Thơ ca Việt Nam:Khơi lên khát vọng và trách nhiệm sáng tạo

Tết Nguyên tiêu - Ngày Thơ Việt Nam đang đến gần. Năm nay, lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam không tổ chức Ngày Thơ Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội nhằm hiện thực hóa mong muốn mở rộng và lan tỏa thơ ca đến công chúng cả nước, đồng thời khơi dậy khát vọng và trách nhiệm của người cầm bút để đưa thơ ca nước nhà vươn xa.

Với chủ đề “Tổ quốc bay lên”, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 năm 2025 sẽ đến với mảnh đất Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), diễn ra trọn vẹn vào Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ (tức ngày 12-2).

Du khách thưởng thức tác phẩm tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thụy Du

Du khách thưởng thức tác phẩm tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thụy Du

Tôn vinh những áng thơ ca ngợi Tổ quốc

Năm 2025, Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức tại thành phố Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình). Lý giải về sự thay đổi không gian này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ X, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có ý tưởng và chủ trương đưa Ngày Thơ Việt Nam đến với công chúng rộng rãi trong cả nước.

“Người dân Việt Nam ở đâu cũng yêu thơ ca. Đó là một phần quan trọng trong căn cước văn hóa của người Việt. Nên Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức ở nhiều vùng miền sẽ tạo cơ hội để thơ ca và những người làm thơ, yêu thơ được gặp gỡ, chia sẻ và cất tiếng, lan tỏa giá trị tinh thần đến cộng đồng”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 diễn ra trong bối cảnh đất nước vừa kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm nước nhà thống nhất, vì vậy, Ban tổ chức chọn chủ đề là “Tổ quốc bay lên”, lấy cảm hứng từ câu thơ “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân.

Cũng từ cảm hứng ấy, các hoạt động Ngày Thơ Việt Nam hướng đến việc tôn vinh những tác phẩm thơ ca ngợi Tổ quốc, dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, nhân loại. Nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam), tác giả kịch bản văn học đêm thơ “Tổ quốc bay lên” vào Rằm tháng Giêng - sự kiện quan trọng trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 cho biết, công chúng sẽ được lắng nghe tác phẩm của các nhà thơ thuộc thế hệ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thế hệ sau ngày thống nhất đất nước và các nhà thơ trẻ.

Trong đó, có những tiết mục ngâm thơ ấn tượng như: “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Dục Thúy sơn” của Trương Hán Siêu, “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân, “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” của Nam Hà và những tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Lệ Thu, Trần Đăng Khoa, Phan Hoàng, Nguyễn Việt Chiến, Trần Kim Hoa, Đinh Thị Như Thúy, Bình Nguyên, Nguyễn Bảo Chân, Nguyễn Tiến Thanh… Thơ ca Việt Nam còn được tôn vinh qua những bài hát nổi tiếng phổ thơ; những tấm pano in thơ cổ và hiện đại, in thông tin tác giả thơ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

Sự xuất hiện của nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl với bài thơ gửi một người mẹ Việt Nam trong ngày thơ năm nay, cùng nhiều câu chuyện về hàn gắn thông qua thơ văn, cũng giàu ý nghĩa. Bởi ông là người lính đã từng tham chiến ở Việt Nam, trở về nghiên cứu về văn học nước ta và suốt 45 năm qua đã dịch, gắn bó sự nghiệp với thơ văn Việt Nam.

Nhà thơ không thể tách rời đời sống xã hội

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 cũng là dịp gặp gỡ, quy tụ các thế hệ nhà thơ đương đại nước nhà, để khơi lên khát vọng và trách nhiệm cống hiến, sáng tạo của người cầm bút.

Nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng, bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới đặt ra vấn đề về trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ trong đời sống sáng tác. Với tư cách người cầm bút, đầu tiên, nhà thơ phải luôn có trách nhiệm tìm tòi, đổi mới, khám phá và chinh phục những chân trời nghệ thuật đang đặt ra hằng ngày, thậm chí hằng giờ khi ngồi trước trang giấy trắng. Với tư cách một công dân, nhà thơ không thể tách rời đời sống xã hội, những chuyển mình của đất nước trong kỷ nguyên mới. Vì thế, bằng sáng tác của mình, người cầm bút phải thể hiện trách nhiệm với đất nước, dân tộc và nhân loại tiến bộ trên thế giới, giống như những thế hệ nhà thơ thời kỳ kháng chiến đã thể hiện rất tốt.

Bên cạnh đó, theo nhà thơ Trần Anh Thái, nhà thơ của thời đại hôm nay còn cần có khát vọng. Ngoài mong muốn, nung nấu có tác phẩm tầm cỡ, được xã hội công nhận, được người đọc nhớ đến, thì mỗi nhà thơ phải có khát vọng đưa nền thơ ca dân tộc sánh vai với các quốc gia trên thế giới thông qua chính tác phẩm của mình và việc quảng bá, dịch thuật thơ ca.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định, “lễ hội” thơ ca tại mảnh đất Ninh Bình lần này sẽ là cuộc gặp gỡ, trao đổi, truyền cảm hứng giữa các thế hệ nhà thơ cả nước, để góp phần định vị nền thơ ca Việt Nam trong thơ ca thế giới, đặt ra những tìm tòi đổi mới để khẳng định chất lượng và tầm vóc của thơ ca nước nhà.

Kỳ vọng vào lớp nhà thơ trẻ trong sự đổi mới phía trước, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho hay, những năm gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp nhiều gương mặt mới, trong đó có số lượng lớn tác giả trẻ dưới 35 tuổi.

“Chỉ 10, 15 năm nữa, các gương mặt này sẽ là chủ nhân của văn đàn, thi đàn, quyết định chân dung văn chương Việt Nam. Họ chính là niềm hy vọng cho những đổi mới thơ ca, nâng cao giá trị đóng góp của thơ ca Việt Nam với đời sống”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ niềm tin.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tho-ca-viet-nam-khoi-len-khat-vong-va-trach-nhiem-sang-tao-692707.html
Zalo