Nhiều người vẫn 'sập bẫy' lừa đảo qua mạng

Mặc dù đã được khuyến cáo, song, người dân vẫn liên tiếp bị 'sập bẫy' các đối tượng lừa đảo qua mạng. Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tiếp tục có những cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác khi thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch trên môi trường mạng.

Mạo danh công an hướng dẫn tích hợp điểm giấy phép lái xe: Giả danh cán bộ công an để hướng dẫn tích hợp điểm giấy phép lái xe là thủ đoạn lừa đảo vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cảnh báo. Theo Cục An toàn thông tin, hình thức lừa đảo mạo danh cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước tuy không mới nhưng chiêu trò ngày càng tinh vi.

Đáng chú ý, đầu tháng 2, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có cảnh báo về hình thức lừa đảo mới về cài đặt dịch vụ công để nhận điểm giao thông. Thủ đoạn chung của các đối tượng là trực tiếp gọi điện đến số điện thoại di động cá nhân, giả danh cán bộ công an để tạo niềm tin và yêu cầu người dân đến trụ sở công an gần nhất để bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật, hoàn thiện dữ liệu về dân cư của người dân.

Đối tượng lừa đảo thường gọi, yêu cầu vào những thời điểm trong giờ hành chính, giờ làm việc… để người dân không thể sắp xếp thời gian, từ chối yêu cầu đến trụ sở công an và chọn làm việc, trao đổi thông tin qua điện thoại.

Cục An toàn thông tin lưu ý, điểm giấy phép lái xe sẽ được tự động tích hợp khi cài đặt dịch vụ công mức độ 2 với người có giấy phép lái xe; cơ quan công an không yêu cầu người dân cài bất kỳ dịch vụ nào để được tích hợp điểm.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai; không chuyển tiền theo yêu cầu, không tải về ứng dụng lạ hoặc các trang web không rõ nguồn gốc. Khi nhận được cuộc gọi lạ tự xưng cán bộ cơ quan nhà nước, người dân cần kiểm tra và xác minh danh tính đối tượng.

Lừa đảo bán sơn trên mạng xã hội: Đối tượng lừa đảo bán sơn trên mạng sử dụng nhiều tài khoản Facebook tham gia các hội nhóm để rao bán sơn, vỏ thùng sơn. Sau khi khách hàng chốt đơn, chuyển khoản mua hàng xong, đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền nhận được. Mặc dù chiêu thức lừa đảo không mới, nhưng bằng thủ đoạn này, vẫn nhiều bị hại "sập bẫy".

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng khi giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến.

Người dân cần xác minh danh tính đối tượng, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng, không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản.

Người dân cũng cần chủ động bảo mật thông tin cá nhân; không chuyển khoản, không cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết; đồng thời, không nên truy cập bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào nhận được từ nguồn không rõ ràng.

Quỳnh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-nguoi-van-sap-bay-lua-dao-qua-mang.html
Zalo