Giới luật của người xuất gia

Mỗi người xuất gia là một nhân tố quan trọng quyết định sự tồn vong của đạo pháp. Nhưng con người rất dễ bị tham sân si chi phối Cho nên, người đệ tử Phật cần tự điều phục tâm mình bằng cách thọ trì giới luật.

Giới luật là điều cần thiết cho người xuất gia vì: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp. Giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất”. Giữ giới đối với người xuất gia nhằm ngăn ngừa tất cả tội lỗi và giữ gìn thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Nhờ giữ giới mà được định tâm, nhờ định tâm mà phát sinh trí huệ giác ngộ. Vì thế, người xuất gia cần phải tôn trọng giới luật như là vị Đạo sư của mình để ứng dụng tu tập giải thoát và phụng sự chúng sinh.

Trong kinh Di giáo, Đức Phật có dạy:

“Này Tỳ-khưu các bậc

Khi Ta nhập Niết-bàn

Phải tôn trọng kinh luật

Như đêm tối gặp đèn

Như người nghèo được báu

Phải biết giới là thầy

Giá Ta còn sống mãi

Cũng chẳng khác chẳng sai”.

Người xuất gia ban đầu còn nhiều tập khí xấu do nhiều kiếp huân tập và các lậu hoặc vẫn còn, cho nên việc giữ gìn giới luật và oai nghi hết sức cần thiết và quan trọng. Trên lộ trình tu tập giải thoát thì giới, định, tuệ hay còn gọi là Tam vô lậu học là con đường duy nhất đưa đến Niết-bàn an lạc. Trong đó, giới đóng vai trò cơ bản vì giới chính là nền tảng đạo hạnh cho người xuất gia, là yếu tố quan trọng để sinh định và phát tuệ.

Bản chất của giới luật là phòng hộ, là bờ đê ngăn cản những dòng nước đục từ bên ngoài tràn vào tâm làm cho tâm tư vẩn đục. Cho nên, mỗi người xuất gia phải luôn chú tâm đến mọi hoạt động của thân, khẩu, ý và phải tự kiểm soát, tự kiềm chế không để cho tâm buông lung và khởi niệm ham muốn. Thế nhưng, phàm là con người, ai cũng có những ham muốn và chấp thủ của bản thân. Dù đã ly gia cắt ái, từ bỏ đời sống thế gian, rời bỏ gia đình, cha mẹ nhưng tập hạnh xấu trong mỗi con người vẫn luôn tồn tại, nó luôn đeo bám và không rời xa ta, đó chính là ái nhiễm.

Việc giữ giới chính là nền tảng rất quan trọng, ví như một căn nhà được xây dựng với nền móng vững chắc thì căn nhà ấy sẽ tồn tại lâu dài. Cũng vậy, nếu hiện tại người xuất gia sống đúng với giới luật thì đó là biểu tượng cho Chánh pháp được trường tồn, đồng thời cũng nói lên được tinh thần chấn hưng Phật giáo một cách rõ rệt.

Đức Phật tùy theo căn cơ và trình độ chúng sinh mà giáo hóa, Ngài cũng quyền xảo phương tiện dựa vào những điều vi phạm của hàng đệ tử mà đặt ra giới luật. Vì thế một người mới xuất gia sẽ được học về mười giới và oai nghi. Trong đó, giới thứ ba là không dâm dục được đặc biệt chú trọng. Ðức Phật dạy: “Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng sắc dục. Lòng ham thích sắc đẹp to lớn không gì sánh bằng. May thay, chỉ có một mình nó mà thôi. Nếu có hai thứ như thế thì khắp thiên hạ không ai có thể tu đạo được cả”. Nói như thế, chúng ta thấy rằng việc Đức Phật đặt ra giới luật là lợi ích vô cùng đối với những ai hành trì.

Người tu là những hành giả lội ngược dòng, luôn phải nỗ lực để vượt qua những bản năng tự nhiên của con người, không để cho tham, sân, si và dục vọng sai sử dẫn đến mất phạm hạnh. Nên biết ái dục là gốc rễ của sinh tử, chúng sinh chịu khổ trong vòng luân hồi đều do ái dục mà ra. Con người sinh ra do sắc dục, chết bởi sắc dục, đó là lẽ thường của thế tục và thuận theo luân hồi sinh tử. Nhưng người xuất gia đi ngược lại, có đi ngược lại thì mới thể nhập Thánh đạo, có cầu đại đạo ắt phải ra khỏi đường mê và ái dục. Hay nói cách khác thì người xuất gia ra khỏi nhà hữu vi của thế tục, vào nhà vô vi của xuất thế.

Trong Phật pháp, dâm dục gọi là “bất tịnh hạnh”, là do ái dục làm nhiễm ô nội tâm của chính mình, nên gọi là “bất tịnh”, giới phẩm thanh tịnh gọi là “tịnh hạnh”. Vì thế, nếu giới không trong sạch, bị nhiễm ô thì gọi là “phi phạm hạnh”. Người tu học Phật pháp nếu làm việc phi phạm hạnh thì sẽ dẫn đến bên trong làm nhơ thể tánh của mình, bên ngoài làm nhơ bẩn tâm địa của người khác. Trong kinh thường nói: “Ái dục là nhân chính của sinh tử, cội gốc luân hồi. Tại sao vậy? Vì phàm khi ái dục nổi lên mà không biết chế ngự hay đoạn trừ nó vĩnh viễn, thì không mong gì thoát ly sinh tử luân hồi”.

Kinh Lăng nghiêm dạy: “Tâm dục không đoạn trừ, không dễ gì ra khỏi trần lao. Dù có đa trí thiền định ngay hiện tại, dâm dục không đoạn tuyệt, chắc chắn lạc vào ma đạo”. Cho nên, Đức Phật vì không muốn hàng đệ tử mình rơi vào ma đạo, đã đặt ra hàng rào phòng hộ, giữ giới dâm sẽ thoát được những khổ đau sinh tử. Những ai không muốn lặn ngụp trong bể dục, nổi chìm trong sông ái thì cần phải dụng công tu tập và giữ giới dâm. Giữ giới thì sẽ lắng đọng những tham muốn, khát khao, những dục vọng chấp trước mà hướng đến tâm thanh tịnh, cũng như ánh sáng tràn đến thì bóng tối tự tan đi. Người xuất gia hàng ngày, hàng giờ phải tinh tấn hành trì giới luật của Như Lai, đừng để thời gian qua mau rồi uổng phí.

Việc người xuất gia giữ giới dâm phải bắt đầu từ việc bảo hộ các căn không cho phóng túng khiến các phiền não nhập vào tâm thức qua việc lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Qua đó, nghiệp ác của người phạm vào giới dâm thì thường bị mất danh dự, tổn hại sức khỏe và đánh mất sự tin tưởng, khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Còn người giữ giới trong sạch và có đời sống phạm hạnh thì nghiệp thiện của họ là được kính trọng, không sợ phải sinh vào khổ cảnh. Người xuất gia phải luôn chánh niệm tỉnh giác để tâm không phan duyên suy nghĩ lầm lạc dẫn đến vọng tưởng và điên đảo kiếm tìm khao khát bản năng.

Như vậy, sẽ không còn chỗ cho dâm dật và ảo giác về việc hưởng thụ dục lạc của bản thân. Bên cạnh đó, người xuất gia phải sống đời thiểu dục tri túc, biết tiết chế trong ăn uống thì dục sẽ không sinh, biết đủ thì tham sẽ không khởi. Đức Phật dạy người xuất gia nên dùng trực tâm mà tu đạo và suy nghĩ về đạo, trong mỗi niệm, người xuất gia nên lấy việc thoát tham dục ái làm mục tiêu của mình. Ái tình và dục vọng chính là bùn lầy, người xuất gia cần phải vượt ra khỏi vũng bùn ấy. Một khi phạm giới dâm, người xuất gia rất dễ phạm giới sát, cũng dễ dàng phạm giới trộm cắp, và vọng ngữ. Bởi vậy, phạm giới dâm thì các giới sát sinh, trộm cắp, dối trá đều bao hàm trong đó.

Việc giữ giới chính là nền tảng rất quan trọng, ví như một căn nhà được xây dựng với nền móng vững chắc thì căn nhà ấy sẽ tồn tại lâu dài. Cũng vậy, nếu hiện tại người xuất gia sống đúng với giới luật thì đó là biểu tượng cho Chánh pháp được trường tồn, đồng thời cũng nói lên được tinh thần chấn hưng Phật giáo một cách rõ rệt. Đạo Phật là một con đường giải thoát chứ không phải là một hệ thống luân lý, mô phạm, cấm đoán con người làm điều này, bắt buộc làm điều kia. Vì “tâm dẫn đầu các pháp”. Cho nên giới có thể xem là một điểm khởi đầu, một giai đoạn của sự tu tập: Nhờ giữ giới cho nên tâm mới định, nhờ định nên mới có tuệ, nhờ tuệ mới có giải thoát. Cũng như lời giải thích của Đức Phật mỗi khi Ngài chế ra một giới: “Vì sự kiện toàn của Tăng-già, sự trường tồn của Chánh pháp, sự an lạc của Tăng chúng, sự tăng trưởng của lòng tin, sự đoạn diệt phiền não trong hiện tại và tương lai...”.

Giới luật không phải chỉ giúp ích cho sự tu tập giải thoát cho mỗi người xuất gia, mà còn cần thiết cho sự đoàn kết, an tịnh của Tăng đoàn. Nhờ có giới luật mà hàng xuất gia được cơ duyên vun bồi phước đức, huân tập đạo đức thâm sâu, tâm hành thuần thục, cung cách oai nghi tỏ rạng, khiến cho mọi người khởi tâm kính mộ và từ đó đem lại sự hưng thịnh cho Phật pháp, lợi lạc cho quần sinh.

Liên Dung/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/gioi-luat-cua-nguoi-xuat-gia-post74134.html
Zalo