Thỏa thuận lịch sử giữa Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ

Sau nhiều vòng đàm phán cam go, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ đã đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm tăng cường quan hệ thương mại, giải quyết những bất đồng kéo dài về tự do đi lại và mở ra một chương mới trong quan hệ song phương.

Ảnh minh họa (Nguồn: betanews.com)

Ảnh minh họa (Nguồn: betanews.com)

Tại buổi họp báo chung ở thủ đô Bern, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống nước chủ nhà Viola Amherd đã công bố thỏa thuận chính trị này, nhấn mạnh đây là một bước tiến quan trọng, đánh dấu sự ổn định trong quan hệ giữa Thụy Sĩ và EU, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác bền vững hơn trong tương lai.

EU và Thụy Sĩ là láng giềng gần gũi của nhau với mối quan hệ xuyên biên giới mạnh mẽ. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sĩ trong khi Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn thứ 4 của liên minh này. Có khoảng 1,5 triệu công dân EU sinh sống tại Thụy Sĩ và khoảng 450.000 công dân Thụy Sĩ sinh sống tại các quốc gia trong khối. Giữa Thụy Sĩ và EU trước đó có hơn 120 thỏa thuận riêng lẻ.

Hồi năm 2021, do quan điểm khác biệt, Thụy Sĩ đã đơn phương rút khỏi các cuộc đàm phán với EU vốn được tiến hành trong hơn một thập niên trước đó. Hành động của Thụy Sĩ chủ yếu xuất phát từ mối lo ngại chủ quyền bị xâm phạm, dẫn đến căng thẳng giữa hai bên. Đến đầu năm 2023, Thụy Sĩ bắt đầu đánh tiếng sẵn sàng nối lại hòa đàm trong một động thái mà EU đánh giá là “động lực tích cực” cho quan hệ giữa hai bên. Kể từ đó, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận thăm dò trước khi chính thức khởi động các cuộc đàm phán.

Các cuộc đàm phán chính thức được nối lại vào tháng 3 vừa qua, tập trung vào việc cập nhật các hiệp định hiện hành và ký kết các thỏa thuận mới trong các lĩnh vực như năng lượng, y tế và an toàn thực phẩm. Một trong những nút thắt trong quan hệ song phương là EU và Thụy Sĩ xem xét điều khoản bảo vệ đơn phương đối với quyền tự do đi lại của người dân. Ngoài ra, một chủ đề khác được thảo luận là việc đóng góp của Thụy Sĩ với EU.

Theo đó, đóng góp tài chính của Thụy Sĩ cho sự gắn kết kinh tế và xã hội ở EU có thể được thực hiện thông qua cơ chế ràng buộc về mặt pháp lý, qua đó đổi lấy quyền tiếp cận thị trường nội khối. Bên cạnh đó, Thụy Sĩ cũng muốn bảo đảm tiếp tục tham gia các chương trình của EU trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, văn hóa và thể thao, bao gồm cả chương trình Chân trời châu Âu.

Sau gần 200 cuộc họp đàm phán, thỏa thuận đã hoàn tất, đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ thương mại song phương. Tuy nhiên, dù đạt được thỏa thuận, Chính phủ Thụy Sĩ vẫn phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) - đảng lớn nhất nước này. SVP cho rằng thỏa thuận làm suy yếu quyền tự quyết của Thụy Sĩ và đặt nước này dưới sự kiểm soát của EU.

Ngoài ra, các nghiệp đoàn lao động cũng lo ngại về những khía cạnh tiêu cực của thỏa thuận. Liên đoàn Công đoàn Thụy Sĩ (USS) - tổ chức công đoàn lớn nhất nước, nhiều lần kêu gọi đàm phán thêm, cảnh báo rằng thỏa thuận có nguy cơ ảnh hưởng đến tiền lương của người Thụy Sĩ. Các công đoàn khác cũng lên tiếng lo ngại về những tác động tiềm tàng đối với các ngành đường sắt và điện.

Mặc dù vấp phải ý kiến trái chiều, nhưng thỏa thuận nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới doanh nghiệp. Liên đoàn Kinh tế Thụy Sĩ (Economiesuisse) khẳng định rằng thỏa thuận sẽ giúp duy trì điều kiện tiếp cận thị trường châu Âu và thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, Chủ tịch của Economiesuisse - bà Christophe Mader mới đây đã đề cập tới việc Thụy Sĩ cần phải có tiếng nói cuối cùng trong vấn đề di cư “khi vấn đề này vượt quá giới hạn cho phép”.

Để giảm bớt áp lực từ phía cử tri, Chính phủ Thụy Sĩ đã chia thỏa thuận thành 4 phần, mỗi phần sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân riêng biệt. Chiến lược này nhằm tăng khả năng nhận được sự ủng hộ của công chúng cho từng nội dung cụ thể.

BẢO NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thoa-thuan-lich-su-post851885.html
Zalo