Thợ lặn phát hiện xác cá voi biến mất dưới đại dương

Trong lần thứ 3 khám phá đáy biển, Jacobs hồi hộp đợi xác cá voi xuất hiện. Tuy nhiên, những gì thợ lặn này nhìn thấy chỉ là đáy biển cằn cỗi, xác con cá voi con đã biến mất.

 Hình ảnh xác cá vọi được nhiếp ảnh gia ghi lại ngày 1/2, với sự hỗ trợ đèn của thợ lặn Christine Hartley.

Hình ảnh xác cá vọi được nhiếp ảnh gia ghi lại ngày 1/2, với sự hỗ trợ đèn của thợ lặn Christine Hartley.

Đầu tháng 2, khi biển lặng, thợ lặn Doug Bonhaus phát hiện xác một con cá voi xám ở độ sâu 35 m tại hẻm núi ngầm ở Thái Bình Dương, ngoài khơi bờ biển Nam California, Mỹ.

Theo CNN, xác cá voi hiếm khi được nhìn thấy ở độ sâu như vậy. Các nhà sinh vật học biển địa phương đoán rằng đây là con cá voi từng được nhìn thấy bơi gần dải bờ biển La Jolla Shores trong nỗ lực tuyệt vọng tìm kiếm cá voi mẹ.

Các thợ lặn, bao gồm cả Jules Jacobs, một phóng viên ảnh dưới nước, đã đến hiện trường. Xác cá voi nằm trong hẻm núi ngầm nên đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối mới có thể tiếp cận. Do đó, Jacobs đã chuẩn bị tinh thần cho một lần lặn nguy hiểm và áp lực.

 Ảnh ghép từ 28 bức ảnh về loài cá voi, chụp từ độ cao khoảng 8 feet so với mặt nước biển.

Ảnh ghép từ 28 bức ảnh về loài cá voi, chụp từ độ cao khoảng 8 feet so với mặt nước biển.

Khi đang ngụp lặn trong bóng tối lúc chạng vạng cùng 5 thợ lặn khác, đèn lặn đột nhiên chiếu sáng thứ mà Jacobs đang tìm kiếm.

"Thật khiêm nhường khi lặn xuống một thác nước có cá voi, nơi chỉ riêng cái đuôi đã to bằng cả cơ thể bạn", nam phóng viên mô tả.

Jacobs đã lên kế hoạch lặn thêm nhiều lần để quan sát xác cá voi. Một tuần sau, trong buổi thám hiểm lần 2, một phần đuôi của con vật đã biến mất, nghi ngờ bị các loài cá mập rỉa xác.

Sau một đợt bão, Jacobs quay lại đáy biển lần thứ 3. Nắm chặt máy ảnh đến nỗi các đốt ngón tay chuyển sang màu trắng, ông đợi xác cá voi xuất hiện. Tuy nhiên, những gì ông nhìn thấy chỉ là đáy biển cằn cỗi, xác con cá voi con đã biến mất.

Có nhiều giả thuyết về việc xác cá voi biến mất. Gregory Rouse, giáo sư sinh học biển tại Viện Hải dương học Scripps, cho rằng khí tạo ra trong quá trình phân hủy có thể khiến xác cá voi nổi lên và sau đó chìm xuống sâu hơn trong hẻm núi.

Xác cá voi có thể đã bị gió mạnh và dòng chảy cuốn sâu hơn vào hẻm núi, xuống tới 48 m.

Cá voi xám là loài động vật có vú di cư xa nhất, với quãng đường từ Baja California (một bang của Mexico) đến Bắc Băng Dương. Khi trưởng thành, chúng có thể dài hơn 16m, nặng 50 tấn, tuổi thọ đạt tới 50-70 năm.

Quần thể cá voi xám thay đổi theo chu kỳ bùng nổ và suy thoái. Số lượng cá voi xám được ghi nhận đang giảm mạnh do biến đổi khí hậu, va chạm tàu thuyền hoặc vướng vào dây câu.

Joshua Stewart, phó giáo sư tại Viện Động vật có vú biển của Đại học Tiểu bang Oregon, cho biết: "Thế giới khó có thể nuôi sống 25.000 con cá voi xám như trước đây và trong tương lai chúng sẽ càng biến mất nhiều hơn".

Dù vậy, cái chết của một con cá voi không phải là kết thúc mà có thể là sự khởi đầu mới. Xác cá voi cung cấp thức ăn cho nhiều loài và tạo điều kiện cho sự phát triển của rạn san hô.

 Một phần đuôi của cá voi được mô tả có kích thước to bằng cơ thể con người.

Một phần đuôi của cá voi được mô tả có kích thước to bằng cơ thể con người.

Craig Smith, giáo sư danh dự về Hải dương học tại Đại học Hawaii, cho biết xác cá voi có thể là một “vụ mùa bội thu” cung cấp lượng thức ăn tương đương với lượng thức ăn thông thường rơi xuống trầm tích bên dưới trong 200 năm.

Quá trình phân hủy của cá voi diễn ra qua 3 giai đoạn sinh thái riêng biệt. Đầu tiên, những loài ăn xác thối như cá mập, cua, cá mút đá, sẽ xé nát mô mềm trên xác cá voi.

“Sau đó, những con giun quằn quại trong lớp bùn giàu chất hữu cơ bao quanh xác chết. Quá trình này có thể kéo dài 7 năm trong giai đoạn mà các nhà khoa học gọi là giai đoạn làm giàu cơ hội”, Tiến sĩ Smith cho biết.

Cuối cùng, vi khuẩn sâu bên trong xương tạo ra hydro sunfua (loại khí không màu với mùi hôi đặc trưng của trứng thối), cung cấp năng lượng cho vi khuẩn tổng hợp hóa học trên bề mặt xương và những vi khuẩn sống cộng sinh bên trong vật chủ là động vật. Giai đoạn này có thể kéo dài hàng thập kỷ, với hơn 200 loài sinh vật biển phát triển mạnh mẽ chỉ nhờ một lần cá voi chết.

Dù “săn” xác cá voi thất bại, Jacobs cho hay nơi xác cá voi nằm lặng lẽ trong bóng tối sẽ trở thành nơi sinh sôi và phát triển mạnh mẽ của sự sống mới.

“Cá voi con đáng nhẽ sẽ trưởng thành, nhưng cuộc sống của nó đã bị dập tắt ngay từ khi còn nhỏ", nam phóng viên nói.

Châu Sa

Ảnh: Jules Jacobs/The News York Times

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tho-lan-phat-hien-xac-ca-voi-bien-mat-duoi-dai-duong-post1550286.html
Zalo