Những người 'giữ hồn'' thổ cẩm Jrai
Đối với các nghệ nhân, thổ cẩm truyền thống không chỉ là những họa tiết, màu sắc được dệt nên mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, những câu chuyện về cuộc sống, cũng như tín ngưỡng của cộng đồng.
Câu chuyện của thổ cẩm
Nghệ nhân Rơ Châm Vơn (sinh năm 1950, hiện cư trú tại làng Pok, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là người vừa giành giải nhất tại cuộc thi dệt thổ cẩm truyền thống trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Dã Quỳ – Núi Lửa Chư Đang Ya năm 2024. Căn nhà đơn sơ của nghệ nhân Vơn nằm ở cuối làng. Trong nhà, âm thanh kẽo kẹt từ khung cửi vang lên. Đôi tay khéo léo của bà Vơn chăm chú hoàn thiện những họa tiết cuối cùng của bộ thổ cẩm.
Khi thấy khách đến thăm, bà nở nụ cười hiền, nhưng cũng không giấu nổi vẻ bối rối. Qua vài câu trò chuyện, chúng tôi hiểu bà lo lắng vì không thể giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Chúng tôi phải đợi đến trưa, khi cháu gái của bà tan trường về, mới có thể trò chuyện.
Nhờ vào sự trợ giúp của phiên dịch viên nhí, bà Vơn tâm sự, từ khi còn nhỏ, bà đã được mẹ và bà ngoại truyền dạy nghề dệt, bao gồm kỹ thuật dệt, cách phối màu và ý nghĩa sâu xa của từng hoa văn trên thổ cẩm.
Việc học nghề từ khi còn nhỏ không chỉ giúp bà tạo ra những sản phẩm mang giá trị thẩm mỹ, mà còn gìn giữ được bản sắc văn hóa thổ cẩm đặc sắc.
Chia sẻ về bí quyết tạo nên những tấm vải thổ cẩm sống động, hài hòa, đầy ắp câu chuyện lịch sử và văn hóa của người Jrai, bà Vơn cho biết: "Nghề dệt thổ cẩm không chỉ là công việc kiếm sống mà còn là một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa, là niềm tự hào của các cô gái Jrai.
Mỗi tấm thổ cẩm không chỉ phản ánh những họa tiết, màu sắc mà còn là nơi chứa đựng tình yêu, niềm tin và câu chuyện về cuộc sống, thiên nhiên cũng như tín ngưỡng của cộng đồng. Dù công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và có những lúc gặp khó khăn, nhưng niềm vui khi nhìn thấy từng hoa văn dần hiện lên trên sản phẩm do chính tay mình tạo ra thật khó tả".
Nói đến đây, giọng bà Vơn bỗng chùng xuống. Càng tuổi cao, bà càng lo lắng về việc lớp trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm.
Bà chia sẻ: "Hiện nay, ở làng người dệt thổ cẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi để hoàn thành một bộ thổ cẩm, cần rất nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, khi xã hội phát triển, các sản phẩm thổ cẩm dệt máy xuất hiện ngày càng nhiều, giá thành lại thấp, khiến các sản phẩm thủ công dần bị mất chỗ đứng".
Mặc dù các cô con gái của bà đều thêu dệt rất khéo nhưng không ai trong số họ theo nghề. Cuộc sống mưu sinh, với gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến các con bà phải tìm công việc làm thuê, làm mướn với nguồn thu nhập ổn định và cao hơn. Bà lo lắng, khi thế hệ như bà già ra đi, sẽ không có ai kế thừa và tiếp tục phát triển nghề dệt thổ cẩm mà tổ tiên đã gìn giữ.
Níu giữ truyền thống
Nếu không có người tiếp nối, những giá trị văn hóa của tổ tiên sẽ dần bị lãng quên. Nhận thức rõ điều này, tại làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh), một câu lạc bộ dệt truyền thống đã được thành lập, nhằm duy trì và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời ấy.
Trao đổi với chúng tôi, chị H Uyên Niê, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: "Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là khi các sản phẩm dệt máy công nghiệp tràn ngập thị trường, làm giảm giá trị của sản phẩm thủ công. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân vẫn kiên trì bảo tồn nghề, vì đam mê và mong muốn truyền lại những giá trị văn hóa cho thế hệ sau.
Để nghề dệt thổ cẩm có thể tồn tại và phát triển trong thời đại hiện đại, chúng tôi luôn sẵn sàng học hỏi, sáng tạo và thay đổi. Chúng tôi không chỉ kết hợp các mẫu mã, màu sắc mới mà còn tìm cách áp dụng thổ cẩm vào các sản phẩm thời trang hiện đại. Chúng tôi muốn thổ cẩm không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội mà còn là một phần của cuộc sống hàng ngày, để ai cũng có thể cảm nhận được nét đẹp của nó".
Theo chị Uyên, tại làng Kép hiện có hơn 30 nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống, kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng. Các sản phẩm dệt thủ công chủ yếu là khăn quàng cổ, túi xách, trang phục.
Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện rất tốn thời gian. Số lượng sản phẩm tiêu thụ không nhiều và lợi nhuận mang lại vẫn còn khiêm tốn. Chính vì thế, giới trẻ hiện nay không mấy hứng thú với nghề dệt.
Chị Uyên cho rằng để bảo tồn và phát triển văn hóa dệt thổ cẩm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, các nghệ nhân, tổ chức và chính quyền địa phương. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ các nghệ nhân, tạo điều kiện cho họ duy trì nghề nghiệp bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, nguyên liệu và công cụ.
Việc mở các lớp học truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ cũng là một giải pháp quan trọng để duy trì nghề dệt lâu dài. Các khóa học dạy kỹ thuật dệt thổ cẩm cho thanh thiếu niên trong cộng đồng, hoặc việc đưa chương trình dạy dệt thổ cẩm vào giáo dục địa phương và các trung tâm văn hóa sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu nghề hơn.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quảng bá và kết nối thị trường. Việc quảng bá thổ cẩm qua các hội chợ, triển lãm, mạng xã hội và các kênh thương mại điện tử sẽ giúp sản phẩm tiếp cận được nhiều người hơn, trong nước và quốc tế. Các chương trình liên kết với doanh nghiệp, thương hiệu thời trang lớn cũng giúp nâng cao giá trị và mở rộng thị trường cho thổ cẩm.
Để tạo ra một sản phẩm thổ cẩm, các nghệ nhân phải rất tỉ mỉ qua nhiều công đoạn.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Rơ Châm Nghị, một nghệ nhân kỳ cựu tại làng Kép, chia sẻ: "Đối với tôi, nghề dệt không chỉ là một công việc mà là tình yêu, là niềm tự hào và là sợi dây kết nối với văn hóa dân tộc. Những năm tháng gắn bó với khung dệt, từng sợi chỉ, từng hoa văn đã trở thành một phần của cuộc sống, là cách để chúng tôi truyền tải linh hồn và tinh thần dân tộc qua từng tấm thổ cẩm".
Bà Nghị tâm sự, bà đã gắn bó với nghề từ khi còn nhỏ, học cách phối màu và dệt những hoa văn đặc trưng của dân tộc. Nghề dệt là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Mỗi khi hoàn thành một sản phẩm, bà lại cảm thấy tràn đầy niềm vui và tự hào vì vẫn gìn giữ được một phần văn hóa của tổ tiên.
Bà luôn mong rằng thế hệ trẻ sẽ yêu thích nghề này, tiếp tục bảo tồn và phát triển thổ cẩm. "Mỗi tấm thổ cẩm không chỉ là sản phẩm thủ công, mà là phần hồn của dân tộc, là câu chuyện về lịch sử, cuộc sống và tâm hồn của chúng ta", bà nói.
Các nghệ nhân làng Kép mong muốn thế hệ trẻ không để nghề dệt thổ cẩm dần mai một, thay vào đó, sẽ sáng tạo và áp dụng nghề vào cuộc sống hiện đại, từ đó bảo tồn và phát huy vẻ đẹp văn hóa này.
Trăn trở này là minh chứng sống cho tình yêu sâu sắc với văn hóa dân tộc, cũng như tinh thần kiên trì, bền bỉ trong việc vượt qua khó khăn để gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chư Păh cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã đưa nghề dệt thổ cẩm vào chương trình dạy nghề, tổ chức hàng chục lớp đào tạo cho phụ nữ tại các xã, thị trấn.
Tuy nhiên, người dân chủ yếu dệt thổ cẩm phục vụ cho nhu cầu gia đình, chưa thể sống được bằng nghề này vì sản phẩm vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định.
"Chúng tôi đang nỗ lực thành lập các tổ hợp tác nghề thổ cẩm, để xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Hy vọng, khi các tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mô hình này sẽ được nhân rộng, giúp người dệt thổ cẩm có thể sống được với nghề", ông Đức nói.