Thiếu nguồn lực, các dự án du lịch 'thuận thiên' chưa thể tạo đột phá
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch, ngành du lịch nỗ lực thúc đẩy các dự án du lịch bền vững, thích ứng với BĐKH và mang lại những hiệu quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực dẫn đến việc nhân rộng các dự án này đang gặp nhiều khó khăn…
![Ngành du lịch nỗ lực thúc đẩy các dự án du lịch bền vững dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng vùng miền và hạn chế tác động làm thay đổi cảnh quan, môi trường. Ảnh: N.Lộc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_624_51436819/032b3a01014fe811b15e.jpg)
Ngành du lịch nỗ lực thúc đẩy các dự án du lịch bền vững dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng vùng miền và hạn chế tác động làm thay đổi cảnh quan, môi trường. Ảnh: N.Lộc
Những dự án phát triển du lịch đa giá trị, giúp thích ứng với BĐKH
Tận dụng không gian nông thôn, với những chất liệu sẵn có từ rơm rạ, Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe) đã cho ra mắt Dự án “Sản phẩm du lịch từ rơm Đường Lâm”, tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội), tạo ấn tượng mạnh với du khách khi tới đây. Thông qua Dự án này giúp người dân làng cổ Đường Lâm khai thác tận dụng rơm để làm ra nhiều sản phẩm du lịch như: Đồ lưu niệm rơm, thời trang rơm, tận dụng cảnh quan, môi trường nông thôn... giảm thiểu việc đốt rơm gây ô nhiễm môi trường và khai thác hiệu quả các giá trị của cánh đồng.
Nhằm tiết kiệm năng lượng, cũng như tạo sản phẩm du lịch mới, mô hình “khách sạn bóng đêm” ra đời cũng thực sự lôi cuốn du khách, khi tận dụng bóng đêm để mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm hoàn toàn mới. Dự án này được trao tặng giải thưởng cống hiến của cuộc thi “Ý tưởng kinh tế xanh 2011” và đã được chuyển giao công nghệ cho 3 doanh nghiệp tại Hội chợ Techmart Quốc tế 2013.
![Du khách thích thú khi được trải nghiệm không gian văn hóa làng cổ Đường Lâm. Ảnh: N.Lộc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_624_51436819/9682dda8e6e60fb856f7.jpg)
Du khách thích thú khi được trải nghiệm không gian văn hóa làng cổ Đường Lâm. Ảnh: N.Lộc
Đây là hai trong số những mô hình phát triển du lịch được STDe dày công phát triển, chuyển giao phi lợi nhuận cho các doanh nghiệp, điểm đến, với mục tiêu chung là tạo không gian phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt Nam thích ứng với BĐKH.
Có thể nói, thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, nhiều tổ chức phát triển du lịch đã tăng cường đầu tư trọng điểm cho các công trình nghiên cứu có “tư duy đột phá”, góp phần giải quyết các thách thức lớn nhất của du lịch hiện nay như vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và BĐKH...
Nhiều ý tưởng sáng tạo đã dần trở thành những sản phẩm du lịch cụ thể và đi được vào cuộc sống, tạo ra sức hấp dẫn cho điểm đến. Bên cạnh đó, về giá trị kinh tế làm tăng chuỗi giá trị cho tài nguyên, sáng tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo với chi phí vật liệu thấp; làm tăng doanh thu du lịch và lợi nhuận...
TS. Đỗ Đình Đức - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội
Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, song cũng thường xuyên phải đối diện với thiên tai, ngành du lịch Quảng Bình đã từng bước chuyển hướng sang đẩy mạnh du lịch thích ứng thời tiết, gắn với biến BĐKH với sự ra đời của nhiều mô hình, sáng kiến hay, như homestay “nhà nổi”, “Trải nghiệm lái xe địa hình khám phá cảnh quan, thiên nhiên”, hạn chế xây dựng, ít gây tác động đến môi trường…
“Việc đưa mô hình du lịch thích ứng thời tiết và các sản phẩm du lịch vào khai thác, phục vụ khách du lịch là kết quả bước đầu cho việc phát triển du lịch theo hướng bền vững trong suốt thời gian qua của ngành du lịch tỉnh" - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý cho biết, đồng thời lưu ý, đây vừa là mục tiêu vừa là xu hướng du lịch trong tương lai, để thay đổi khó khăn, hạn chế trở thành những điều khác biệt và đặc biệt.
Còn theo TS. Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch STDe, để thực hiện mục tiêu Phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, trong hàng chục năm qua, STDe đã nghiên cứu và liên tục công bố 35 bộ sản phẩm du lịch đột phá, tạo được nhiều tiếng vang trong dư luận như: sản phẩm “Mưa, bão, lụt miền trung”, “Gió Bạc Liêu”, “Rơm Đường Lâm”, “Khách sạn bóng đêm”… Trong đó, có nhiều sản phẩm đã được triển khai trên thực tế.
“STDe đã và đang góp phần mở ra một cánh cửa mới, một lối đi hoàn toàn khác biệt cho con đường sáng tạo và phát triển sản phẩm du lịch tại Việt Nam theo hướng bền vững” - TS. Hạnh nhấn mạnh.
Khó khăn do thiếu nguồn lực...
Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc cho ra đời các mô hình phát triển du lịch theo hướng "thuận thiên" thể hiện tư duy đột phá, biến khó khăn thành cơ hội... đang ngày càng được khẳng định được chỗ đứng. Đặc biệt là khi vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tài nguyên trong hoạt động du lịch trở nên vô cùng bức thiết.
![Nhiều địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng chú trọng đến phát triển du lịch theo hướng "thuận thiên"...](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_624_51436819/b70ffb25c06b2935707a.jpg)
Nhiều địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng chú trọng đến phát triển du lịch theo hướng "thuận thiên"...
Song thực tiễn, việc nhân rộng, áp dụng các mô hình này còn gặp những khó khăn, thách thức nhất định.
Từ góc độ địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum, chia sẻ: du lịch Trà Vinh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như, các khu du lịch sinh thái mới được bước đầu triển khai thành lập, cơ sở hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng chưa được đầu tư đồng bộ, sản phẩm chưa thực sự độc đáo nên số lượng khách quốc tế tìm đến chưa cao...
“Dù có ý tưởng, nhưng nguồn lực của địa phương không đủ, cộng với việc chưa thực sự thu hút được các doanh nghiệp mạnh về du lịch nên chúng tôi chưa thể phát huy hiệu quả của các mô hình này trên phạm vi rộng” - ông Sum nói; đồng thời cho biết thêm địa phương sẽ tiếp tục phối hợp cùng các doanh nghiệp theo đuổi ý tưởng này, trong bối cảnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên phải hứng chịu tác động của BĐKH.
Xây dựng các mô hình du lịch thuận thiên không chỉ giúp mang lại giá trị kinh tế khi gia tăng chuỗi giá trị cho tài nguyên, tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đa dạng độc đáo, mà còn mang đến những giá trị cho môi trường, tạo ra sự bền vững cho kinh tế du lịch nói riêng và kinh tế liên ngành nói chung.
Khó khăn của tỉnh Trà Vinh cũng là khó khăn chung mà ngành du lịch cả nước đang gặp phải. Theo lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện ngân sách cho du lịch còn tương đối hạn chế. Trong đó, cơ cấu chi cho du lịch phần lớn được dành cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; công tác đào tạo và chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển các mô hình phát triển du lịch mới.
“Nếu có, thì mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ đào tạo lao động, trong khi các mô hình mới áp dụng trong phạm vi nhỏ, vấn đề đào tạo lao động chưa phải là cấp thiết” - Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết.
Trong khi đó, việc thử nghiệm các mô hình mới đòi hỏi thời gian và tiêu tốn một nguồn lực đáng kể nên nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng không mặn mà. “Những thành quả hiện nay chủ yếu đến từ các tổ chức xã hội và một số điểm đến đã rày công nghiên cứu và thử nghiệm. Từ kết quả đó, doanh nghiệp, địa phương mới xem xét nhân rộng” - ông Thủy cho biết thêm; song cũng thừa nhận, nhiều doanh nghiệp, điểm đến còn chưa dám theo đuổi một hướng đi mới như vậy.
!["Giờ trái đất" là một trong những dự án phát triển du lịch độc đáo, đồng thời thể hiện trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Ảnh: N.Lộc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_624_51436819/d9259b0fa041491f1050.jpg)
"Giờ trái đất" là một trong những dự án phát triển du lịch độc đáo, đồng thời thể hiện trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Ảnh: N.Lộc
Đây cũng là vấn đề được đại diện doanh nghiệp lữ hành chia sẻ tại tọa đàm “hành trình sáng tạo cùng các dự án du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu” do STDe tổ chức mới đây và mong muốn tìm ra giải pháp cho vấn đề bức thiết này.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt (đồng thời là lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành) - cho rằng, nhiều ý tưởng sáng tạo của STDe và các tổ chức, doanh nghiệp khác rất hay và có tính khả thi nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi bởi còn thiếu nhiều nguồn lực.
“Hiệp hội và STDe sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để tìm kiếm, bổ sung thêm các nguồn lực giúp thúc đẩy các dự án du lịch sáng tạo, mang đến nhiều sản phẩm du lịch giá trị theo hướng thuận thiên” - ông Đạt cho biết.