Thiếu tướng Mai Hoàng: Khuyến cáo về tội phạm cướp ngân hàng

Thiếu tướng Mai Hoàng dẫn chứng một vụ cướp ngân hàng mà kẻ cướp đã lên kế hoạch rất kỹ, hơn 1 năm trước khi ra tay.

Ngày 21-11, Công an TP HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn TP HCM.

Tham dự có thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP HCM; ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM; đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cùng đại diện các ngân hàng, cơ quan liên quan.

Thiếu tướng Mai Hoàng phát biểu tại hội nghị

Thiếu tướng Mai Hoàng phát biểu tại hội nghị

Vạch trần thủ đoạn

Tại hội nghị, đại tá Phạm Đình Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP HCM, thông tin trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 4 vụ cướp ngân hàng tại các tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, Lâm Đồng và Bình Dương.

Hiện nay, TP HCM có 11 Hội sở Ngân hàng và 1.913 chi nhánh, điểm giao dịch đang hoạt động. Đây là những nơi luôn có tài sản và số tiền mặt lớn tại các quầy để thuận tiện cho khách hàng giao dịch và điều này đã trở thành mục tiêu cho tội phạm nhắm tới.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, TP HCM không ghi nhận xảy ra vụ cướp tài sản tại các ngân hàng. Có 1 vụ cạy cây ATM của ngân hàng ACB địa bàn Hóc Môn vào tháng 4-2024 nhưng chưa lấy được tài sản; 1 vụ trộm cắp tài sản tại ngân hàng Techcombank địa bàn TP Thủ Đức đầu năm 2024.

Đại tá Phạm Đình Ngọc

Đại tá Phạm Đình Ngọc

Theo đại tá Phạm Đình Ngọc, các đối tượng cướp ngân hàng hoạt động manh động và liều lĩnh. Chúng lập nhóm kín, kết bạn với nhau trên các nền tảng mạng xã hội để trao đổi, thống nhất thực hiện hành vi cướp tài sản tại các ngân hàng. Thành phần chủ yếu không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, nợ nần, khó khăn về kinh tế... thậm chí không có mối quan hệ với nhau từ trước.

Trước khi lựa chọn mục tiêu gây án, các đối tượng thường khảo sát, nghiên cứu đặc điểm địa hình xung quanh, quy luật hoạt động tại các ngân hàng, nơi cất giấu tài sản, hướng tẩu thoát sau khi gây án.

Sau khi lên kế hoạch kỹ, các đối tượng mới chuẩn bị công cụ, hung khí và thực hiện cướp ngân hàng. Khi ra tay, đối tượng uy hiếp nhân viên ngân hàng và triệt tiêu khả năng chống cự của họ để nhanh chóng thực hiện hành vi cướp tài sản.

"Các vụ cướp thường xảy ra vào thời điểm lượng khách ít, nhân viên bảo vệ mất cảnh giác, còn sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội"- đại tá Phạm Đình Ngọc nói.

Tăng cường phối hợp

Thượng tá Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng Công an huyện Hóc Môn, khẳng định bài học trong các vụ cướp ngân hàng vẫn là công tác phòng ngừa. "Không để xảy ra tội phạm cướp, trộm cắp tại các tổ chức tín dụng; công tác phòng ngừa là quan trọng nhất. Khi xảy ra thì công tác phối hợp giữa ngân hàng và công an phải được triển khai nhanh chóng. Lực lượng công an sẽ tăng cường công tác tuần tra, phối hợp, công tác quản lý địa bàn, quản lý thông tin trên không gian mạng"- thượng tá Nguyễn Ngọc Nam nhấn mạnh.

Theo thượng tá Nguyễn Ngọc Nam, các ngân hàng bên cạnh trang bị hệ thống đồng bộ cần quan tâm nâng cao kỹ năng, huấn luyện những tình huống cho nhân viên xử lý khi xảy ra.

Đặc biệt, cần quan tâm đào tạo, huấn luyện đối với lực lượng bảo vệ của ngân hàng. Thượng tá Nguyễn Ngọc Nam dẫn chứng vụ việc cướp 3,8 tỉ đồng tại Sacombank Hóc Môn, bảo vệ gần như không phản ứng khi xảy ra vụ việc.

Bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc VPBank chia sẻ hoạt động phòng chống tội phạm của ngân hàng

Bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc VPBank chia sẻ hoạt động phòng chống tội phạm của ngân hàng

Tại hội nghị, bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc VPBank chia sẻ: "Bảo vệ nhân viên, khách hàng là điều mà chúng tôi hướng tới đầu tiên. Hiện nay, VPBank đã lắp đặt 100% camera ở các chi nhánh, phòng giao dịch và ATM; sau đó hướng tới gắn camera khắp cả nước (ATM). Ngân hàng chúng tôi mong muốn Công an TP HCM phối hợp đào tạo, huấn luyện cho nhân viên ngân hàng, bảo vệ".

Khách mời tham quan mô hình camera giám sát tại Hội sở VPBank

Khách mời tham quan mô hình camera giám sát tại Hội sở VPBank

Không để gây án ở bất cứ đâu

Phát biểu kết luận hội nghị, Thiếu tướng Mai Hoàng nhất mạnh công tác phòng ngừa là quan trọng nhất, khi xảy ra sự việc thì việc giải quyết hậu quả là quá muộn màng. Có vụ cướp ngân hàng đối tượng nghiên cứu kế hoạch rất kỹ lưỡng, bài bản hơn 1 năm sau mới ra tay.

Về tư tưởng, ý định phạm tội của đối tượng phạm tội thì không thể phòng ngừa. Vì thế, công tác phối hợp giữa công an và ngân hàng phải làm sao các đối tượng từ bỏ hành vi phạm tội.

Ngoài ngân hàng thì các điểm thu đổi ngoại tệ, mua bán vàng bạc đá quý, cửa hàng tiện lợi thì cũng là mục tiêu của đối tượng phạm tội. Mục tiêu của Công an TP HCM là không để xảy ra tội phạm ở bất kỳ điểm giao dịch, cây ATM nào.

Theo Thiếu tướng Mai Hoàng, việc kiểm tra bước đầu tại ngân hàng phải được thực hiện nghiêm túc. Người dân đến ngân hàng trong tâm thế tin tưởng thì họ sẽ có thái độ đúng đắn, ăn mặc chỉnh chu. Đối với những trừng hợp đeo khẩu trang, đội nón, đeo bao tay thì cần sàn lọc đưa sang khu vực riêng để phục vụ, như vậy sẽ hạn chế cao nhất rủi ro.

Phó Giám đốc Công an TP HCM cũng cho rằng số kinh phí bỏ ra không quá lớn, với đội ngũ kỹ thuật sẵn có của các ngân hàng thì dư sức làm.

Thiếu tướng Mai Hoàng khẳng định: "Cơ bản các ngân hàng có quan tâm hay không. Khi cướp xảy ra mới báo thì muộn mất rồi. Quan trọng phòng ngừa từ sớm từ xa chứ ngân hàng nói không có kinh phí thì công an cũng đành chịu".

PHẠM DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thieu-tuong-mai-hoang-khuyen-cao-ve-toi-pham-cuop-ngan-hang-196241121132549701.htm
Zalo