Thỏa thuận Xanh châu Âu: Động lực và thách thức với doanh nghiệp may Việt Nam

Trước mắt , các chính sách xanh như Thỏa thuận Xanh châu Âu là thách thức lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, trong lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh sẽ mang lại những cơ hội lớn cho doanh nghiệp dệt may.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thỏa thuận Xanh châu Âu là gì?

Thỏa thuận Xanh châu Âu (The European Green Deal - EGD) được thông qua ngày 15/1/2020. Thỏa thuận Xanh châu Âu định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050.

Các chính sách xanh của EU được triển khai trên 9 lĩnh vực chính, trong đó có những lĩnh vực có chính sách xanh bao trùm các chủ thể trong và ngoài EU, như khí hậu, môi trường và đại dương, nông nghiệp…

Toàn văn EGD nêu các mục tiêu chính cần đạt được và định hướng chiến lược của EU về các vấn đề khí hậu mà không đặt ra trực tiếp các tiêu chuẩn hay điều kiện xanh cụ thể. Để thực hiện EGD, EU đã xây dựng nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, chính sách và luật cụ thể (sau đây gọi là chính sách xanh) trong hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế. Các chính sách xanh này đặt ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện và/hoặc yêu cầu xanh mới và/hoặc được nâng cấp, sau đó tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều nhóm tác nhân kinh tế trong các lĩnh vực liên quan.

Thỏa thuận xanh của EU hướng tới 04 mục tiêu chung:
- Trở thành "khối trung hòa khí hậu" vào năm 2050
- Bảo vệ cuộc sống của con người, động vật và thực vật bằng cách giảm ô nhiễm.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu trở thành đơn vị dẫn đầu thế giới về ứng dụng công nghệ và sản xuất sản phẩm sạch.
- Đảm bảo quá trình chuyển tiếp công bằng và lâu dài (không bỏ sót bất kỳ cá nhân nào).

Theo Báo cáo "Thỏa thuận xanh của EU và xuất khẩu của Việt Nam - Trường hợp của ngành nông nghiệp, thực phẩm và dệt may" của Trung tâm WTO và Thương mại quốc tế, về mặt lý thuyết, EGD chỉ áp dụng cho các tác nhân và hoạt động của EU trong thị trường lãnh thổ EU (bao gồm hàng hóa, dịch vụ, hoạt động kinh tế) lưu hành/diễn ra tại EU. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, chính sách của EGD cũng có thể áp dụng cho các tác nhân/hoạt động bên ngoài EU, cụ thể:
- Các chính sách, quy định bắt buộc áp dụng đối với hàng hóa lưu thông, mua bán, sử dụng, tiêu dùng, thải bỏ và/hoặc phát thải trong phạm vi EU: Do đối tượng áp dụng giải pháp này bao gồm một số loại hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài (nước thứ ba) vào thị trường EU được sử dụng, tiêu dùng tại đây nên các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ vào EU cũng sẽ phải tuân thủ các chính sách có liên quan; Chính sách, quy định được áp dụng trực tiếp đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ bên ngoài vào EU: So với các trường hợp trên, nhóm này ít phổ biến hơn, được EU sử dụng trong một số trường hợp để thúc đẩy việc thực hiện sâu rộng và toàn diện các mục tiêu về khí hậu và môi trường của EU. Trong những trường hợp này, các nhà nhập khẩu EU và các nhà sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm có liên quan ở nước ngoài sẽ là những tác nhân tuân thủ các biện pháp này.
Như vậy, mặc dù là văn bản nội bộ của EU nhưng trong một số chính sách, giải pháp thực hiện cụ thể, EGD sẽ được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ bên ngoài vào EU cũng như các nhà sản xuất, xuất khẩu có liên quan ở nước ngoài.
Với lý do đó, Thỏa thuận Xanh của châu Âu được cho là sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều luồng thương mại hàng hóa và dịch vụ từ khắp nơi trên thế giới vào EU, nơi có kim ngạch nhập khẩu lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ). Do EU là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam nên việc thực hiện Thỏa thuận Xanh của châu Âu cũng sẽ có tác động đến một phần đáng kể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

 Chuyển đổi xanh là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may.

Chuyển đổi xanh là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may.

Trường hợp của ngành dệt may Việt Nam

EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dệt may Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Về kim ngạch, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU ghi nhận sự ổn định trong giai đoạn 5 năm qua, tính từ năm 2019 đến năm 2023. Theo số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang thị trường EU năm 2019 đạt 3,64 tỷ USD, năm 2020 đạt 3.68 tỷ USD, năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD, năm 2022 đạt 4,46 tỷ USD, năm 2023 đạt 3,86 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2024 đạt 2,81 tỷ USD.

Các thị trường lớn như Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bỉ luôn là điểm đến hấp dẫn của hàng dệt may Việt Nam tại EU. Tuy nhiên, để giữ vững và mở rộng thị phần tại những quốc gia có người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến sản phẩm xanh này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần không ngừng nâng cao tính bền vững trong sản xuất. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh của EU là điều kiện cần để tiếp cận và giữ tệp khách hàng quan trọng này.

So với các lĩnh vực khác, đặc biệt là nông sản thực phẩm, việc sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may sang EU phải đối mặt với các thách thức từ các chính sách xanh có những điểm tương đồng và khác biệt. Về số lượng, EU đã thiết lập nhiều biện pháp chính sách liên quan đến dệt may, chủ yếu được nhấn mạnh trong Chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững, cho phép dự đoán tốt hơn về quy định, mặc dù vẫn có khả năng xuất hiện những quy định mới.

Phạm vi áp dụng của các chính sách xanh đối với hàng dệt may thường rất rộng, không chỉ bao gồm các sản phẩm dệt may mà còn các sản phẩm khác liên quan như hóa chất hoặc trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có cái nhìn tổng quát và phân tích chi tiết các quy định, giúp theo dõi những thay đổi chính sách dễ dàng hơn.

Phần lớn các quy định liên quan đến hàng dệt may đều mang tính bắt buộc, yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ nếu muốn xuất khẩu sang EU. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam, khi họ cần chú ý tới các quy định này để đảm bảo không vi phạm.

Đối tượng áp dụng của các chính sách xanh này bao trùm tất cả sản phẩm dệt may, không phân biệt mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (mã HS). Do đó, mọi quy định liên quan phải được quan tâm kỹ lưỡng. Đồng thời, các chính sách xanh này được thiết kế nhằm giải quyết các vấn đề môi trường trong toàn bộ chu trình sản xuất và tiêu dùng, từ thiết kế đến tái chế, yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi xanh trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất.

Vượt qua và thích ứng để phát triển bền vững

Trước áp lực này, ngành dệt may Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh để duy trì và nâng cao vị thế trên thị trường EU.

EGD đặt ra khá nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội phát triển mới. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức rõ những thay đổi mà Thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường, chuẩn bị đón đầu xu hướng mới, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường để được hưởng lợi trong dài hạn. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chủ động thực hiện chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện, đây là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ ở khu vực này. Đồng thời, việc thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp tại các thị trường phát triển khác như: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Úc…

Ngoài các giải pháp chung cho tất cả các ngành bị ảnh hưởng bởi EGD, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp dệt may của Việt Nam cần quan tâm theo dõi sát xu hướng xanh ở EU, đặc biệt là chính sách, quy định pháp luật cụ thể triển khai Chiến lược Từ trang trại đến bàn ăn, Chiến lược Dệt may tuần hoàn và bền vững của EU. Đồng thời, cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với khách hàng, đơn vị liên quan trong cập nhật quá trình soạn thảo, thông qua và áp dụng các tiêu chuẩn, quy định xanh cụ thể liên quan tới sản phẩm của mình và có sự chuẩn bị phù hợp, chủ động, tích cực để sẵn sàng tuân thủ.

Ngoài yêu cầu từ EGD, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ, đáp ứng theo lộ trình hợp lý các yêu cầu xanh từ phía người tiêu dùng cũng như khách hàng, từ đó bảo đảm khả năng duy trì thị trường xuất khẩu một cách bền vững.

Theo đó, về năng lượng, doanh nghiệp nên chuyển dần sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái. Việc này không chỉ giúp giảm lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất mà còn góp phần làm giảm chi phí năng lượng về lâu dài.

Trong lĩnh vực nguyên phụ liệu, việc tìm kiếm và phát triển các nguồn nguyên liệu xanh, như nguyên liệu từ thực vật tự nhiên hoặc từ xơ sợi tái chế, rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp nâng cao tỷ trọng nguyên liệu xanh trong sản xuất mà còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững.

Đối với quy trình sản xuất, doanh nghiệp cần chuyển đổi công nghệ nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguyên vật liệu, tiết kiệm nước, và hạn chế hóa chất độc hại, từ đó giảm thiểu rác thải và nước thải. Cuối cùng, việc nâng cấp công nghệ xử lý chất thải và nước thải sẽ giúp đạt được hiệu quả xử lý cao hơn, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đối với phần lớn các doanh nghiệp dệt may tham gia vào hoạt động gia công xuất khẩu, việc chuyển đổi quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải và hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời sản xuất các sản phẩm xanh, trở thành yếu tố then chốt trong việc cạnh tranh và thu hút đơn hàng. Sự gia tăng nhận thức của thị trường về vấn đề bền vững đã khiến các khách hàng ngày càng ưu tiên lựa chọn nhà cung cấp có cam kết bảo vệ môi trường.

Đối với những doanh nghiệp có kế hoạch tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chẳng hạn như thiết kế mẫu mã hoặc tự cung ứng nguyên phụ liệu, yêu cầu thực hiện chuyển đổi xanh càng trở nên cấp thiết. Ngoài việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, việc phát triển thương hiệu riêng đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược xuất khẩu sang thị trường EU và các nước phát triển.

Nếu doanh nghiệp dệt may chủ động, thực hiện chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ, những chính sách xanh như EDG sẽ không phải là rào cản, mà sẽ trở thành động lực để doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.

Minh Thành

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thoa-thuan-xanh-chau-au-dong-luc-va-thach-thuc-voi-doanh-nghiep-may-viet-nam-93992.html
Zalo