Thủ tướng Ấn Độ ưu tiên khoáng sản thiết yếu trong chuyến công du 5 nước

Theo Bloomberg (Mỹ), các thỏa thuận về nguồn cung khoáng sản thiết yếu sẽ là chủ đề chính trong chuyến công du 5 quốc gia sắp tới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: ANI/TTXVN

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: ANI/TTXVN

Thủ tướng Modi dự kiến đến thăm Ghana, Namibia, Brazil, Argentina cùng Trinidad & Tobago từ ngày 2/7.

Ngày 30/6, Thứ trưởng phụ trách Quan hệ Kinh tế tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Dammu Ravi, chia sẻ với các phóng viên ở New Delhi: “Chúng tôi đã đạt tiến độ khả quan ở Argentina. Hiện các doanh nghiệp nhà nước Ấn Độ như Khanij Bidesh India cùng NMDC Ltd đang xúc tiến tìm đối tác tại châu Phi”.

Khanji Bidesh cùng Coal India hiện có 4 quyền khai thác mỏ đất hiếm ở Mỹ Latinh.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Periasamy Kumaran cho biết nước này đang đàm phán với Argentina, Peru và Bolivia để có thêm nhiều giấy phép khai thác hơn.

Đất hiếm là nhóm gồm 17 nguyên tố được gọi là "hiếm" vì quá trình khai thác và tinh luyện vô cùng phức tạp. Các nguyên tố đất hiếm đóng vai trò then chốt trong sản xuất những công nghệ sẽ định hình thế giới trong các thập niên tới, bao gồm xe điện và các hệ thống vũ khí tiên tiến.

Gần đây, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu nguyên tố đất hiếm (REE). Động thái này là phản ứng của Bắc Kinh trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trung Quốc sản xuất gần 70% nguồn cung đất hiếm của thế giới. Hơn nữa, 90% công đoạn tinh luyện đất hiếm diễn ra tại Trung Quốc. Nước này nhập khẩu đất hiếm từ các quốc gia khác và tinh chế.

CNBC (Mỹ) đưa tin, như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ đang gặp khó khăn với lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc. Bản thân Ấn Độ cũng muốn phát triển nguồn cung trong nước.

Trong tháng 6, Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Piyush Goyal đánh giá việc Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm là "lời cảnh tỉnh" cho thế giới đồng thời cũng là cơ hội để Ấn Độ đưa ra giải pháp thay thế.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trong khi Trung Quốc có trữ lượng REE lớn nhất thế giới với 44 triệu tấn, Ấn Độ cũng sở hữu một lượng đáng kể là 6,9 triệu tấn. Điều đó khiến Ấn Độ trở thành quốc gia có trữ lượng REE lớn thứ ba thế giới sau Brazil.

Ông Gracelin Baskaran tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington D.C. nhận định rằng Ấn Độ sẵn sàng đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu đa dạng hơn.

Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả trữ lượng đất hiếm, các quốc gia cần có khả năng khai thác và chiết xuất nguyên liệu thô, cũng như năng lực và công nghệ để xử lý, tinh chế. Cho đến nay, Ấn Độ vẫn còn thiếu công nghệ tách và tinh chế tiên tiến, đặc biệt là so với Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Ông Abhijit Kulkarni tại công ty EY Parthenon lưu ý rằng tính đến nay, Ấn Độ đóng góp chưa đến 1% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Ông bổ sung rằng những thách thức khác mà Ấn Độ phải đối mặt bao gồm thiếu chuyên môn kỹ thuật chuyên biệt trong khai thác và tinh chế đất hiếm, cơ sở hạ tầng chưa phát triển.

Nhằm nỗ lực nhằm thay đổi điều đó, Ấn Độ đã khởi động Sứ mệnh Khoáng sản quan trọng quốc gia vào năm 2025. Sáng kiến này nhằm mục đích phát triển một khuôn khổ hiệu quả để tự lực về đất hiếm.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thu-tuong-an-do-uu-tien-khoang-san-thiet-yeu-trong-chuyen-cong-du-5-nuoc-20250701104411957.htm
Zalo