Thiếu giáo viên chuyên trách là thách thức lớn khi dạy nội dung GD địa phương
Thiếu GV chuyên trách, trường phải phân công GV bộ môn khác như Lịch sử, Địa lý hoặc Ngữ văn, thậm chí cả Khoa học tự nhiên tham gia dạy giáo dục địa phương.
Chương trình 2018 đưa nội dung giáo dục địa phương vào giảng dạy ở cả 3 cấp học phổ thông. Ở cấp tiểu học, các nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục địa phương được xây dựng là một môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết học/năm học.
Giáo dục địa phương được kỳ vọng sẽ trang bị cho học sinh những kiến thức nền tảng về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế và xã hội của địa phương. Đồng thời, nội dung giáo dục này còn nuôi dưỡng tình yêu quê hương, khơi dậy ý thức khám phá và khả năng áp dụng những hiểu biết đã tiếp thu vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn tại địa phương.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian triển khai, quá trình dạy và học đã bộc lộ một vài hạn chế cần khắc phục.
Tài liệu giảng dạy chưa kịp thời, đầy đủ và đồng bộ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (Văn Chấn, Yên Bái) chia sẻ: “Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương, trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.
Theo đó, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên và tổ chức dạy học theo đúng quy định. Nội dung giáo dục địa phương được tích hợp trong Hoạt động trải nghiệm và các môn khác, với thời lượng khoảng 1 tiết/tuần/lớp. Giáo viên nhà trường đã tham gia đầy đủ các buổi tập huấn do Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như các đơn vị chuyên môn tổ chức.
Sau khi nắm bắt nội dung, giáo viên sẽ triển khai lại trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, để chia sẻ kinh nghiệm, góp ý hoàn thiện kế hoạch giảng dạy. Việc tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào chương trình cũng được thực hiện theo phân phối chương trình của nhà trường, đảm bảo phù hợp với từng môn học và thời điểm trong năm học. Giáo viên chủ nhiệm là lực lượng chính, thực hiện các tiết dạy này theo kế hoạch giáo dục chung”.
“Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tài liệu giảng dạy chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ. Dù nhà trường đã có sách giáo khoa của địa phương cũng như một số tài liệu tham khảo dạng file PDF, nhưng những tài liệu này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Giáo viên thường phải tự tìm kiếm thêm thông tin để bổ sung nội dung bài giảng. Điều này không chỉ tốn thời gian, mà đôi khi còn gây khó khăn khi chọn lọc thông tin chính xác, phù hợp. Ngoài ra, sự đồng bộ giữa nội dung tài liệu giáo dục địa phương và kế hoạch hướng dẫn Hoạt động trải nghiệm chưa cao, khiến giáo viên khó khăn trong việc kết nối các nội dung với thực tế giảng dạy.
Ví dụ, một số chủ đề về bản sắc dân tộc, văn hóa địa phương được đề cập trong sách, nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc các tài liệu tham khảo bổ sung tương ứng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc lồng ghép nội dung và tổ chức các hoạt động học tập một cách hiệu quả” - cô Hải bày tỏ.
Chia sẻ về khó khăn trong triển khai tại Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa - Giáo dục công dân cho hay: “Hiện nay, nội dung giáo dục địa phương đang được triển khai tại tất cả các khối lớp trong trường, với thời lượng 35 tiết/năm học. Mặc dù nhà trường rất nỗ lực trong việc tổ chức và thực hiện chương trình, nhưng vẫn gặp phải một số khó khăn khi triển khai.
Tài liệu giảng dạy cho các khối lớp 6, 7, 8 đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội cung cấp đầy đủ cùng với đó là các tài liệu điện tử dưới dạng file PDF. Tuy nhiên, đối với khối lớp 9, việc thiếu tài liệu chính thức đã tạo ra một vài khó khăn. Vì tài liệu giáo dục địa phương cho lớp 9 chưa được phát hành kịp thời, nhà trường phải chủ động xây dựng nội dung giảng dạy phù hợp. Đồng thời, các giáo viên trong tổ phải kết hợp tài liệu lịch sử Hà Nội cùng các nguồn tư liệu khác để biên soạn chương trình cho học sinh lớp 9. Điều này đôi khi khiến cho việc đảm bảo chất lượng dạy và học chưa hoàn toàn được như mong đợi”.
Trường Trung học phổ thông chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) cũng gặp khó khăn tương tự, khi còn thiếu tài liệu phục vụ nội dung giảng dạy.
Cô Đặng Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tài liệu giáo dục địa phương không được xuất bản kịp thời, điều này ảnh hưởng đến việc triển khai giảng dạy, đặc biệt ở lớp 12 năm học 2024-2025. Nhà trường đã gặp không ít khó khăn khi phải chờ đợi tài liệu, ảnh hưởng khá nhiều đến kế hoạch học dạy và học.
Tuy nhiên, với kế hoạch xuất bản tài liệu “cuốn chiếu” của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, lớp 10 và 11 đã có tài liệu, nhờ đó không trở thành trở ngại lớn đối với học sinh 2 khối lớp này.
Mặc dù vậy, nhà trường vẫn phải điều chỉnh nội dung để đảm bảo phù hợp với bối cảnh địa phương và yêu cầu của chương trình, nên quá trình triển khai cũng tiêu tốn thêm thời gian và nguồn lực”.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Thoại Ngọc Hầu cũng chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất trong hoạt động thực hành, trải nghiệm khi triển khai nội dung giáo dục địa phương hiện nay là kinh phí. Nhà trường luôn mong muốn học sinh được trải nghiệm thực tế, bởi, đây là cách hiệu quả nhất để các em hiểu rõ và cảm nhận sâu sắc về quê hương mình.
Tuy nhiên, việc tổ chức các chuyến đi thực tế đòi hỏi nguồn kinh phí đáng kể, bao gồm chi phí đi lại, tổ chức hoạt động và các khoản phụ trợ khác. Hiện tại, điều kiện tài chính hạn chế khiến nhà trường phải chủ yếu tập trung vào giảng dạy lý thuyết qua sách vở, hoặc chỉ thực hành tại chỗ, điều này phần nào làm giảm hiệu quả giáo dục”.
Thiếu giáo viên chuyên trách vẫn đang là một thách thức lớn
Bên cạnh khó khăn về thiếu tài liệu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Thoại Ngọc Hầu cũng chỉ ra, nội dung giáo dục địa phương tại tỉnh An Giang đối với nhà trường vẫn chưa thực sự sát thực tế: “Hiện nay, chỉ khoảng 70% nội dung giáo dục địa phương là sát thực tế, phản ánh đúng đặc trưng văn hóa và lịch sử của tỉnh nhà. Phần còn lại là lý thuyết khá khô khan và chưa gắn bó chặt chẽ với tình hình văn hóa của tỉnh An Giang
Mặt khác, vẫn còn một số khó khăn, nhất là ở các chủ đề mỹ thuật và âm nhạc. Chẳng hạn, với nội dung mỹ thuật, giáo viên không chỉ đơn thuần là dạy một bức tranh cho học sinh, mà cần nắm rõ đặc điểm thẩm mỹ, văn hóa mỹ thuật của địa phương để giảng dạy hiệu quả. Tương tự, chủ đề âm nhạc cũng đòi hỏi giáo viên phải am hiểu các bài hát, làn điệu truyền thống đặc trưng, điều mà không phải ai cũng có điều kiện hoặc thời gian để trau dồi. Chính vì vậy, chỉ có những giáo viên có năng khiếu mới có thể truyền tải thật tốt 2 nội dung mỹ thuật và âm nhạc”.
Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở tại huyện Xín Mần (Hà Giang) bộc bạch: “Việc thiếu giáo viên chuyên trách đối với nội dung giáo dục địa phương vẫn đang là một thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy tại nhiều nhà trường. Hiện nay, nhà trường đang phân công giáo viên từ các bộ môn khác như Lịch sử, Địa lý hoặc Ngữ văn, thậm chí cả giáo viên môn Khoa học tự nhiên cũng tham gia giảng dạy giáo dục địa phương.
Tuy nhiên, sự chênh lệch về kiến thức chuyên môn và kỹ năng giảng dạy liên quan đến các chủ đề đa dạng đã làm giảm đáng kể chất lượng truyền đạt kiến thức đến học sinh.
Giáo dục địa phương có đặc thù bao gồm nhiều nội dung phong phú như văn hóa, lịch sử, địa lý,... tất cả đều liên quan chặt chẽ đến địa phương nơi học sinh sinh sống. Những nội dung này đòi hỏi giáo viên không chỉ có sự hiểu biết sâu sắc mà còn cần khả năng sáng tạo trong thiết kế các hoạt động học tập thực tiễn.
Nếu có đủ đội ngũ giáo viên chuyên trách, việc giảng dạy có thể được thực hiện một cách bài bản, khoa học hơn, đồng thời phù hợp với từng chủ đề cụ thể. Điều này sẽ giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức một cách toàn diện, mà còn phát triển kỹ năng tư duy phản biện, khả năng áp dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tế tại địa phương”.
Một trong những khó khăn tiếp theo trong việc triển khai nội dung giáo dục địa phương chính là tạo sức hấp dẫn cho môn học này đối với học sinh.
Cô Hoàng Thị Thanh Hải chia sẻ: “Nội dung giáo dục địa phương hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc thu hút sự quan tâm của học sinh. Nội dung môn học đôi khi còn khô khan, ít gắn với thực tiễn, khiến học sinh khó cảm thấy hứng thú.
Theo tôi, cộng đồng là nguồn tài nguyên sống động về văn hóa, lịch sử và truyền thống địa phương. Nếu có điều kiện, nhà trường sẽ mời các nghệ nhân làm khèn, các cụ già am hiểu về truyền thống hay những người nông dân giỏi đến trường chia sẻ kinh nghiệm... Những câu chuyện và kỹ năng thực tế ấy không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về quê hương mình, mà còn khơi dậy niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm đối với địa phương.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cố gắng tổ chức các buổi học trải nghiệm tại các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, hoặc tham gia vào các sự kiện văn hóa địa phương. Những buổi học này không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, mà còn khiến các em nhớ bài lâu hơn, yêu thích nội dung bài học hơn.
Khi học sinh được học qua việc trực tiếp tham gia và cảm nhận, các em không chỉ hiểu rõ giá trị của văn hóa địa phương, mà còn hình thành ý thức bảo tồn di sản, văn hóa. Đây là điều rất quý giá, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay. Tuy vậy, để thực hiện hoạt động này, cần có những chính sách về kinh tế một cách bài bản và dài hạn”.
Cô Đặng Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Thoại Ngọc Hầu, cũng góp ý thêm: “Đây là nội dung không khó dạy đối với những giáo viên có sự gắn bó sâu sắc với địa phương và lòng yêu nghề, điều quan trọng là phải lựa chọn đúng người phù hợp để đảm nhận các nội dung. Các trường nên ưu tiên phân công nội dung giáo dục địa phương cho những thầy cô có sở thích nghệ thuật, yêu thích tìm hiểu văn hóa, hoặc đã từng dạy các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý..., những môn có sự giao thoa và hỗ trợ rất lớn với nội dung giáo dục địa phương.
Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần bám sát tài liệu chuẩn để đảm bảo tính chính xác và hệ thống của kiến thức. Tuy nhiên, không nên chỉ dừng lại ở sách vở, giáo viên cần mở rộng nội dung bài giảng bằng chính những trải nghiệm thực tế mà bản thân từng tham gia, như các lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa, hay những phong tục tập quán đặc sắc. Chính sự đa dạng và sống động của những ví dụ thực tiễn này sẽ giúp học sinh nắm bắt kiến thức dễ dàng hơn, đồng thời làm tăng sự yêu thích, tò mò đối với môn học.
Đối với các giáo viên trẻ, những người có thể chưa quen thuộc với nội dung đặc thù, cũng không cần quá lo ngại. Bởi, hiện nay, hầu hết các địa phương đều có hệ thống hỗ trợ chuyên môn chặt chẽ, bao gồm các nhóm thầy cô giàu kinh nghiệm như “cán bộ chỉ đạo” hoặc “cán bộ mạng lưới”, sẵn sàng giải đáp thắc mắc, hỗ trợ phân phối chương trình qua nhóm bộ môn hoặc các buổi họp bộ môn định kỳ.
Hơn nữa, vai trò của ban giám hiệu và các thầy cô dày dặn kinh nghiệm trong mỗi nhà trường là rất quan trọng. Họ chính là nguồn hỗ trợ đáng tin cậy, giúp giáo viên trẻ định hướng phương pháp giảng dạy và xử lý những tình huống khó khăn trong thực tiễn. Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thầy cô và sự hỗ trợ từ ban giám hiệu, việc triển khai nội dung giáo dục địa phương sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, đồng thời giúp nâng cao chất lượng giảng dạy trong toàn trường”.
Cô Đặng Thị Vĩnh Thụy, Tổ trưởng Tổ Hóa, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Kon Tum) cho rằng: “Để triển khai dạy nội dung giáo dục địa phương hiệu quả, giáo viên rất cần trải nghiệm thực tế để truyền đạt những kiến thức về văn hóa, chính trị, tư tưởng; thậm chí là những phân tích mới mẻ về tình hình của địa phương trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, tài liệu giáo dục địa phương khá đơn giản, nên nếu thầy cô dạy chỉ bám vào tài liệu sẽ gây nhàm chán cho học sinh; ngược lại, nếu kết hợp được giữa kiến thức và thực tiễn sẽ làm cho học sinh rất hứng thú”.