Thợ điện thoát chết sau tai nạn điện giật cháy đen bàn tay

Bệnh nhân được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu trong tình trạng tay phải bị cháy đen, tỉnh táo, huyết động ổn định nhưng tinh thần hoảng loạn.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nam T.V.T (37 tuổi) là thợ điện, khỏe mạnh, không có bệnh nền, nhập viện do tai nạn lao động liên quan đến điện.

Theo thông tin ban đầu, trong lúc sửa chữa hệ thống điện, bệnh nhân bất ngờ bị điện giật. Anh được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu ngay lập tức trong tình trạng tay phải bị cháy đen, tỉnh táo, huyết động ổn định nhưng tinh thần hoảng loạn.

Tại Khoa Cấp cứu, sau khi thăm khám, các bác sĩ ghi nhận vùng tay phải của bệnh nhân có dấu hiệu bỏng cháy xém, chưa phát hiện rối loạn nhịp tim hoặc ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên, do đặc điểm của bỏng điện có thể gây tổn thương sâu bên trong nghiêm trọng dù bề mặt da có vẻ bình thường, bệnh nhân được đánh giá là có nguy cơ cao và chuyển ngay đến chuyên khoa Tạo hình để theo dõi sát sao.

Bàn tay phải bệnh nhân bị cháy đen sau tai nạn điện giật. Ảnh: BVCC

Bàn tay phải bệnh nhân bị cháy đen sau tai nạn điện giật. Ảnh: BVCC

Tiến sĩ, bác sĩ Dương Mạnh Chiến - Chuyên gia phẫu thuật tạo hình và vi phẫu cho biết: “Qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm hỗ trợ, chúng tôi nhận thấy men cơ của bệnh nhân tăng nhẹ - dấu hiệu cho thấy có tổn thương cơ, nhưng mức độ chưa nguy hiểm. Đây là một tín hiệu tốt, có thể do bệnh nhân đã kịp thời rút tay ra khi bị điện giật, giúp hạn chế phần nào tổn thương sâu. Tuy nhiên, diễn biến của bỏng điện thường khó lường ngay từ đầu. Hoại tử cơ, tắc mạch và nhiễm trùng sâu có thể diễn ra âm thầm sau vài ngày".

Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi chặt chẽ các chỉ số sinh hóa, lượng nước tiểu và điện tim liên tục. Đồng thời, bệnh nhân được điều trị tích cực bằng truyền dịch để loại bỏ độc tố từ cơ, sử dụng kháng sinh sớm để phòng ngừa nhiễm trùng. Nếu có dấu hiệu hoại tử rõ ràng, bác sĩ sẽ can thiệp cắt lọc mô kịp thời.

Theo bác sĩ Chiến, cơ chế gây tổn thương của bỏng điện khác biệt hoàn toàn so với bỏng nhiệt (do nước sôi, dầu nóng, lửa...). Bỏng nhiệt chủ yếu gây tổn thương lớp da bên ngoài với biểu hiện phồng rộp, bong da rõ rệt, trong khi bỏng điện phá hủy từ bên trong - gây tổn thương cơ, gân, mạch máu và cả xương. Bề mặt da nhiều khi không bị tổn thương nặng khiến người bệnh dễ chủ quan. Dòng điện thường đi qua cơ thể theo con đường ngắn nhất, gây tổn thương sâu dọc theo đường đi và tiềm ẩn nguy cơ ngừng tim đột ngột do tác động lên hệ thống dẫn truyền tim.

Các bác sĩ tiến hành điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ tiến hành điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Diễn biến của bỏng điện phức tạp và âm thầm với các nguy cơ lớn như suy thận cấp (do giải phóng myoglobin từ cơ bị hoại tử vào máu), sốc bỏng, nhiễm trùng huyết và mất chức năng chi thể do hoại tử lan rộng.

Hiện tại, sau quá trình theo dõi sát sao, bệnh nhân may mắn không cần phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử. Bàn tay của anh đang hồi phục tốt nhờ điều trị nội khoa và tiếp tục được theo dõi chức năng vận động để xây dựng kế hoạch phục hồi chức năng tối ưu. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy.

Tiến sĩ, bác sĩ Dương Mạnh Chiến nhấn mạnh: “Trong trường hợp bỏng điện, việc xử trí sớm và theo dõi sát diễn biến hoại tử mô là yếu tố sống còn. Khi có dấu hiệu hoại tử, bác sĩ cần chủ động cắt lọc mô chết để ngăn chặn sự lan rộng và nhiễm trùng nghiêm trọng".

Từ trường hợp thực tế này, bác sĩ Chiến cảnh báo, chỉ một giây bất cẩn khi làm việc với điện có thể để lại hậu quả lâu dài. Bỏng điện, khác với bỏng nhiệt, có thể âm thầm phá hủy cơ thể từ bên trong trước khi người bệnh nhận ra. Vì vậy, mọi trường hợp nghi ngờ bị bỏng điện, dù tổn thương ngoài da nhẹ, cần được đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để theo dõi và xử trí kịp thời.

Bé 3 tuổi nguy kịch vì giữa đêm bị ong bay vào nhà tấn công.

Phú Chinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tho-dien-thoat-chet-sau-tai-nan-dien-giat-khien-tay-phai-bi-chay-den-169250505142837287.htm
Zalo