Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến hành chiến dịch quân sự vào Syria

Theo một bài báo độc quyền từ Wall Street Journal công bố ngày 17-12, Các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh dân quân đang chuẩn bị một cuộc tấn công quy mô lớn vào lãnh thổ Syria do lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến về khu vực biên giới với Syria tháng 10-2019. Ảnh: AP

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến về khu vực biên giới với Syria tháng 10-2019. Ảnh: AP

Bài báo dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, có một sự gia tăng đáng kể lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gần thành phố Kobani, nơi có đa số dân cư người Kurd nằm sát biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên lo ngại rằng xung đột có thể xảy ra ngay lập tức. Một quan chức Mỹ cảnh báo: "Một chiến dịch xuyên biên giới có thể sắp xảy ra", đồng thời lưu ý rằng động thái này giống với các cuộc triển khai của Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tiến hành cuộc tấn công vào Đông Bắc Syria năm 2019.

Theo bài báo, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai lực lượng chỉ huy đặc nhiệm mặc quân phục, các đơn vị pháo binh, và dân quân đồng minh tới các vị trí chiến lược dọc biên giới. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng một cuộc tấn công mới không chỉ làm gia tăng bất ổn trong khu vực mà còn phá hoại nỗ lực duy trì an ninh trước các tàn dư của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Sau khi chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, lãnh thổ Syria chia thành hai khu vực rõ rệt, với phần phía tây và phía nam do phe nổi dậy kiểm soát, còn khu vực rộng lớn ở vùng đông bắc do Lực lượng Syria Dân chủ (SDF), với nòng cốt là dân quân người Kurd, kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ coi dân quân người Kurd là lực lượng đối địch và là một phần của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara coi là nhóm khủng bố.

Nhờ Mỹ ngăn chặn

Bà Ilham Ahmed, quan chức chính quyền người Kurk tại Syria, trong thư gửi Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 16-12 cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sắp mở chiến dịch quân sự và thúc giục ông gây áp lực để Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không đưa quân qua biên giới. "Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu kiểm soát các vùng đất của chúng tôi trước khi ông nhậm chức, buộc ông phải tiếp cận họ với tư cách bên quản lý lãnh thổ của chúng tôi", bà Ahmed viết.

Trong bức thư, bà Ahmed cảnh báo rằng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến hơn 200.000 thường dân người Kurd phải di tản, đe dọa các cộng đồng Kitô giáo trong khu vực và làm sâu sắc thêm khủng hoảng nhân đạo. Bà nhấn mạnh: "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc xâm lược, hậu quả sẽ rất thảm khốc". Bà cũng nhắc nhở ông Trump về lời hứa của Mỹ đối với các lực lượng người Kurd, những đồng minh kiên cường trong cuộc chiến chống IS. "Sự lãnh đạo quyết đoán của ngài có thể ngăn chặn cuộc xâm lược này và bảo vệ phẩm giá, an toàn cho những người đã đứng vững vì hòa bình và an ninh", bức thư viết.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã tới Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần trước để cố gắng giảm căng thẳng. Tuy nhiên, ông không nhận được bất kỳ cam kết nào từ phía Tổng thống Erdogan trong việc hạn chế hoạt động quân sự nhắm vào lực lượng người Kurd.

Bất ổn tại Syria gia tăng thêm sau khi liên minh quân nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn dầu kiểm soát Damascus và lật đổ chính phủ cựu Tổng thống Assad. Nhiều bên lo ngại giao tranh giữa các nhóm vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ và dân quân người Kurd sẽ sớm nổ ra.

Ông Trump: Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau vụ lật đổ tổng thống Syria

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16-12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói rằng sự kiện nhà lãnh đạo Bashar al-Assad bị lực lượng đối lập Syria lật đổ là một "chiến dịch tiếp quản không thân thiện" được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. "Tôi nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ là nước rất thông minh... Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một cuộc tiếp quản không thân thiện mà không gây thiệt hại cho nhiều sinh mạng", ông Trump nói với các phóng viên tại tư dinh của mình ở Mar-a-Lago, Florida.

Các nhóm vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát một số khu vực giáp biên giới ở miền bắc Syria. Một số chuyên gia nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đã bật đèn xanh cho chiến dịch của HTS, song không tham gia trực tiếp. Bộ trưởng Quốc phòng Yasar Guler ngày 15-12 tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho chính quyền mới ở Syria nếu được yêu cầu. Ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể thảo luận và đánh giá lại hiện diện quân sự tại Syria với chính quyền mới khi có các điều kiện cần thiết.

Mặc dù cùng là đồng minh NATO nhưng từ nhiều năm nay Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tồn tại những bất đồng về cuộc nội chiến ở Syria. Sự hiện diện của Mỹ ở Syria chủ yếu tập trung vào việc ủng hộ cho các lực lượng SDF. Đây chính là điểm nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Washington và Ankara khi Thổ Nhĩ Kỳ coi SDF là cánh tay nối dài của đảng PKK.

Trong cuộc họp báo ngày 17-12, ông Trump từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu Mỹ có rút các lực lượng khỏi Syria hay không. Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết hiện chưa rõ tương lai chính trị của Syria sẽ diễn biến như thế nào nhưng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ vai trò chủ chốt với quốc gia này.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tho-nhi-ky-co-the-tien-hanh-chien-dich-quan-su-vao-syria-post306120.html
Zalo