Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với chảy máu chất xám
Theo điều tra của Quỹ Khoa học thông tin Thổ Nhĩ Kỳ (TBV), năm 2024 có hơn 700.000 công dân nước này (cả người bản xứ và công dân nhập tịch) đi định cư nước ngoài, tăng 53% so với năm 2023.
Trong khi đó chỉ có khoảng 316.000 người đến Thổ Nhĩ Kỳ để định cư lâu dài, giảm 35,9% so với năm 2023. Con số trên phần nào phản ánh thực trạng chảy máu chất xám của Thổ Nhĩ Kỳ, một vấn đề nghiêm trọng đang cản trở những tham vọng phát triển của Ankara.
Dứt áo ra đi
Anh Huseyin Buyukdag (27 tuổi), giáo viên dạy tiếng Anh, mới đây đã may mắn xin định cư đến Đức thành công. Anh trả lời phóng viên hãng tin AP: “Tôi yêu Thổ Nhĩ Kỳ, tôi yêu công việc của mình, nhưng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Nếu gia đình tôi tiếp tục ở lại Thổ Nhĩ Kỳ thì sẽ chết đói mất”.

Nhiều bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy việc di cư ra nước ngoài là sự lựa chọn duy nhất của họ
Anh Buyukdag sống cùng vợ làm nghề y tá tại tỉnh Sirnak, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng cộng lương công chức hàng tháng của hai vợ chồng được 1.640 Euro, chỉ nhỉnh hơn mức hộ nghèo (1.462 Euro) một chút. Gia đình nhỏ này đang “giật gấu vá vai” hằng tháng, và họ không hề có hy vọng nào vào việc sinh con. Chưa hết, công việc của vợ anh Buyukdag luôn luôn mệt nhọc và còn gặp không ít rủi ro nghề nghiệp. Cuối tháng 1/2025, Công đoàn Bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức bãi công ở nhiều nơi đòi tăng lương, cải thiện điều kiện cơ sở điều trị, và có biện pháp bảo vệ bác sĩ, y tá khỏi bị người nhà bệnh nhân bạo hành.
Banucicek Gürcüoglu (36 tuổi) là nhà khoa học dữ liệu đang định cư tại Đan Mạch. Cô Gürcüoglu rời khỏi quê hương Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2021 sau khi từ bỏ công việc cũ của mình ở một công ty khởi nghiệp. Gürcüoglu cho biết: “Ngoài việc không có cơ hội được thăng tiến, tại công ty cũ tôi còn thường xuyên cảm thấy không được các đồng nghiệp nam tôn trọng... Mỗi khi văn phòng có việc vặt như dọn dẹp hay cắt bánh thì các đồng nghiệp đều đẩy hết cho tôi”.
Sau khi Banucicek Gürcüoglu di cư đến Đan Mạch, cô vào làm cho tập đoàn đa quốc gia General Electric của Mỹ. Cô giải thích: “Các tập đoàn lớn không có môi trường làm việc năng động như công ty khởi nghiệp, nhưng họ có chính sách lương thưởng, thăng tiến và bảo vệ phụ nữ chặt chẽ hơn”.
Theo Viện Thống kê quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (TUIK) thì hơn 2% trong số những người Thổ Nhĩ Kỳ đã tốt nghiệp đại học hiện đang định cư tại nước ngoài, tương đương khoảng 49.000 cá nhân. Tốc độ di cư của nhóm người trên đã tăng từ mức 1,6%/năm (2015) lên 2.1%/năm (2024). Nếu tính theo giới tính thì có 2,4% số cử nhân nam và 1,6% cử nhân nữ đã đi định cư nước ngoài.
Điều đáng chú ý hơn nữa là các nhóm ngành công nghệ cao có tỷ lệ chảy máu chất xám cao hơn cả. Sắp xếp theo thứ tự giảm dần là các ngành sinh học phân tử và di truyền (17,9%), kỹ thuật sinh học (10,2%), quản lý kỹ thuật (9,8%), điện tử (9,1%), toán học (8,9%) và tin học (8,4%). Năm quốc gia được nhiều trí thức Thổ Nhĩ Kỳ di cư đến nhất lần lượt là Mỹ (21,4%), Đức (17,5%), Anh (11,2%), Hà Lan (6,9%) và Canada (4,9%). Đặc biệt theo Cục Quản lý nhập cư và tị nạn Đức (BAMF) thì Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đứng sau Syria về số công dân xin tị nạn tại quốc gia Tây Âu này.
Giáo sư Ayse Nilufer Narli, Trưởng Khoa Xã hội học tại Đại học Bahcesehir (Istanbul), trả lời phỏng vấn hãng tin DW: “Tôi đã chứng kiến rất nhiều sinh viên của mình đi định cư tại nước ngoài. Nếu họ ở lại thì đã chẳng thể tìm được công việc đúng với khoa ngành của mình. Một số ít trường hợp may mắn tìm được công việc trong nước thì lại phải đối mặt với việc không có đầy đủ vật tư, tài chính, v.v... để thực hiện ý tưởng của mình.”
Nhà xã hội học Besim Dellaloglu có cái nhìn tương tự: “Không chỉ các ngành nghề tri thức như y khoa và tin học đang mất người tài. Niềm tin của nhân dân về triển vọng tương lai càng xuống thấp, sẽ càng có nhiều người làm những ngành kỹ thuật tầm trung như điện tử, sản xuất ô tô, v.v... rời khỏi đất nước”.
Chưa có câu trả lời
Theo số liệu của TUIK, chỉ có 31% phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đang có việc làm ổn định so với gần 65% đàn ông. Chỉ 20% phụ nữ nước này có bằng cử nhân, trong đó nhóm bằng tin học, công nghệ, kỹ thuật và toán học có phần nhỉnh hơn so với mức trung bình ở mức 34%. Điều này cho thấy những người phụ nữ tốt nghiệp các trường đại học khoa học – kỹ thuật Thổ Nhĩ kỳ nằm trong tầng lớp xuất sắc của xã hội. Nhưng thay vì được trọng dụng, những người phụ nữ làm nghề kỹ thuật lại hay bị coi thường và không nhận được nguồn lực để phát triển như đàn ông. Công ty nghiên cứu thị trường Deloitte từng thực hiện một cuộc khảo sát phụ nữ trong ngành tin học Thổ Nhĩ Kỳ. 70% người được khảo sát cho biết họ đang phải chịu sự phân biệt đối xử giới tính ở nơi làm việc.

Anh Huseyin Bukudag và vợ chỉ còn cách lựa chọn di cư sang Đức để sống.
Trong khi đó Ankara lại đang theo đuổi các chính sách xã hội mang tính bảo thủ. Tổng thống Erdogan từng nhiều lần phát biểu rằng phụ nữ nên đặt gia đình lên trên công việc, và mỗi người phụ nữ nên sinh ít nhất 3 đứa con để làm tròn nghĩa vụ với tổ quốc.
Năm 2021, Ankara đã rút khỏi Hiệp định Istanbul về phòng tránh và loại trừ bạo lực gia đình. Đây cũng là một lý do khiến nhiều người phụ nữ tri thức Thổ Nhĩ Kỳ ra nước ngoài định cư. Theo nhà báo Füsun Sarp Nebil, Tổng biên tập báo công nghệ Turk Internet: “Nhiều người phụ nữ sẵn sàng chịu hưởng mức lương thấp. Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đã dành hết công sức, tâm trí và tài năng của mình tại các công ty khởi nghiệp. Điều mà những người phụ nữ này yêu cầu là sự tự do để theo đuổi đam mê của họ. Trong bối cảnh quyền lợi phụ nữ tại Thổ Nhĩ Kỳ đang bị thu hẹp lại, dễ hiểu khi nhiều người phụ nữ chọn việc định cư ra nước ngoài”.
Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân, tổ chức đang ở lại và tạo ra sự thay đổi. Tổ chức phi lợi nhuận Kadin Yazilimci chuyên hoạt động vì quyền lợi của lao động nữ ngành tin học Thổ Nhĩ Kỳ đang có khoảng 3.000 thành viên. Kadin Yazilimci thường tổ chức những buổi gặp mặt trên khắp đất nước để giáo dục người lao động trên khắp đất nước về quyền lợi của họ, đồng thời tập hợp và tổ chức lao động để điều đình với giới chủ. Gần đây tổ chức này còn mở rộng thêm cả hoạt động giảng dạy tin học miễn phí cho các đối tượng nghèo, ở vùng xâu vùng xa.
Cô Elif Kus, Giám đốc một công ty phần mềm, một trong những sáng lập viên của Kadin Yazilimci, cho biết: “Ban đầu tổ chức chỉ là một nhóm có 11 thành viên gặp mặt nhau để chia sẻ về công việc của mình. Kadin Yazilimci nghĩa là “lập trình viên nữ”. Một thành viên đặt tên nhóm như vậy bởi vì cô ấy từng thử search Google cụm từ này và không tìm thấy kết quả nào”.
Trong thời gian điều hành Kadin Yazilimci, cô Elif Kus đã nghe rất nhiều chia sẻ của những người phụ nữ trong ngành IT: “Đa số thành viên cho biết họ có bằng cấp tốt hơn hẳn so với các đồng nghiệp nam giới nhưng lại luôn bị áp đặt những công việc cấp thấp như thư ký, gia công phần mềm hay lập trình trang web. Họ không những không có cơ hội thăng tiến mà luôn phải sống với nỗi lo bị sa thải trong trường hợp mình bị ốm, lấy chồng và sinh con”.
Giáo sư chính trị học Ayhan Kaya trả lời phóng viên hãng tin Al Jazeera: “Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từng có nhiều chương trình thu hút nhân tài vào những năm 2000. Tuy vậy khủng hoảng kinh tế và bộ máy chính trị thay đổi đã buộc những chương trình này phải chấm dứt.... Hiện nay chỉ có một số chính sách của Bộ Giáo dục và Bộ Lao động nhằm hỗ trợ du học sinh nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ là có tác dụng thực tế. Đa số người hưởng lợi từ các chính sách trên là học sinh từ Châu Phi, Pakistan và Bangladesh. Họ vốn lớn lên trong môi trường xã hội - văn hóa giống với Thổ Nhĩ Kỳ. Họ thường xuyên gắn bó với đất nước này hơn là du học sinh đến từ các quốc gia khác”.
Ông Ayhan Kaya vẫn giữ một thái độ tích cực về vấn đề chảy máu chất xám: “Điều mà chúng ta cần nhất lúc này là Thổ Nhĩ Kỳ có những thay đổi căn bản để khởi động lại quá trình gắn kết kinh tế – xã hội với Châu Âu. Nếu điều đó xảy ra thì rất có thể nhiều tri thức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sẵn sàng quay trở lại tổ quốc. Tuy vậy điều này yêu cầu bộ máy chính trị đương thời thực sự hiểu được những sai lầm trong chính sách của họ”.
Cô Fatma Zehra Eksi (22 tuổi), một sinh viên tại Istanbul, cho biết: “Tôi hiểu vì sao nhiều người lại lựa chọn định cư tại nước ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ thật sự cần phải cải cách. Nhưng mà nếu tất cả chúng ta đều rời đi hết thì sẽ chẳng còn ai ở lại để làm cải cách... Bỏ đi không phải là giải pháp. Chúng ta phải ở lại và chiến đấu đến cùng”.