Thiếu hụt nhân lực ESG
ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội và Governance - Quản trị) là bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang thiếu những nhân sự hiểu được chuẩn mực ESG và có thể sử dụng công cụ số, phân tích dữ liệu…
Thông tin về tầm quan trọng của ESG cũng như chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay, TS Phùng Văn Đông - Giám đốc Viện công nghệ châu Á (AIT) cho hay, ESG không chỉ là một lựa chọn chiến lược, mà xu hướng sẽ trở thành “giấy thông hành” để doanh nghiệp (DN) Việt bước vào sân chơi toàn cầu. Với những cam kết ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế, khả năng đáp ứng ESG đang quyết định cơ hội tiếp cận vốn và chuỗi cung ứng của DN.
Theo Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), hơn 80% nhà đầu tư và định chế tài chính quốc tế yêu cầu DN có tiêu chuẩn ESG rõ ràng trước khi giải ngân vốn trung, dài hạn. Các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP cũng đặt ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phát thải, lao động và minh bạch trong quản trị.
Đồng quan điểm, ông Sam Hanna - Giám đốc chương trình EMBA tại trường Quản lý (School of Mananagement - SOM), Viện Công nghệ châu Á (AIT) nhận định, thực tiễn cho thấy, ESG không còn là lựa chọn mà là điều kiện để DN Việt bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu. ESG chính là cầu nối giúp hài hòa hai mục tiêu: Tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong bối cảnh mới với xu hướng chuyển dịch toàn cầu, thực thi ESG - chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành chiến lược mà cộng đồng DN buộc phải thực thi.
Thực tế, đã có nhiều DN Việt thực thi ESG thành công và gặt hái được kết quả trong sản xuất kinh doanh như các DN ngành xuất khẩu gỗ, ngân hàng, vận tải. Tuy nhiên, khảo sát năm 2024 của Viện công nghệ châu Á (AIT) cho thấy, 80% DN Việt có tuyên bố hoặc định hướng về ESG, nhưng chỉ 15% có báo cáo ESG đầy đủ, 76% chưa có hệ thống quản trị ESG rõ ràng.
Trong khi đó, theo TS Lương Thái Bảo - Trưởng Bộ môn Tài chính quốc tế của Viện Ngân hàng tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân), chuyển đổi số không chỉ là điều kiện hỗ trợ ESG mà còn là động lực tăng trưởng của DN. Tuy nhiên, rào cản lớn hiện nay vẫn là thiếu vốn và chưa có hệ sinh thái chính sách đồng bộ giữa lĩnh vực ESG và chuyển đổi số. TS Lương Thái Bảo cho rằng, các ngân hàng nên mở rộng dịch vụ tài chính đối với lĩnh vực ESG và đẩy mạnh chuyển đổi số để giúp DN nâng cao năng lực quản trị ESG một cách hiệu quả hơn.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, một trong những thách thức lớn đối với ESG và chuyển đổi số là điểm nghẽn nguồn nhân lực. Theo TS Phùng Văn Đông, nguồn lực nhân sự xanh và số chỉ có khoảng 30% kỹ sư công nghệ thông tin mới ra trường có thể làm việc ngay. Thách thức nhân lực ESG không chỉ nằm ở số lượng mà còn ở chất lượng.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra một trong những thách thức mà nhiều DN đã và đang gặp phải trên hành trình số hóa gắn với ESG, đó là sự thiếu hụt về tư duy tích hợp, năng lực hoạch định dài hạn. Sự thiếu hụt này là do hạn chế về đội ngũ nhân sự có nền tảng kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tiễn, trong khi đây là kết quả của quá trình đào tạo chuyên sâu.
Việt Nam đặt mục tiêu 700.000 nhân lực công nghệ thông tin vào năm 2025, nhưng hiện mới chỉ có khoảng 530.000 người được đào tạo lĩnh vực này. Mỗi năm có khoảng 57.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp, nhưng chỉ 30% đạt yêu cầu của DN ngay sau khi ra trường. Việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đang trở thành điểm nghẽn lớn trên hành trình số hóa và thực thi ESG bền vững.
Trước thực tế này, PGS.TS Lê Đức Hoàng - Trưởng Bộ môn Tài chính DN (Đại học Kinh tế quốc dân), đề xuất cần sớm ban hành “Chiến lược quốc gia về đào tạo kỹ năng ESG và số bao trùm” với các trụ cột như, khung kỹ năng ESG số quốc gia, tín dụng học tập, học bổng và hệ thống chứng chỉ linh hoạt theo chuẩn quốc tế. Giám đốc AIT Phùng Văn Đông nhấn mạnh, ESG và chuyển đổi số không chỉ là trách nhiệm xã hội hay công nghệ, mà là “hộ chiếu” quan trọng trong hội nhập. Chính vì vậy Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực ESG có chứng chỉ quốc tế trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh trong nền kinh tế.