Thơ của người đàn bà yêu chồng

Hai con người sinh ra, lớn lên ở hai châu lục, khác nhau từ dòng giống, ngôn ngữ, nền văn hóa và phong tục tập quán... Họ gặp nhau và chịu tác động của tiếng sét ái tình. Nhưng sau tiếng sét ái tình ấy là cả một trời khác biệt, cả một sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, của cuộc sống thực dụng nếu không nói là nhàm chán thường ngày. Vậy mà giờ đây, sau một phần tư thế kỷ gặp gỡ rồi chung sống, họ vẫn có thể cất tiếng hát say mê về nhau. Thật là một điều kỳ diệu!

Từ trái qua: Nhà văn Trần Thị Trường, nhà thơ Bùi Mai Hạnh và chồng, đứng thứ tư là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng.

Từ trái qua: Nhà văn Trần Thị Trường, nhà thơ Bùi Mai Hạnh và chồng, đứng thứ tư là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng.

Chính vì thế mà ngay khi đọc một vài bài thơ đầu trong sê ri Bùi Mai Hạnh viết tặng chồng - chàng Gary của nàng thơ, tôi đã khuyến khích nàng thơ: Em viết tiếp đi, chị nghĩ loại thơ này quí hiếm và nó sẽ có sức lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người. Và bây giờ, chúng ta đã có một tập thơ thật đặc biệt trên tay, thơ của người-đàn-bà-yêu-chồng, viết tặng chồng và cả tặng mình, thứ thơ có lửa, một ngọn lửa nồng nàn tình yêu đôi lứa của những người Vợ và Chồng không còn trẻ nữa - họ đã qua tuổi trưởng thành, thậm chí đang ở tuổi nghỉ hưu. Và ngọn lửa tình Chồng - Vợ này vừa nồng nàn vừa nồng đượm như than củi của thứ gỗ quí đã trải qua nhiều mùa mưa nắng, khiến ta vừa được vui lây chia sẻ, vừa tin tưởng rằng trên đời này còn nhiều điều tốt đẹp đang tồn tại. Vậy anh chàng này là ai, là người như thế nào mà được nàng thơ - người vợ tặng những vần thơ nồng nàn như vậy.

Gary là một chuyên gia về nước và môi trường, sang Việt Nam làm việc và gặp Nàng thơ. Lúc đó cả hai đều đang ở chặng đường lỡ dở lần một. Gary là một người đàn ông rất hiền và đa cảm. Và tâm hồn đa cảm của Gary khi gặp nàng thơ Bùi Mai Hạnh cũng trở thành một “chàng thơ”. Gary đã viết tặng Bùi Mai Hạnh rất nhiều thơ tình, trong đó có một bài Bùi Mai Hạnh đã nhờ tôi dịch và đọc trong tiệc cưới của Chàng - Nàng ở Viện Goethe năm 2005.

“tôi không quên những buổi chiều

nhưng ban mai mới là điều tôi mong

cho tôi hạnh phúc làm chồng

của người con gái mà lòng tôi yêu”

Qua thơ Bùi Mai Hạnh, chàng hiện lên rất rõ từ dòng họ McLay ở Scotland sang định cư ở Úc đã nhiều đời.

“anh đưa em về thăm mộ tổ tiên.

dòng họ McLay đến từ Scotland”

Tôi thích nhiều bài, nhưng đặc biệt thích bài “Mẹ dạy anh cầm kim khâu”

“mẹ dạy anh nâng niu giữ gìn đồ đạc

mẹ dạy anh dùng giày cho đến khi rách...

mẹ dạy anh không lãng phí

không để lại thức ăn thừa trong đĩa

không chờ đợi ai rửa bát đĩa của mình...

các con hãy lo cho mình, mẹ lo cho mẹ

đời không cho hoa thì ta ngắm lá”

Qua bài thơ này, ta thấy nhân vật Chồng được giáo dục một cách thật kỹ lưỡng về kỹ năng sống, có thể tự chăm sóc mình. Dưới sự giáo dục cẩn thận của người mẹ, anh là người được học hành để trở thành một chuyên gia có chuyên môn giỏi và làm việc nhà cũng giỏi. Tôi thật sự khâm phục và nể trọng những người đàn ông có gốc rễ sâu bền, luôn có một niềm lạc quan yêu đời. Chàng vừa làm mọi việc vừa huýt sáo. Niềm lạc quan “gia truyền” này dường như là thứ men rượu dính kết, níu giữ, chữa lành những vết trầy xước của những mối quan hệ qua thời gian.

Và trong hoàn cảnh hôn nhân “con anh con tôi” rất phức tạp, không khéo sẽ dẫn đến cuộc sống bất hạnh chứ đừng nói gì hạnh phúc. Nhưng chỉ qua khổ thơ sau trong bài “Con tự do bay đi” của Bùi Mai Hạnh, ta thấy người chồng, người cha có tên Gary rất nhân văn và chuẩn chỉnh trong quan niệm cũng như cách ứng xử:

“ngày của cha, tôi nói với chồng

cám ơn anh, người cha dượng tử tế của con em

chồng tôi bất ngờ phản đối

không, em nói sai rồi

anh không là cha dượng

anh là một - người - cha”

Đấy, chân dung Gary, người chồng được nàng thơ Bùi Mai Hạnh của chúng ta yêu mê mải và làm thơ tặng là thế đấy. Tôi nghĩ, chàng ấy cũng xứng đáng được thế lắm. Còn nữ sĩ Bùi Mai Hạnh, tác giả của những bài thơ này thì sao. Nàng là ai. Tôi nghĩ chỉ cần đọc bài thơ có tựa đề “Sao anh không giữ em” là ta có được chân dung nàng tương đối hoàn chỉnh. Qua bài thơ này, ta thấy tấm lòng nhân hậu và bao dung của người chồng của nàng thơ Bùi Mai Hạnh. Là một phụ nữ trí thức, nàng vừa là con người của gia đình, yêu chồng yêu con nhưng tâm hồn nàng lại trải ra cùng từng mạch đất dưới bước chân nàng đi, từng mảng mây bay trên khoảng trời nàng tới và từng số phận con người nàng gặp, chưa gặp mà chạm đến trái tim nàng. Và tâm hồn nhạy cảm ấy luôn rộng mở đón nhận niềm vui cũng như nỗi đau của cuộc đời này, của chính mình, của người thân, bạn bè và đồng loại để sẻ chia một cách chân tình và minh triết. Khi cuộc đời được “phục sinh", Bùi Mai Hạnh bây giờ trở nên mạnh mẽ, dũng cảm, ào ạt và tràn đầy năng lượng.

Tình yêu đôi lứa viên mãn biến thành lòng yêu đời yêu người tràn trề, hồi sinh cho cả nơi cưu mang cõi chết:

“ngay tại nơi này, mùa thu nghĩa trang

em đã thấy người chết sống lại trong một hình hài mới

những cây thông xanh, những bụi hồng thắm

sự sống hoan ca biến hóa khôn lường...”

Nàng thơ đã được tái sinh và có một tâm hồn trong trẻo để đón nhận những hạnh duyên mà đất trời đem đến. Với tâm hồn cởi mở ấy, cái gì cũng thành thơ, tươi non, mơm mởn: từ quả su su bị bỏ quên mọc lá, bà cụ già cho chim trời ăn...

Và đây bài “Hạt nguồn” như một trái hạnh phúc có thực chín mọng trong tâm hồn:

“con chim xanh có bộ lông đốm trắng

con chim trắng có chiếc mào vàng

trong nắng vàng có rất nhiều quả đỏ

trong quả đỏ có hạt đang ngủ mơ...

trong ngủ mơ anh gọi tên em

trong em nở một sinh linh trong suốt

làn da đốm nắng, mái tóc tơ vàng?

mê ăn quả chín, trả hạt về nguồn...”

Lần này, Bùi Mai Hạnh cho ra tập Người Hát gồm hai phần, Người Hát và Người Huýt Sáo. Hãy đọc cả hai phần của tập thơ, bạn sẽ trân trọng hơn niềm hạnh phúc cất lên thành thơ của nàng, vì cuộc đời nàng thơ đã phải trải qua nhiều kiếp nạn cả nghĩa bóng và nghĩa đen, để có thể hát khúc hoan ca ngày hôm nay. Trong những hoàn cảnh đó, một số người có thể đã bị dập vùi. Nhưng may thay, như một câu trong Kinh Thánh: Ơn Chúa, Người đã biến nước lã thành rượu. Nàng thơ của chúng ta đã lột xác cuộc đời mình vì đã tìm ra được chân lý làm chủ cuộc đời theo triết lý của Nhà Phật:

“thứ tha vô lượng đạo trời

mình buông mình buộc mình bơi biển mình”.

Nàng thơ đã tự coach cho mình, coach cho chồng và đang giúp nhiều người tìm lại niềm hạnh phúc họ đáng được hưởng ở cõi trần gian này. Thứ Hạnh Phúc đạt đến cảnh giới mà con người hài hòa với vũ trụ.

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng bài thơ “Nhà mình”, bài thơ kết thúc phần hai “Người huýt sáo” của cả tập thơ “Người hát” này:

“ánh lửa hồng má người nhóm lửa, xao xuyến ngày Đông thứ nhất,

người chồng trở về nhà, mang theo hơi lạnh thung lũng núi thiêng.

căn nhà gỗ sực nức mùi thơm trà gừng, ong rừng cho mật,

người vợ ngẩng lên, chìa má đỏ nóng bỏng đòi hôn...

hạnh phúc nhỏ nhoi đến từng bóng tối hỗn mang, nỗi đau chôn kín của anh của em, của bố mẹ tổ tiên...

niềm vui giản đơn bên bếp lửa gia đình, thắp lên từ triệu triệu kiếp trước,

bữa tối, và những câu chuyện cổ, khép lại một ngày thấm mệt,

bay vào giấc mơ chúng mình, lời ca dao buồn vui mưa nắng tái sinh...

này anh,

chẳng có nơi đâu ấm bằng NHÀ MÌNH...”

“Người hát” là tập thơ của nhà thơ Bùi Mai Hạnh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2025) - người từng chấp bút tác phẩm “Lê Vân, yêu và sống” đình đám năm 2006. Nhà thơ Bùi Mai Hạnh tốt nghiệp khóa 5 Trường Viết văn Nguyễn Du năm 1997. Năm 2012, chị xuất bản tập thơ “Hồn và xác”. Hiện nay chị lấy chồng và định cư tại Úc.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tho-cua-nguoi-dan-ba-yeu-chong-10303850.html
Zalo