Thơ Trần Tuấn: Những hạt bụi bay lên nhòe ướt mắt người (*)

Sau nhiều những trăn trở, dày vò của một người viết muốn trút cạn tâm can mình lên từng con chữ, nhà thơ Trần Tuấn vừa quyết định in tập thơ với đề tựa 'Sống là gì lâu quá đã quên', do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2025. Nếu đi từ tập thơ mang tên tuổi anh đến gần hơn với bạn đọc - Ma thuật ngón, NXB Hội Nhà văn in năm 2008, thì tập thơ mới này, với một phong cách viết phóng khoáng và đầy ma lực, Trần Tuấn dành tặng bạn đọc, người điệu mộ thơ một dòng chảy buồn, lặng lẽ thấm vào tâm trí.

Từ "Ma thuật ngón" đến "Sống là gì lâu quá đã quên", những con chữ của anh tái sinh sau nhiều lần hoài thai. Đôi khi đó là những dòng viết trong vô thức rồi con chữ kết dính và đan quyện vào nỗi buồn, nỗi đời của nhà thơ. Một kiểu quyện chặt ký thác, dẫn dắt cả những người khó tính nhất trong cách thẩm thấu ngôn từ, để rồi lặng im nghe nỗi buồn hiển nhiên gõ cửa trong dòng tiếc nhớ vô cùng một sân ga lòng vắng lặng: "Một người ga nhớ/một tôi ga không… đưa ga không đến/đón không ga về/không muôn mặt cũ/chợp giấc không mê" (ga không).

Chân dung nhà thơ Trần Tuấn

Nhà thơ Trần Tuấn, tên khai sinh là Trần Ngọc Tuấn, sinh năm 1967 tại Hà Nội. Hiện là Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong miền Trung tại Đà Nẵng. Anh đã xuất bản 6 tác phẩm gồm thơ, ký sự nhân vật, ký sự đường xa.

Nỗi cô độc trong thơ Trần Tuấn, như cách anh thở trong dáng ngồi, cách đi, cách khoác lên mình chiếc áo mùa đông cùng khăn choàng đầy lãng tử. Hay cách anh hút thuốc và nhả khói bay lên trong đêm muộn. Ẩn sau dáng hình ấy, là một nỗi cô độc chảy dài và trên mê lộ cô đơn đó, bước chân người thơ loang loáng chảy cùng sương đêm. Tựa gió, đang hát ca ngoài kia và nhận ra bản ngã của mình: "đi trong tôi chảy máu/về trong tôi tro than/quên trong tôi giao phối/nhớ trong tôi rỗng rang" (trong tôi). Và "Người ngồi một chốn/không cuối không đầu/tay gieo hạt thở/nảy mầm bao lâu" (thở). Nhiều lần đọc những tác phẩm thơ mới của Trần Tuấn được đăng tải đâu đó trên các báo, hay trang facebook cá nhân của anh, tôi hay chạnh buồn. Chừng như người chết đi sống lại với từng con chữ, là người cô độc rất nhiều, cô độc cả khi đang ngồi giữa một đám đông, cô độc khi cả ôm đàn guitar và hát một mình, tự sưởi ấm trái tim. Tôi đã tự hỏi tại sao anh lại lấy tựa đề tập thơ bằng một câu hỏi đầy ẩn ý như thế? Sống là gì lâu quá đã quên. Mấy ai trong cuộc đời này đã từng ngồi tự vấn mình như vậy để có thể nhìn nhận sâu hơn vào bản ngã của mình khi xung quanh đầy nỗi đời trơn tuột, được mất, hơn thua, đố kỵ. Sống, thở và thiền bằng trong chính bước chân thiện duyên của mình. "khi bản ngã cũng có trọng lượng/mang vác thật mệt nhọc khôn kham" (kundera).

Tâm thức của Trần Tuấn trong thơ như giấc mơ thực giữa nhiều rối bời. Như nhắm mắt lại và giấc mơ đi ngược chiều nỗi nhớ. Bởi anh nhận ra, đời trôi như sông, tình trong như sương, tất cả trôi một dòng ngang chân mây, vời vợi: "giọt sương nằm với tôi/ càn khôn mềm gối nhẹ/ sương nồng nàn thở khẽ/ chờ người cùng tan theo" (nằm).

Đọc tập thơ "Sống là gì lâu quá đã quên", tôi tìm lại bài thơ "Ma thuật ngón", nhận ra có một sợi dây kết nối ở đây. Đó là nỗi cô đơn của người phu chữ, thổi vào từng câu chữ những nỗi niềm: "một ngón ma thuật/ một ngón đốm lửa/ một ngón im lặng/ một ngón kiếp trước một ngón tàn tro/... kiếp trước của lửa hát về kiếp trước của tàn tro/ lửa của tàn tro hát về tàn tro của lửa" (ma thuật ngón).

Những câu hỏi đôi khi lại là ngọn gió lành tự vuốt ve một tâm hồn từng rạn vỡ trước tình yêu, sự thấu hiểu và nỗi cô đơn giằng xé. Khi một ngày kia muốn lặng im trong tất cả, nước mắt tuôn tràn và mọi thứ im lặng đến không ngờ: "gió thổi đằng xa kia/ mà sao cây lay động mãi nơi này/ người đã mệt một buổi chiều thèm ngủ/ thèm chết im nằm gối gốc cây già…/ sống là gì lâu quá đã quên/ người mệt xuống một buổi chiều thèm ngủ" (sống là gì lâu quá đã quên).

Bìa tập thơ Sống là gì lâu quá đã quên.

Bìa tập thơ Sống là gì lâu quá đã quên.

Tập thơ mỏng nhẹ chỉ vẻn vẹn chưa đầy 100 trang viết, 39 bài thơ, nhưng mỗi một bài thơ đều gây ám ảnh với người đọc. Như dấu chân người đi trên một sa mạc đầy cát bỏng và vết chân để lại sau nhiều ngày cô đơn trên cánh đồng chữ, lại tấy đỏ trên khóe mắt. "tôi thấy những nấm mộ đang trôi/ trên những lời ngợi ca từng có cánh/ nó giật lùi và sợ hãi/ nó cần được lãng quên/ như vốn thế/ những tụng ca xiềng xích/ đang quá nhiều trên mặt đất này" (thời gian trên nấm mộ).

Vượt qua giấc mơ nhớ quên một cuộc đời với sắc sắc - không không, Trần Tuấn chạm đến miền ánh sáng hoài thai những cuộc đời rất mới. Và thơ anh, phía kia là lời ru của cánh đồng hoang hoải nắng, hồ như là cơn rét đầu đông, buốt tê trên hành trình đến và trở về: "thân gầy cọng cỏ/ thiên lý trên vai/ ngàn năm trĩu lại/gánh giấc mơ dài" (bỗng thấy mình du thủ*).

Nguyễn Thị Anh Đào

(*) Đọc tập thơ Sống là gì lâu quá đã quên, Trần Tuấn, NXB Đà Nẵng năm 2025.

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tho-tran-tuan-nhung-hat-bui-bay-len-nhoe-uot-mat-nguoi--post308469.html
Zalo