Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với khí đốt của Nga
Theo đài truyền hình TRT Haber, ngày 29/11, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar cho biết Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với khí đốt của Nga vì không thể thay thế nguồn khí đốt này trong trung hạn.
Tuần trước, Washington đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với hơn 50 tổ chức tài chính của Nga, bao gồm cả Gazprombank - có liên quan đến gã khổng lồ khí đốt cùng tên, và sáu công ty con quốc tế của công ty này. Biện pháp này đã cắt đứt ngân hàng chính của Nga đối với các giao dịch liên quan đến năng lượng khỏi hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT.
“Chúng tôi phản đối bất kỳ quyết định nào ảnh hưởng đến dòng khí đốt từ Nga. Nếu các lệnh trừng phạt này đi đến mức này, nó sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, các hộ gia đình và 85 triệu người dân”, ông Bayraktar nói với các nhà báo.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường khí đốt lớn thứ tư ở châu Âu và Nga là một trong những nhà cung cấp khí đốt chính của quốc gia này. Ông Bayraktar cũng cho biết vấn đề này hiện đang được các Bộ tài chính và ngoại giao của nước này giải quyết.
Đồng thời, ông Bayraktar cũng bày tỏ hy vọng rằng hợp đồng vận chuyển khí đốt trong 5 năm từ Nga đến châu Âu qua Ukraine, hết hạn vào ngày 31 tháng 12, sẽ được gia hạn. Ukraine cho biết họ không có kế hoạch gia hạn thỏa thuận. Nếu dòng chảy dừng lại, EU có khả năng mất tới 5% tổng lượng tiêu thụ khí đốt hằng năm.
“Việc gia hạn thỏa thuận sẽ có tác động tích cực đến giá trên thị trường khí đốt. Trong trường hợp này, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm mọi điều cần thiết, nhưng tôi nghĩ rằng thỏa thuận vẫn sẽ được gia hạn”, ông nói, nhấn mạnh rằng vấn đề thanh toán qua Gazprombank cũng rất quan trọng đối với EU.
Đầu tuần này, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Ankara đang đàm phán với Washington để đảm bảo miễn trừ trừng phạt Nga, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trả tiền nhập khẩu khí đốt từ Nga. Bloomberg trích dẫn lời ông Bayraktar nói rằng các lệnh trừng phạt mới nhất "có thể gây ra hậu quả rất lớn" cho đất nước ông nếu không có miễn trừ nào được đưa ra.
Mặc dù là một quốc gia thành viên NATO, nhưng Ankara vẫn chưa thực hiện lệnh trừng phạt đối với Nga và vẫn duy trì quan hệ với cả Moscow và Kiev. Năm ngoái, nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của nước này.