Thỏa thuận tàu ngầm giữa Ấn Độ với Đức có làm lay chuyển vị trí 'bạn hàng' vũ khí số 1 của Nga?
Thỏa thuận đóng tàu ngầm giữa Đức và Ấn Độ có phải là tín hiệu cho thấy New Delhi sẽ chấm dứt phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực trang bị quốc phòng?
Theo một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD, Tập đoàn sản xuất thép và kỹ thuật Thyssenkrupp của Đức sẽ đóng 6 tàu ngầm cho Hải quân Ấn Độ. Bộ phận đóng tàu của tập đoàn đến từ Đức mang tên Thyssenkrupp Marine Systems (TKMS) đã hợp tác với Mazagon Dock Shipbuilders (MDS) thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ để thực hiện hợp đồng.
Tham gia cuộc đấu thầu do Bộ Quốc phòng Ấn Độ tổ chức, Tập đoàn Thyssenkrupp của Đức đã vượt qua được các cuộc thử nghiệm thực địa của hải quân, đánh bại đối thủ cạnh tranh từ công ty Tây Ban Nha Navantia. Các phương tiện truyền thông trích dẫn một số nguồn tin cho biết giá trị của dự án ước tính khoảng 5,2 tỷ USD, nhưng con số cuối cùng có thể cao hơn.
Trong một tuyên bố Tổng giám đốc điều hành của TKMS Oliver Burkhard cho biết: "Bằng cách hợp tác và với sự hỗ trợ của chính phủ Đức và Ấn Độ, MDL và TKMS sẽ thiết lập các tiêu chuẩn cho một tương lai hàng hải bền vững và an toàn".
Tuy nhiên, việc Ấn Độ bắt tay với một nước phương Tây thực hiện thương vụ lớn này không hẳn là dấu hiệu cho thấy sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nhập khẩu thiết bị quân sự Nga sẽ sớm giảm bớt. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn từ năm 2019-2023, Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ, chiếm 36% tổng lượng nhập khẩu.
"Sự phụ thuộc của Ấn Độ vào các nền tảng quân sự của Nga vẫn không hề suy giảm và bản thân New Delhi cũng không mong muốn giảm đáng kể sự phụ thuộc đó vào Moscow", ông Sushant Singh, giảng viên nghiên cứu Nam Á tại Đại học Yale (Mỹ), nhận định.
Ông Narasimhan, cựu thành viên của lực lượng vũ trang Ấn Độ, đồng thời là chuyên gia về các vấn đề an ninh của Ấn Độ, kỳ vọng sẽ có nhiều sự hợp tác hơn giữa quốc gia Nam Á và các nước châu Âu về quốc phòng "khi nhu cầu, giá cả và khả năng cung cấp phù hợp".
Chuyên gia này chỉ ra một thỏa thuận gần đây giữa Pháp và Ấn Độ về việc đóng tàu ngầm lớp Scorpene như một ví dụ khác về nỗ lực đa dạng hóa đối tác trong lĩnh vực quốc phòng của New Delhi.
Đức cũng đã xuất khẩu vũ khí với số lượng lớn sang Ấn Độ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ấn Độ là nước tiếp nhận vũ khí lớn thứ ba của Đức, trị giá khoảng 160 triệu USD.
Chiến lược trở thành cường quốc hàng hải lớn
Thỏa thuận với giữa hai công ty của Đức và Ấn Độ nhằm sản xuất 6 tàu ngầm diesel, được gọi là tàu ngầm thông thường tiên tiến. Một trong các yêu cầu kỹ thuật là tàu ngầm phải có công nghệ đẩy không cần không khí (AIP), cho phép chúng ở dưới nước lâu hơn để tăng khả năng tàng hình.
Đây là một phần trong chiến lược của Hải quân Ấn Độ nhằm tăng cường năng lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phát biểu hồi đầu tháng này tại lễ hạ thủy hai tàu chiến và một tàu ngầm do Ấn Độ sản xuất, Thủ tướng Narendra Modi khẳng định: "Ấn Độ hiện đang trở thành một cường quốc hàng hải lớn của thế giới".
Tập đoàn của Đức cho biết sẽ hỗ trợ kỹ thuật và thiết kế các tàu ngầm mới, còn MDS sẽ triển khai đóng tàu tại Ấn Độ.
Đây không phải lần đầu tiên Tập đoàn Thyssenkrupp hợp tác với Hải quân Ấn Độ. Howaldtswerke-Deutsche Werft, một công ty đóng tàu cũ hiện thuộc sở hữu của TKMS, từng đóng 4 tàu ngầm cho New Delhi vào những năm 1980, trong đó có hai chiếc được đóng tại thành phố Kiel của Đức và hai chiếc đóng tại Mumbai.
Ông Sushant Singh đánh giá: "Đây là một dự án cũ đã được tiến hành sau những lần trì hoãn lớn khi hạm đội tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ đang đến giai đoạn phát triển quan trọng".
Thủ tướng Modi luôn ưu tiên sản xuất quốc phòng trong nước và chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ nói chung đã tăng đáng kể trong thập kỷ ông nắm quyền. Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng tính theo tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lại giảm trong 4 năm gần đây.
"Lực lượng quốc phòng đang kêu gọi hiện đại hóa nhưng không có nguồn tiền để mua vũ khí và hiện đại hóa nền tảng. Hơn một nửa chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ hiện dành cho chi phí nhân sự trong bối cảnh lạm phát cao và tỷ giá hối đoái giảm, nguồn tiền để mua thiết bị quốc phòng đang giảm mạnh trên thực tế", ông Sushant Singh chỉ rõ.
Giảm phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí Nga
Thỏa thuận với Tập đoàn Thyssenkrupp phù hợp với chiến lược thúc đẩy sản xuất vũ khí trong nước của ông Modi vì 6 tàu ngầm này sẽ được đóng tại Ấn Độ. Tuy nhiên, theo dữ liệu mới nhất từ SIPRI, Ấn Độ vẫn là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm gần 10% lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2019-2023.
Nhân vật chính trong câu chuyện này là Nga, đối tác hàng đầu của chính phủ ông Modi khi nói đến nhập khẩu vũ khí, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy sự phụ thuộc này đang dần suy giảm. Trong khi 36% lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Nga trong giai đoạn 2019-2023, con số này là 46% trong giai đoạn 2017-2021 và 69% trong giai đoạn 2012-2016.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Modi và người đồng cấp Đức Olaf Scholz vào tháng 10/2024, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí ủng hộ "tăng cường hợp tác cấp ngành trong lĩnh vực quốc phòng", tập trung cụ thể vào "hợp tác công nghệ, sản xuất/đồng sản xuất và đồng phát triển các nền tảng và thiết bị quốc phòng".
Bình luận về khả năng hợp tác trong tương lai giữa Ấn Độ và Đức trong lĩnh vực quốc phòng, Bộ Quốc phòng Đức đã trích dẫn một tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 2023: "Chúng tôi cần hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực vũ khí và hợp tác quân sự với các đối tác đáng tin cậy về mặt chiến lược, trong đó có Ấn Độ".
Tuy nhiên, chuyên gia Singh kỳ vọng khối lượng vũ khí nhập khẩu từ Nga sẽ tiếp tục đổ vào Ấn Độ do một số yếu tố như giá thành thấp của các thiết bị quân sự, thiện chí chuyển giao công nghệ cao và quyền kiểm soát của Moscow đối với phụ tùng và đạn dược cho các thiết bị đã có trong biên chế quân đội Ấn Độ.
Thông qua thỏa thuận tỷ USD với Đức, có thể thấy nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng trang thiết bị quốc phòng của New Delhi nhằm giảm phụ thuộc vào một đối tác nhất định. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Ấn Độ vẫn có nhiều lợi ích và các yếu tố ràng buộc với "người bạn hàng" lâu năm Nga để triển khai chiến lược hàng hải của mình.