Iraq hồi sinh nhiều di tích cổ
Năm 2014, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm quyền kiểm soát thành phố Mosul của Iraq, phá hủy nhiều di tích văn hóa của thành phố. Sau thời gian được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) giúp tái thiết, nhiều công trình cổ ở đây đã được mở cửa trở lại.
![Tháp Al-Hadba đang được phục dựng. Ảnh: UNESCO](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_17_51431073/177e65755f3bb665ef2a.jpg)
Tháp Al-Hadba đang được phục dựng. Ảnh: UNESCO
Cũng giống như cách tàn phá các thành phố cổ Hatra và Nineveh, IS đã tấn công thành phố Mosul ở phía Bắc Iraq, phá hủy các địa điểm thờ cúng và di tích văn hóa. Sách và bản thảo quý hiếm cũng như các hiện vật từ thư viện, bảo tàng và bộ sưu tập đã bị phá hủy hoặc cướp bóc, trong khi hàng ngàn người bị buộc phải di dời. Khi quân đội Iraq chiếm lại thành phố Mosul vào năm 2017, thành phố không còn nhiều di tích. Theo UNESCO, hơn 80% thành phố cổ Mosul đã bị phá hủy.
Kể từ năm 2018, UNESCO cùng với chính phủ Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác khác đã xây dựng lại các di tích văn hóa của thành phố Mosul thông qua dự án “Phục hồi tinh thần Mosul” có chi phí 144 triệu USD. Các di tích đã và đang được xây dựng lại như nhà thờ Hồi giáo lớn nổi tiếng Al-Nouri với tháp nghiêng Al-Hadba, tu viện Al-Saa'a và nhà thờ Công giáo Syria Al-Tahira, nhà thờ Hồi giáo Al Aghawat và trường học Al-Ekhlass.
Theo kỹ sư Anas Zeyad Abdulmalek, người tham gia xây dựng lại nhà thờ Al-Tahira, 30 công nhân xây dựng đã được tuyển dụng để làm việc cho dự án. Mục tiêu chính của dự án là thúc đẩy sự hòa giải và gắn kết xã hội ở Mosul với tất cả sự đa dạng giữa người theo đạo Thiên chúa, người Do Thái, người Hồi giáo, họ đã chung sống với nhau ở Mosul trong nhiều thế kỷ.
Tu viện Al-Saa'a ở trung tâm thành phố là một địa điểm gặp gỡ tôn giáo, văn hóa và xã hội quan trọng. Điểm đặc trưng của thành phố là tháp chuông được xây dựng đầu tiên ở Iraq. Đây là món quà của vợ vua Napoleon III, hoàng hậu Eugenie de Montijo, tặng cho những người Dominica điều hành tu viện. Đồng hồ tháp được lắp đặt vào năm 1880, đổ chuông mỗi giờ trở thành nhịp điệu thân quen cho cuộc sống của cư dân ở đây. Chỉ sau 11 tháng khởi công, tu viện đã được phục hồi.
Việc phục hồi tháp Al-Hadba, một phần của nhà thờ Hồi giáo Al-Nouri, đặc biệt khó khăn. Tòa tháp nghiêng đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Mosul trong nhiều thế kỷ và là một phần bản sắc của thành phố. Trong các trận chiến giải phóng Mosul năm 2017, người dân đã nỗ lực ngăn chặn để tháp không bị phá hủy hoàn toàn. Giờ đây, tòa tháp đã đứng vững sau khi được lắp ráp lại một cách tỉ mỉ từ những viên đá mà nhóm xây dựng đã cứu được từ hàng tấn đống đổ nát.
Theo UNESCO, các công trình trùng tu đã tạo ra 6.000 việc làm mới ở thành phố Mosul. Hơn 1.300 thanh niên đã được đào tạo các nghề truyền thống như mộc, thợ nề và sơn. Ngày 5-2 vừa qua, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã đến Mosul để thăm các tòa nhà được trùng tu sắp hoàn tất.