ACV nguy cơ lỗ nghìn tỷ vì đồng yên tăng giá

Lãnh đạo ACV ước tính lỗ tỷ giá nửa đầu năm hơn nghìn tỷ đồng, qua đó làm giảm lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp về còn khoảng 5.851 tỷ đồng.

Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang có khoản nợ dài hạn xấp xỉ 63,5 tỷ yên Nhật (JPY) từ nguồn vốn ODA, do đó, xu hướng tăng giá của đồng yên sẽ tạo nên những tác động tiêu cực đối với lợi nhuận doanh nghiệp. Đây cũng là thế khó của ACV trong bối cảnh hiện nay, nếu tỷ giá liên tục tăng sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng lỗ tỷ giá.

Theo kế toán trưởng Nguyễn Văn Nhung, tỷ giá đồng yên so với VND từ đầu năm đã tăng từ 153 lên 173, dự kiến tỷ giá có thể tăng tiếp lên 185 vào cuối năm.

Đây là một loại tỷ giá chéo nên ACV cho rằng rất khó kiểm soát, nhất là khi đồng tiền này biến động rất lớn trong nửa đầu năm. Việc đánh giá chính xác là rất khó, nhưng trên tinh thần thận trọng thì dự báo đồng yên có thể chênh lệch hơn 2%.

"Đà tăng hiện nay có thể khiến lỗ tỷ giá 1.700 tỷ đồng trong năm 2025, hiện nửa đầu năm có thể đã lỗ nghìn tỷ đồng, không thể dự báo mang tính tuyệt đối", ông Nhung tiết lộ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, diễn ra ở TP.HCM.

Mặc dù vậy, ông Nhung cũng lưu ý rằng thực tế các năm trước thì tỷ giá yên Nhật thường giảm vào cuối năm, nên công ty có thể có lãi tỷ giá trở lại.

Cụ thể, trong quý IV/2024, ACV lãi ròng từ chênh lệch tỷ giá hơn 650 tỷ đồng trong bối cảnh đồng yên suy yếu so với VND, từ đó lũy kế cả năm, ACV ghi nhận mức lãi tỷ giá 413 tỷ đồng.

Đầu tư lớn vào "cực tăng trưởng" sân bay Long Thành

Điểm nhấn trong kế hoạch 2025 của ACV là tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia và trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Cụ thể, ACV sẽ tập trung chủ yếu vào việc hoàn thành cơ bản sân bay Long Thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác thương mại trong nửa đầu năm 2026.

Kế hoạch dự kiến sẽ chuyển 80%-85% khách quốc tế và 10%-15% khách nội địa từ Tân Sơn Nhất xuống Long Thành, giúp sân bay này có thể đón 15-16 triệu khách ngay khi hoạt động.

Với kế hoạch này, Chủ tịch HĐQT Vũ Thế Phiệt kỳ vọng, sân bay Long Thành sẽ sớm đạt công suất tối đa ở giai đoạn 1 (20 triệu khách quốc tế và 5 triệu khách quốc nội), thậm chí các lãnh đạo đang chỉ đạo các phương án chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2, bao gồm đường băng số 2. Vị Chủ tịch cho biết dự án Long Thành sẽ hoàn vốn trong 14 năm.

"Với lượng khách lớn này thì thời gian hoàn vốn sẽ sớm hơn kỳ vọng và các báo cáo khả thi", ông Phiệt đánh giá.

Phối cảnh sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)

Phối cảnh sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)

Ngoài ra, các kết nối giao thông cũng đang được quan tâm để vận hành đồng bộ. Chẳng hạn, ngày 19/8 sẽ khởi công cao tốc TP.HCM Long Thành lên 10 làn, cùng với các hạ tầng khác như các tuyến đường sắt đang được nghiên cứu.

Chủ tịch ACV cũng "bật mí" đang thuê Incheon (Hàn Quốc) tư vấn để khai thác sân bay Long Thành, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và chất lượng dịch vụ cao.

Ngoài sân bay Long Thành, các dự án khác cũng được ACV đặt làm trọng tâm trong năm nay, bao gồm mở rộng nhà ga T2 Nội Bài - 5 triệu khách (dự kiến hoạt động cuối năm 2025), nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với công suất 20 triệu khách, cùng với nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau và nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Riêng với sân bay Phú Quốc đang ở giai đoạn tỉnh lựa chọn nhà đầu tư mở rộng, ACV đang phối hợp chủ đầu tư để kịp xây dựng cho sự kiện APEC và đảm bảo lợi ích các bên. Sau đó, các bên sẽ lên phương án hợp tác khai thác cụ thể.

Tổng mức đầu tư các dự án trong năm 2025 là 146.819 tỷ đồng; trong đó nhu cầu vốn đầu tư phát triển là 39.828 tỷ đồng.

Giải quyết "điểm nghẽn" để chuyển nhà sang HoSE

Về vấn đề niêm yết cổ phiếu, kế toán trưởng Nguyễn Văn Nhung cho biết, ACV đã được phê duyệt quyết toán cổ phần hóa từ tháng 2. Đối với nội dung xử lý tài sản khu bay, ban lãnh đạo ACV đang cố gắng hoàn thành triệt để thông qua tăng vốn, với mục tiêu hoàn thành trước 31/12/2026.

Nếu giải quyết được vấn đề này, cổ phiếu ACV có thể được niêm yết lên HoSE.

Về quản lý nợ vay, ACV đã chủ động vay USD sớm trị giá 1,8 tỷ USD cho dự án Long Thành từ các ngân hàng trong nước, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân mà sử dụng vốn tự có khoảng 36.000 tỷ đồng.

"Chúng tôi kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ giảm cuối năm sẽ có lợi cho việc vay USD dự án này", ông Nhung chia sẻ.

Về triển vọng 3-5 năm tới, lãnh đạo ACV tin rằng ngành hàng không sẽ đi lên cùng với sự phát triển nền kinh tế.

"Trên thế giới thông thường GDP tăng 1% thì hàng không tăng 1,2-2%. Do đó mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ nếu đạt được thì ngành hàng không cũng sẽ tăng 10%-20%", Chủ tịch HĐQT Vũ Thế Phiệt nhận định.

Liên quan đến cổ tức, ĐHĐCĐ gần đây đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua phương thức chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2019-2023 bằng cổ phiếu. Hiện ACV đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Chứng khoán nhà nước để thực hiện.

Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 64,58%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 64,58 cổ phiếu mới (phần cổ phiếu lẻ bị hủy bỏ).

Đây là mức cổ tức cao nhất từ khi ACV cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán vào năm 2016. Trong 3 năm đầu lên sàn, doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn bằng tiền với tỷ lệ 6%-9%, sau đó dừng chi trả cho cổ đông từ 2019 đến nay.

Sau khi phát hành 1,4 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức ngay năm nay, ACV sẽ tăng vốn điều lệ từ 21.771 tỷ đồng lên 35.830 tỷ đồng, lọt vào nhóm các doanh nghiệp có vốn điều lệ tỷ USD trên sàn chứng khoán.

Về phân phối lợi nhuận 2024, HĐQT đề xuất trích quỹ đầu tư phát triển gần 3.076 tỷ đồng và trích quỹ khen thưởng phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý số tiền 943 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2024 còn 6.234 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ACV cho biết đang chờ ý kiến của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 còn lại.

"ACV sẽ thực hiện xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua nội dung này", lãnh đạo ACV chia sẻ.

An Nhiên

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/acv-nguy-co-lo-nghin-ty-vi-dong-yen-tang-gia-d40977.html
Zalo