêm túc tiếp thu và có giải trình cụ thể về một số vấn đề cụ thể được đại biểu. “Các ý kiến cụ thể khác của các đại biểu là những gợi ý rất hay và chất liệu quý để Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành nghị định trong thời gian tới”, Bộ trưởng khẳng định.