Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, bước mở đầu và những bài học

Ngày 11-12/5, Bắc Kinh và Washington ra tuyên bố về kết quả cuộc đàm phán 2 ngày tại Geneva, Thụy Sỹ. Thế giới lo lắng về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, rồi thở phào về sự 'hạ cánh mềm' giữa hai cường quốc, hai nền kinh tế lớn nhất.

Cảng nước sâu Yangshan ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Cảng nước sâu Yangshan ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Bất ngờ và không bất ngờ

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố rất kiên quyết, cứng rắn, công khai thách thức, “ai khởi xướng thì phải tự giải quyết”… Mỹ đặt mục tiêu rất cao cho đòn thuế quan, giảm thâm hụt thương mại (tới 361 tỷ USD), tăng nguồn thu từ thuế, chia tách kinh tế Trung Quốc với các nước, định hình lại thị trường, quan hệ kinh tế của Washington với thế giới…

Với đòn thuế quan “ăn miếng trả miếng”, thực tế quan hệ thương mại Mỹ-Trung bị “đóng băng”. Tưởng như mọi cánh cửa đóng chặt, thì bất ngờ mở tung, chỉ sau thời gian ngắn. Mức cắt giảm thuế đột ngột đến khó tin (còn 30% với Trung Quốc và 10% với Mỹ). Hai bên hứa hẹn loại bỏ biện pháp phi thuế quan, nhất trí thiết lập cơ chế tham vấn kinh tế, thương mại để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc.

Trong khi đa số đồng minh, đối tác nhẹ cân khác của Mỹ vẫn đang tìm cách đàm phán thỏa thuận thuế quan, thì Bắc Kinh và Washington lại đạt kết quả ngoài mong đợi. Đó là một bất ngờ lớn. Tuy nhiên, mọi sự đều có lý do.

Trung Quốc hụt mất một thị trường xuất khẩu lớn nhất, doanh nghiệp nước ngoài rút ồ ạt, người lao động mất việc, làm phức tạp thêm các vấn đề kinh tế, xã hội… Nếu không sớm tháo gỡ, để các nền kinh tế lớn như EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… thỏa thuận xong với Mỹ, thì Washington sẽ có điều kiện tập trung, chĩa mũi nhọn vào Bắc Kinh.

Công nghiệp Mỹ khó khăn vì sụt nguồn cung đất hiếm, hàng tiêu dùng thiếu, giá tăng cao, khiến người dân, doanh nghiệp phản đối… Washington đang vướng mắc trong giải quyết xung đột ở Ukraine, lại đồng thời áp thuế với cả thế giới, khiến đồng minh, đối tác giảm lòng tin, chuyển sang hợp tác với Bắc Kinh,.

Đòn thuế quan khiến gánh nặng chi phí tăng cao, chuỗi cung ứng, sản xuất gián đoạn, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đứng trước nguy cơ đóng cửa, một số nhà nhập khẩu Mỹ bên bờ vực phá sản. Tác động tiêu cực đến mức cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể chịu đựng thêm. Càng kéo dài cuộc chiến thuế quan, tổn thất càng lớn. “Trạng chết chúa cũng băng hà”. Nên việc xuống thang cũng là điều không quá bất ngờ.

Vẫn còn hành trình dài

Washington và Bắc Kinh dành nhiều mỹ từ cho thỏa thuận thuế quan. Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong ca ngợi đàm phán sâu sắc, thắng thắn và mang tính xây dựng. Tổng thống Donald Trump đánh giá thỏa thuận, “rất hiệu quả”, “mang tính xây dựng”, “đạt tiến bộ tuyệt vời”. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, với thỏa thuận quan hệ Mỹ-Trung “được khởi động lại hoàn toàn”.

Dư luận quốc tế đồng tình, thỏa thuận thuế quan là “bước ngoặt quan trọng”, bước đi tích cực, mở ra triển vọng nối lại đối thoại, hạ nhiệt cuộc chiến kinh tế, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Máy bay Boeing 737 MAX 8 đáng lẽ bàn giao cho một hãng hàng không Trung Quốc đã quay về Mỹ hôm 19/4 trong bối cảnh căng thẳng thuế quan. (Nguồn: Reuters)

Máy bay Boeing 737 MAX 8 đáng lẽ bàn giao cho một hãng hàng không Trung Quốc đã quay về Mỹ hôm 19/4 trong bối cảnh căng thẳng thuế quan. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, không nên kỳ vọng quá sớm, “sẽ cần rất nhiều thời gian và có thể không mang lại kết quả như ý”. Bởi mâu thuẫn, xung đột lợi ích chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sâu sắc, phức tạp. Một bên coi kinh tế, thương mại là con đường gia tăng sức mạnh, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, đuổi kịp và vưon lên vị trí dẫn đầu. Bên kia quyết ngăn chặn ảnh hưởng, mối đe dọa ngôi vị số một.

Thỏa thuận thuế quan mới là giải pháp tình thế, tạm hoãn trong 90 ngày, hai bên chưa sẵn sàng nhượng bộ các vấn đề liên quan đến ưu tiên chiến lược. Còn nhiều trở ngại về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp chính phủ và sự minh bạch chính sách thương mại… Trung Quốc chưa chấp nhận nới hạn chế về xuất khẩu đất hiếm vì lý do an ninh quốc gia. Mỹ cũng tương tự khi hạn chế xuất khẩu chip, sản phẩm công nghệ cao.

Sau một năm đàm phán căng thẳng về kinh tế, thương mại trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc và Mỹ đã có một thỏa thuận, nhưng rồi không thực hiện. Do đó, thỏa thuận thuế quan mới là bước mở đầu cho một quá trình đàm phán sâu và dài hạn trong tương lai. Đó là một hành trình dài để giải quyết những vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến bản chất mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế, giữa hai cường quốc.

Những vấn đề rút ra

Đòn thuế quan và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giáng đòn chí mạng, làm rung chuyển thị trường tài chính quốc tế, làm sâu sắc thêm tình trạng phân mảnh, chia cắt thị trường, chuỗi cung ứng, sản xuất, gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế thế giới. Nên cộng đồng quốc tế thở phào nhẹ nhõm và ủng hộ tích cực là điều tất nhiên. Sự kiện này làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề, bài học.

Thứ nhất, cuộc chiến thuế quan, thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và các nước khác chứng tỏ, nhân tố chính trị và lợi ích chiến lược quốc gia, nhất là nước lớn, ngày càng tác động sâu sắc, chi chi phối mạnh mẽ đến lĩnh vực thương mại, kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, cuộc chiến thuế quan, thương mại cho thấy sự bất lực của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các thể chế tài chính quốc tế khác. Nó là một biểu hiện cụ thể mâu thuẫn giữa trật tự kinh tế thế giới hiện hành và trật tự mới đang xuất hiện.

Việc đổi mới các thể chế, cơ chế thương mại, tài chính, kinh tế toàn cầu là cần thiết, để giải quyết một cách cơ bản các mâu thuẫn, tồn tại, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải đồng thuận cao, nỗ lực chung sức vì lợi ích chung.

Thứ ba, Trung Quốc và Mỹ nói riêng, các quốc gia nói chung không thể tách rời nhau về kinh tế, thương mại. Như đánh giá của Chủ tịch Tập Cận Bình, “không có bên nào chiến thắng trong các cuộc chiến thuế quan hoặc chiến tranh thương mại”.

Chủ nghĩa đơn phương, biệt lập, dùng sức mạnh để áp đặt đi ngược với xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế đối phó với thách thức chung, không được cộng đồng quốc tế đồng tình, ủng hộ.

Thứ tư, thỏa thuận thuế quan Mỹ-Trung cho các nước khác những kinh nghiệm quý trong đàm phán với Mỹ. Phong cách chung của ông chủ Nhà Trắng là gia tăng sức ép cực lớn khiến đối tác, đối phương bị động, lúng túng nhưng cũng có thể xuống thang, tùy thuộc chiến lược đàm phán của bên kia.

Nếu đối tác, đối phương có chiến lược đàm phán phù hợp, kiên trì bảo vệ lợi ích chính đáng, minh bạch chính sách, có nhượng bộ, thỏa thuận hợp lý theo phương châm cùng có lợi, sẽ tăng khả năng thành công. Đồng thời, các nước cần chú ý, thỏa thuận xong với Trung Quốc, Mỹ có thể rảnh tay đòi hỏi cao hơn với các đối tác khác.

Mức thuế quan 10% là một mốc khả thi để các nước đàm phán với Washington. Các nước cần tự lực, chủ động, tái cấu trúc nền kinh tế, gia tăng nội lực, đa dạng hóa quan hệ, mở rộng thị trường, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ. Đàm phán, thỏa thuận dựa trên luật lệ quốc tế, bảo đảm lợi ích, tránh ảnh hưởng đến các các nước khác.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-thuong-mai-my-trung-buoc-mo-dau-va-nhung-bai-hoc-314388.html
Zalo